Sau bài viết Nhà mạng “bẫy” khách hàng đăng trên Thanh Niên ngày 16.6, hôm qua, chúng tôi tiếp tục nhận được một loạt phản hồi và kiến nghị của bạn đọc.
“Hàng triệu người như tôi liệu họ có tha thứ”
|
|
Vẫn theo ông Lương, sau đó nhân viên kế toán của nhà mạng Vinaphone tiếp tục gọi điện lại hứa sẽ hoàn tiền các tháng 4, 5.2016; các tháng trước đó nhà mạng này sẽ kiểm tra lại, nếu dịch vụ nào nhà mạng tự ý đăng ký thì phải hoàn trả tiền lại.
Gọi điện qua đường dây nóng của báo, chị N.B.Đ.N (trú tại Ngọc Hà, Q.Ba Đình, Hà Nội) kể, đầu năm 2016 chị có đăng ký sử dụng gói cước trả sau Mobigold của nhà mạng MobiFone. Nhân viên của nhà mạng này tư vấn gói này gọi rẻ hơn 30% so với cước gọi thông thường, được thiết kế phù hợp với người phải liên lạc nhiều và dùng hơn 135 phút/tháng; Khi ký hợp đồng cũng không thấy nhân viên nói kèm theo điều khoản, cũng như điều kiện gì.
Nhưng dùng một thời gian, thấy cước phí quá cao lại không còn nhu cầu gọi nhiều, đầu tháng 6.2016, chị N. ra Công ty dịch vụ MobiFone khu vực 1 (5/82 Duy Tân, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) để cắt dịch vụ mới té ngửa khi nhân viên ở đây trả lời gói cước này phải dùng hết 1 năm mới được cắt. “Trần đời, tôi không thấy ở đâu có dịch vụ gì mà ép cho khách hàng chui đầu vào rọ như thế. Thuận mua vừa bán, dùng khi nào không còn nhu cầu nữa thì phải cho người ta cắt. Mà tôi bực nhất là tại sao khi ký hợp đồng họ nói toàn lời hay, ý đẹp nào là khuyến mãi, nào là tặng cước... nhưng không thấy đả động gì đến việc phải dùng hết 1 năm mới cho cắt”, chị N. bực dọc.
Phải đền bù cho khách hàng !
Nhưng bức xúc nhất là cách trừ dung lượng và tính cước 3G của nhà mạng. Chủ số thuê bao 096.7777.xxx của Viettel, anh N.X.V cho biết, ngày 24.5 khi công tác bên Nhật, anh có chuyển vùng quốc tế để sử dụng những lúc cấp bách. Với kinh nghiệm sau nhiều chuyến công tác, 3 ngày bên Nhật anh tắt hết 3G và dịch vụ chuyển vùng dữ liệu. Tuy nhiên khi về VN mở máy lại thì thấy bị trừ mất gần 300.000 đồng. “Lần nào đi công tác khi chuyển vùng tôi cũng bị rơi vào cảnh mất tiền như thế này. Tôi sẽ truy nhà mạng đến cùng để hỏi cho ra lẽ”, anh V. nói.
Anh Nguyễn Anh Tú (ngụ Q.Cầu Giấy, Hà Nội) đăng ký sử dụng gói cước 3G M10 của một nhà mạng. Gói này ưu đãi 50 MB truy cập tốc độ cao nhưng dùng được chưa đầy 2 tiếng đồng hồ bị trừ mất hơn 1 triệu đồng. “Vẫn biết khi dùng hết dung lượng ưu đãi thì chuyển sang cước phí vượt gói 25 đồng/50 KB nhưng tôi không hiểu nhà mạng trừ tiền kiểu gì mà mất hơn 1 triệu đồng. Quá xót ruột, anh Tú chuyển sang sử dụng gói M70, dung lượng tốc độ cao ưu đãi 1,6 GB. Đến khi dùng hết 1,6 GB tốc độ theo anh Tú là chậm hơn cả “sên bò”. “Cả sáng không gửi được một cái mail cho đối tác, vào internet đọc báo cũng không nổi. Tốc độ 3G các gói miễn phí không dùng được vào một việc gì”, anh Tú bức xúc.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, TS Cao Sĩ Kiêm cho biết bản thân ông cũng từng là nạn nhân của các nhà mạng trong việc tù mù, thiếu công khai minh bạch khi tính cước 3G. Vấn đề này sở dĩ đã nói đi nói lại nhiều lần nhưng vẫn tồn tại, chưa được xử lý, theo TS Kiêm là do nhà mạng vì lợi nhuận mà coi thường, chèn ép khách hàng, trong khi đó cơ quan quản lý nhà nước thì buông lỏng, không có cơ chế gì để kiểm tra, giám sát.
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh bình luận, với các trường hợp nhà mạng đã thừa nhận mình sai phải đền bù cho khách hàng chứ không có chuyện gọi điện xin lỗi suông. Thời gian qua, theo TS Doanh, các nhà mạng nằm trong số doanh nghiệp có lợi nhuận thuộc hàng “khủng”, nhưng các dịch vụ cung cấp, chất lượng lại quá kém, không có sự công khai và minh bạch.
Nhiều chuyên gia cũng đồng tình quan điểm này và cho rằng hiện nay dù 3 nhà mạng Vinaphone, Viettel, MobiFone mang tiếng là cạnh tranh với nhau nhưng thực chất vẫn do nhà nước sở hữu và kiểm soát vốn. Chính vì vậy, yếu tố cạnh tranh dường như không tồn tại, nhà mạng vẫn cung cấp sim rác, tự ý kích hoạt dịch vụ, tù mù tính cước 3G... gây thiệt hại cho quyền lợi của khách hàng.
Bình luận (0)