Đáng nói, dù đã bị dư luận lên án gay gắt nhưng đến nay những chiêu trò này của nhà mạng vẫn tồn tại như những cái bẫy móc túi, moi tiền hàng triệu người dùng.
Cứ nạp tiền là bị trừ
Bác Trần Thu Hạnh (trú tại khu tập thể Quân đội, P.Điện Biên, Q.Ba Đình, Hà Nội) tỏ ra vô cùng bức xúc với nhà mạng Vinaphone khi liên tiếp thời gian qua, rất nhiều dịch vụ từ bóng đá, kết quả xổ số, hotgirls, tải nhạc, mua nhà... đổ vào số thuê bao của bác.
|
|
Chưa một lần đăng ký các dịch vụ này, nhưng cứ nạp tiền vào là lại bị trừ. Chỉ đến lúc nhận được thông báo: “khách hàng không đủ tiền để sử dụng dịch vụ” bác Hạnh mới ngã ngửa. Cầm chiếc điện thoại trên tay cho chúng tôi xem các dịch vụ này, bác Hạnh giận giữ nói: "Tôi năm nay gần 70 tuổi rồi, còn trai gái hotgirls gì nữa mà ngày nào họ cũng gửi mấy cái tin ba lăng nhăng... Mấy lần trước cứ nạp tiền là thấy bị trừ, dù không gọi cho ai nhưng số tiền chỉ 5.000 - 10.000 đồng nên tôi không hỏi. Nhưng số tiền bị trừ ngày càng nhiều, tôi không thể chịu được gọi lên tổng đài họ giải thích loanh quanh và cũng không hướng dẫn hủy dịch vụ. Tôi không còn biết kêu ai nữa".
Quá nhiều dịch vụ được cung cấp, nhưng không một tin nhắn thông báo đến khách hàng, theo bác Hạnh nhà mạng đã tự ý kích hoạt, không khác gì cố tình gài bẫy, gây thiệt hại cho người dùng. "Họ không tôn trọng, thậm chí lừa khách hàng, đặc biệt những người già như tôi thì làm sao biết được. Một mình tôi tiền không đáng bao nhiêu, nhưng cả triệu người thì rất nhiều. Tôi bức xúc lắm rồi, thay bao nhiêu sim rồi vẫn không thoát được", bác Hạnh ấm ức.
Phản ánh trực tiếp tới Báo Thanh Niên, ông Ngô Văn Lương, nguyên giảng viên Học viện Báo chí và tuyên truyền (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), cũng bức xúc từ đầu năm 2016 đến nay tháng nào cũng phải trả đến 600.000 - 700.000 đồng tiền điện thoại. Thấy quá vô lý vì đã về hưu, chỉ thỉnh thoảng gọi điện cho người thân không thể tốn quá nhiều cước như vậy, ông Lương gọi điện lên tổng đài của Vinaphone thắc mắc thì nhân viên nhà mạng này giải thích số thuê bao 0913.xxx.xxx của ông đang sử dụng tới gần 20 dịch vụ: nhận kết quả xổ số, tin thể thao, cài nhạc chuông, báo cuộc gọi nhỡ.... "Tôi chưa bao giờ đăng ký các dịch vụ này, nhà mạng cũng không có bất cứ thông báo gì vậy mà mỗi tháng tôi bị trừ mấy trăm ngàn đồng cho gần 20 dịch vụ vô lý đó", ông Lương nói, đồng thời cho biết: “Sau khi “truy” nhà mạng Vinaphone đến cùng thì được nhân viên thông báo, phải tự nhắn tin hủy từng dịch vụ. Mày mò cả ngày trời, nhắn đi nhắn lại đỏ cả mắt mới hủy hết thì trong tháng 5.2016 cước thuê bao đã giảm xuống chỉ còn 200.000 - 300.000 đồng/tháng”.
|
Để kiểm chứng các thông tin này, chúng tôi dùng số thuê bao Vinaphone và ngay lập tức nhận được thông báo đang sử dụng một loạt dịch vụ. Điều đáng nói, thông báo không hướng dẫn cách hủy dịch vụ, muốn hủy khách hàng phải tự gọi lên tổng đài. Sau khi hủy được, chỉ cần sơ ý kích vào đường link thông báo là dịch vụ tự kích hoạt trở lại.
