Nhà mạng cần siết chặt quản lý

22/07/2023 06:10 GMT+7

Bất chấp việc cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu tuân thủ quy định về quản lý SIM "chính chủ" và dư luận nhiều lần lên tiếng, trong đó Báo Thanh Niên từng nhiều lần cảnh báo, thì vẫn tồn tại nhiều điểm giao dịch viễn thông vi phạm vì lợi ích trước mắt.

Cụ thể, như Thanh Niên đã đăng, Sở TT-TT TP.HCM ngày 20.7 phát đi thông cáo báo chí kết quả thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao (TTTB) di động trên địa bàn. Theo đó, điểm giao dịch vẫn bán, lưu thông trên thị trường SIM thuê bao điện thoại di động (ĐTDĐ) đã được nhập sẵn TTTB (còn gọi là SIM "rác"), kích hoạt sẵn dịch vụ nhưng chưa thực hiện hoặc chưa hoàn thành việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Không những vậy, còn có tình trạng vi phạm về đăng ký thông tin, giả mạo thông tin, thay đổi số CMND, CCCD trên ảnh chụp giấy tờ của cá nhân để giao kết hợp đồng.

Thực tế, ngay từ khi có kế hoạch bắt buộc phải chuẩn hóa TTTB ĐTDĐ trước ngày 31.3 vừa qua, Thanh Niên đã nhiều lần cảnh báo về việc các nhà mạng cần tăng cường trách nhiệm quản lý thì mới có thể giải quyết rốt ráo tình trạng SIM "rác". Bởi nguyên nhân cốt lõi chính là sự quản lý thiếu hiệu quả, khiến nhiều điểm giao dịch chỉ thu lợi từ nguồn SIM trả tiền trước - vốn là đất sống của SIM "rác" để nhiều người tìm đến mua. Và đợt chuẩn hóa TTTB ĐTDĐ vừa qua cũng không phải là lần đầu cơ quan quản lý áp dụng biện pháp này. Rồi thực tế, sau hạn chót 31.3 thì tình trạng cuộc gọi "rác", tin nhắn "rác", vẫn hoành hành khiến dư luận tiếp tục bức xúc và đây cũng là phương tiện được nhiều kẻ xấu dùng để lừa đảo. Và kết quả thanh tra ở trên đã chứng minh những cảnh báo được đưa ra là chính xác, nên tình trạng cuộc gọi "rác", tin nhắn "rác" vẫn tồn tại là dĩ nhiên.

Theo thông báo sau kết quả thanh tra, Sở TT-TT TP.HCM xử phạt hành chính 10 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, với tổng số tiền 610 triệu đồng, ngừng cung cấp dịch vụ 1.710 SIM thuê bao di động vi phạm. Vấn đề đặt ra là liệu mức xử phạt trên có đủ để đưa việc quản lý của các nhà mạng vào quy củ?

Sở dĩ, người viết đặt ra vấn đề đó vì với doanh thu hàng nghìn tỉ đồng của thị trường SIM trả trước và SIM "rác" vẫn được nhiều đối tượng tìm mua, việc xử phạt 610 triệu đồng có răn đe hiệu quả? Rồi trách nhiệm của các nhà mạng bên trên các điểm cung cấp dịch vụ vi phạm thì như thế nào?

Trong khi đó, không chỉ thiếu trách nhiệm, dung túng cho SIM "rác" tồn tại, việc để xảy ra những vi phạm như làm giả thông tin để đăng ký là những hành vi rất nghiêm trọng, đe dọa an ninh thông tin. Nhìn qua nhiều nước, nếu có hành vi dẫn đến tổn hại người tiêu dùng, khách hàng hay vi phạm về an ninh thông tin, thì dù là các đại lý, điểm giao dịch vi phạm, các nhà mạng vẫn có thể bị xử lý do thiếu quản lý hiệu quả, gây ảnh hưởng khách hàng.

Chính vì thế, qua các vụ việc trên, nếu không siết chặt hơn nữa kiểm soát trách nhiệm của nhà mạng trong quản lý TTTB ĐTDĐ, thì những tồn tại, đặc biệt là vấn đề SIM "rác" sẽ khó có thể được giải quyết triệt để.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.