Bí mật điều tra, ra 53 quan tham
Thống kê qua sử cũ có hơn 30 vụ việc liên quan tới tham nhũng, hối lộ của quan lại thuộc về 40 năm đầu thời Lê sơ. Trong đó thời vua Lê Thái Tổ có vụ Cầm Quý; thời Lê Thái Tông 11 vụ; Lê Nhân Tông có 8 vụ và 8 năm đầu (1460 - 1468) thời Lê Thánh Tông 10 vụ. Riêng năm Mậu Thìn (1448) thời Lê Nhân Tông có tới 6/8 vụ tham nhũng; năm Đinh Hợi (1467) thời vua Lê Thánh Tông có 8/10 vụ. Vụ án tham nhũng cuối cùng trong 40 năm đầu thời Lê sơ là vụ án của nội quan Phan Tông Trinh cùng đồng bọn năm Mậu Tý (1468). Trong vụ án này, những nội thần gồm Nguyễn Thư, Chu Đức Đại, Dương Minh Phong, Ngô Át và Phan Tông Trinh hầu cận trong cung vua nhưng nhiều lần ăn hối lộ.
![Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Tham nhũng từ đại thần tới đầu bếp- Ảnh 1. Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Tham nhũng từ đại thần tới đầu bếp- Ảnh 1.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2025/2/6/2a-17388569789011741881358.jpg)
Chân dung Nguyễn Trãi, vị Hành khiển từng mắng quan tham
TRANH TƯ LIỆU
Những vụ tham nhũng, hối lộ chủ yếu xảy ra với quan lại trong triều. Ở cấp địa phương được ghi chép ít hơn. Điển hình là năm Ất Mão (1435), Việt sử cương mục tiết yếu cho biết vua Lê Thái Tông cho người đi khắp cả nước bí mật điều tra, bắt và xét hỏi tới 53 kẻ tham quan ô lại bao gồm những Tuyên phủ, Chuyển vận, Tuần sát các lộ, trấn, huyện. Đây là trường hợp ghi nhận nhiều quan viên tham nhũng nhất thời Lê sơ bị bắt và xét xử.
60 năm cuối nhà Lê sơ từ niên hiệu Hồng Đức (1470 - 1497) của vua Lê Thánh Tông cho đến thời vua Lê Cung Hoàng (1522 - 1527) chính sử không ghi số vụ, việc tham nhũng, nhưng nạn "sâu dân mọt nước" đã gia tăng và tính chất ngày càng trầm trọng. Bởi Lê Uy Mục dùng ngoại thích; Lê Tương Dực bòn rút tiền tài của dân xây điện trăm nóc, Cửu Trùng đài; Lê Chiêu Tông và Lê Cung Hoàng theo Nam Việt lược sử là tài năng hạn chế, không có thực quyền trị nước, tham nhũng, hối lộ càng có cơ hội để phát triển nhiều hơn. Thậm chí việc cướp đoạt tài sản dân đen một cách trắng trợn đã trở nên phổ biến trong chốn quan trường và ngoài nhân gian thời Uy Mục, Tương Dực.
Chức vụ càng cao, tham ô càng nhiều
Năm Đinh Tỵ (1437), người thợ sơn Cao Sư Đãng của cục Tả ban Tất tác vì việc xây dựng chùa Báo Thiên vất vả đã chê trách vua quan nhà Lê mà Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi là: "Thiên tử thì kém đức để đến nỗi có nạn hạn hán; đại thần thì ăn hối lộ, cất dùng kẻ nọ kẻ kia chẳng làm được công trạng gì cả!". Nhiều trường hợp quan lại tham nhũng đã bị điểm mặt, chỉ tên, lưu tiếng xấu để đời.