|
|
"Gài" thông tin khuyến mãi
Không chỉ “ép” khách hàng dùng dịch vụ trời ơi, thời gian gần đây nhà mạng còn sử dụng cả chiêu trò khi khuyến mãi. Chị Nguyệt Ánh (Cổ Nhuế, Hà Nội) cho biết trước kia định kỳ 1 tuần nhà mạng gửi tin nhắn khuyến mãi khi nạp thẻ tới tất cả thuê bao, không kèm điều kiện. Tuy nhiên, các chương trình cho, tặng thẻ bây giờ kèm theo một “tá” các điều kiện. Đơn cử, thuê bao Viettel khuyến mãi nhưng chỉ áp dụng cho các thuê bao có tài khoản gốc dưới 1.000 đồng, tiền khuyến mãi chỉ sử dụng nội mạng trong vòng 24 giờ... “Nhưng họ khuyến mãi theo kiểu cài bẫy lắm. Tin nhắn toàn viết tắt, nếu ai đọc không để ý nạp thẻ vào mà tài khoản gốc trên 1.000 đồng hoặc trong ngày đó sử dụng không hết thì coi như mất tiền oan”, chị Ánh nói.
Chị Diệu Linh (Học viện Tài chính) bực dọc với nhà mạng khi cứ nạp thẻ vào là bị trừ hết tiền, kể cả khi được khuyến mãi. Theo chị Linh, khuyến mãi là hình thức tri ân các khách hàng thân thiết hoặc để nhà mạng quảng bá tên tuổi, thương hiệu nhưng các nhà mạng lại thiết kế các hình thức rất khó chịu, không đàng hoàng, các điều kiện để được hưởng thì giấu tít xuống bên dưới. “Máy Nokia của mình trên màn hình chỉ hiển thị một lượng chữ nhất định nên chỉ đọc được các nội dung thông báo khuyến mãi 50% của Viettel... còn điều kiện quan trọng nhất là “khuyến mãi chỉ có giá trị trong 24 giờ” thì họ đề tít bên dưới. Nếu không kéo xuống thì không thấy được, cứ nạp tiền vào mà mai mới dùng coi như mất hết”, chị Linh chia sẻ.
Nhận xét về các chiêu trò của nhà mạng, TS Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá cả, Bộ Tài chính) cho rằng việc các nhà mạng tự ý kích hoạt là cố tình làm trái, gây thiệt hại cho các chủ thuê bao, là hành vi móc túi mà các cơ quan quản lý phải vào cuộc, xử lý nghiêm. “Hiện nay số thuê bao của ba nhà mạng lên tới hơn 100 triệu. Mỗi thuê bao một tháng chỉ cần dùng 1 - 2 dịch vụ từ 10.000 - 20.000 đồng thì số tiền lên tới 1.000 - 2.000 tỉ đồng/tháng. Điều này cũng một phần lý giải tại sao doanh thu, lợi nhuận của MobiFone, Viettel, Vinaphone hàng chục nghìn tỉ đồng, bằng tất cả các doanh nghiệp lớn cộng lại. Nhưng hình thức cung cấp dịch vụ, cách phục vụ khách hàng như vậy là không xứng đáng với thương hiệu lớn”, TS Long phân tích.
|
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật BASICO, trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế VN (VIAC), cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là do thiếu cơ chế pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các chủ thuê bao. “Cục Viễn thông, các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng dường như chưa bao giờ lên tiếng và người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận bị thiệt thòi”, LS Đức nói và đề nghị: “Để khách hàng không bị ép, phải có quy định buộc doanh nghiệp khi cung cấp dịch vụ dù là thuê bao trả trước cũng phải có hợp đồng mẫu như thuê bao trả sau; phải được sự đồng ý của khách hàng. Đồng thời, nội dung thể hiện rõ nếu nhà mạng tự ý cung cấp dịch vụ, trừ tiền cước sai sẽ phải chịu trách nhiệm. Nếu nhà mạng không chịu thì khách hàng mới có căn cứ, cơ sở để khởi kiện. Còn như hiện nay thì dù biết, nhưng khách hàng cũng không thể làm gì được”.
Cục Viễn thông sẽ kiểm tra, xử lý
Trả lời PV Thanh Niên, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin - Truyền thông) Nguyễn Đức Trung cho biết sẽ cho rà soát, kiểm tra các vấn đề liên quan đến việc cung cấp các dịch vụ tiện ích, gia tăng của các nhà mạng để xử lý. Trước đó, Cục Viễn thông cũng đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp thông tin di động triển khai các giải pháp nhằm khắc phục để bảo vệ lợi ích của người dùng; thông tin về giá cước sử dụng dịch vụ, phương thức thanh toán, cách thức đăng ký, gia hạn, hủy dịch vụ... của tất cả dịch vụ giá trị gia tăng mà doanh nghiệp viễn thông và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin đang cung cấp cho khách hàng.
|
Bình luận (0)