Nhà leo núi bất ngờ lạc vào xứ sở ‘thần tiên’ cách đây 280 triệu năm

22/11/2024 10:47 GMT+7

Các nhà khoa học đang háo hức trước cơ hội vàng để nghiên cứu một thế giới hóa thạch được bảo tồn vô cùng ấn tượng vào kỷ Đại Cổ sinh, tức trước cả thời khủng long.

Nhà leo núi bất ngờ lạc vào xứ sở ‘thần tiên’ cách đây 280 triệu năm- Ảnh 1.

Các nhà nghiên cứu di chuyển hóa thạch vào vật liệu dùng cho việc vận chuyển hôm 21.10

ảnh: Cơ quan giám sát khảo cổ, mỹ thuật và cảnh quan các tỉnh Como, Lecco, Monza-Brianza, Pavia, Sondrio và Varese (Ý)

Đội ngũ các chuyên gia đang bắt tay vào nỗ lực nghiên cứu một hệ sinh thái đầy đủ từ kỷ Đại Cổ sinh ( cách đây từ 538,8 triệu năm đến 251 triệu năm), được một nhà leo núi tình cờ phát hiện.

Thế giới cổ xưa, niên đại 280 triệu năm trước, nằm trong phạm vi của công viên Orobie Valtellinesi ở dãy Alps thuộc lãnh thổ Ý. Nơi này được bảo tồn tốt đến nỗi cho phép các nhà nghiên cứu phát hiện mọi thứ từ dấu chân của các loài lưỡng cư và bò sát, hóa thạch của những loài thực vật và hạt, đến dấu ấn từ da bụng các động vật và cả hóa thạch của những hạt mưa.

Đối với giới khảo cổ học, đây chẳng khác nào là "xứ sở thần tiên" từ thời cổ xưa, theo trang Popular Mechanics hôm 21.11.

"Hình dạng và kích thước của các dấu vết cho thấy chất lượng của sự bảo tồn và sự đa dạng sinh học cổ đại ở mức độ ấn tượng, có lẽ thậm chí chất lượng còn cao hơn những gì đã được quan sát ở các trầm tích có cùng niên đại", theo chuyên gia Lorenzo Marchetti của Viện Leibniz về Nghiên cứu Tiến hóa và Đa dạng sinh học ở Berlin (Đức).

Thế giới hóa thạch được đề cập vẫn tồn tại cách biệt với bên ngoài trong hàng trăm triệu năm cho đến khi lộ diện do băng tan nhanh chóng vì tình trạng biến đổi khí hậu và được nhà leo núi tên Claudia Steffensen khám phá vào mùa hè năm 2023.

"Đó là một ngày mùa hè vô cùng nóng nực", bà Steffensen chia sẻ với tờ The Guardian. Do trời quá nóng, bà và một số người quen quyết định leo núi Alps. Trên đường về, bà phát hiện một tảng đá với những hình thù kỳ lạ ở độ cao hơn 1.600 m so với mặt nước biển.

Bà Steffensen quyết định chụp ảnh và gửi cho một người bạn là nhà nhiếp ảnh gia Elio Della Ferrera. Người bạn chuyển số hình ảnh cho Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên của Milan (Ý).

Các nhà nghiên cứu đã vào cuộc và lần theo dấu vết của các hóa thạch lên đến độ cao hơn 3.000 m.

"Lúc đó khủng long còn chưa ra đời", theo nhà cổ sinh vật học Cristiano Dal Sasso thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên của Milan.

Những hóa thạch nào được mang tên "Rồng"?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.