Hành khiển Nguyễn Trãi năm Giáp Dần (1434) đã mắng Nội mật viện Nguyễn Thúc Huệ, Học sĩ Lê Cảnh Xước tài năng, đức hạnh kém cỏi: "Bọn các người là hạng bề tôi vơ vét". Đời sau, Thiên Nam minh giám diễn thơ chê Xước: "Kìa Cảnh Xước những bề luồn lọt/ Quen một chiều học Bụt nói dông", còn Huệ thì: "Nước nào rửa sạch nhơ ngươi Huệ/ Nghĩ trong đời nhiều tệ ắt ghê". Bị Nguyễn Trãi mắng nhưng họ vẫn "ngựa quen đường cũ". Xước nhận hối lộ 20 lạng bạc năm Đinh Tỵ (1437), Nguyễn Thúc Huệ lấy tiền nhà nước khi đi hội khám biên giới.
Nhiều công thần, đại thần nhà Lê nhúng chàm tham ô. Thái phó Lê Văn Linh cho người làm quan để nhận hối lộ; Thái úy Lê Thụ cưới vợ cho con trai năm Mậu Thìn (1448) đã nhận lễ vật của cấp dưới gây nên cảnh Cương mục ghi: "Những kẻ bon chen xu phụ đua nhau đem lễ đến dâng. […] Các trấn, các lộ nhân đó bắt dân đóng góp cung ứng để mua lòng Lê Thụ"; cha con Thái úy Nguyễn Xí và Đô đốc Nguyễn Sư Hồi năm Quý Mùi (1463) bị tố cáo nhận hối lộ 80 lạng bạc.
Theo Lê triều quan chế, Thái phó, Thái úy là trọng chức cao nhất trong hàng ngũ đại thần, Đô đốc thuộc hàng Chánh nhất phẩm… Việc lợi dụng chức vụ để tham nhũng của quan lại không chỉ diễn ra một lần là dứt. Chính sự viện tham nghị Nguyễn Nhữ Soạn tham ô đến 3 lần, Lê Thụ 2 lần tham nhũng. Thậm chí, kẻ hầu người hạ của quan viên cũng lợi dụng chức vụ của chủ mà hiếp đáp dân lành mà Toàn thư ghi nhận "người đầu bếp các nhà quyền quý hay thác cớ là người trong cung, ức hiếp người bán, mua rẻ hàng hóa ở chợ". Thế nên mới có vụ đầu bếp Nguyễn Chú ở Thái miếu năm Giáp Dần (1434) ức hiếp dân chúng để mua rẻ hàng hóa bị phạt 80 trượng, thích chữ và đồ làm lính nuôi voi.
Các vụ tham nhũng thời Lê sơ thường lợi dụng chức vụ để vơ vét của công hoặc nhận quà, tiền biếu. Tổng quản lộ An Bang Nguyễn Tông Từ cùng Đồng tổng quản Lê Dao bán trộm hàng hóa, chiếm riêng mỗi người 100 quan tiền năm Giáp Dần (1434); Chuyển vận sứ Nguyễn Liêm nhận hối lộ 2 tấm lụa năm Ất Mão (1435) bị Thiên Nam minh giám ghi: "Chê ngươi Liêm cất mình giấu của/ Mặt mũi nào chẳng hổ họ Bao"… không phải là việc hiếm. Quan viên còn lợi dụng việc công mà làm việc tư như Đồng quản lĩnh Lê Trung Xích sai lính làm việc riêng cho mình năm Đinh Tỵ (1437), Kim ngô vệ đồng tổng tri Lê Quát sai 70 tên lính làm thuyền riêng, phí tổn tới 18 quan tiền của quân đội vào năm Bính Tý (1456).
Cá biệt có trường hợp đưa hối lộ vì mục đích chính trị mà kẻ đưa ở vị trí cao hơn kẻ được hối lộ. Năm Giáp Tý (1504) vua Lê Hiến Tông mất, mẹ nuôi của Lê Tuấn (tức Lê Uy Mục) là Kính phi đem vàng đút lót Lễ Bộ Thượng thư Đàm Văn Lễ để ông thay đổi di chiếu cho Tuấn được làm vua nhưng họ Đàm không nhận. (còn tiếp)
(Lược trích từ tác phẩm Nhà Lê sơ (1428 - 1527) với công cuộc chống nạn "sâu dân, mọt nước" - NXB Tổng hợp TP.HCM, có bổ sung tư liệu)
Bình luận (0)