Đóng cửa suốt ngày
Theo người dân địa phương, khu đất của Công ty CP kỹ thuật vật tư nông nghiệp Quảng Trị (viết tắt là Công ty vật tư nông nghiệp QT) trước đây là kho phân bón, nhưng khoảng 7 năm trước được chuyển đổi thành nhà máy chế biến gỗ.
Theo ông Trần Viết Ái (66 tuổi, người sống cạnh nhà máy), khói bụi, mùi hôi phát ra từ việc nhà máy cho phay dăm gỗ, xẻ gỗ, ngâm tẩm hóa chất rồi sấy. “Nói về mùi hôi, thường có mùi hắc vì mang theo hóa chất ngâm tẩm. Còn về khói, khi có màu đen thì gây khó thở mà khi có màu trắng thì làm cay mắt. Bụi ở quanh đây cũng rất khủng khiếp vì gỗ được băm nhỏ, cưa xẻ chất thành đống, không được che đậy, chỉ cần gió lên là thốc thẳng vào nhà dân”, ông Ái phân tích.
|
Cũng theo ông Ái, việc xả thải của nhà máy gần như suốt ngày đêm, nhưng thời gian gần đây, khi bà con làm căng, thì vào khoảng nửa đêm về sáng, nhà máy mới nhả khói. “Nơi chúng tôi sinh sống từng có không khí rất trong lành, nhưng giờ nhà nào cũng đóng cửa 24/24”, ông Ái nói.
Bức xúc không kém, ông Nguyễn Lương Phúc (57 tuổi), một người dân cũng sống gần nhà máy, cho biết: “Nhà có trồng được mớ rau hay cây ăn trái cũng không dám ăn hay bán vì bụi phủ trắng...”, ông Phúc ngao ngán nói.
Nhiều người dân đã quay video đăng lên mạng xã hội cầu cứu. “Tôi đã nhiều lần có ý kiến với chính quyền các cấp. Hồi tháng 4, tôi đã viết tờ trình gửi Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Quảng Trị. Họ đã chỉ đạo Sở TN-MT vào cuộc. Ngày 17.6, Sở TN-MT có văn bản trả lời nhưng vấn đề cốt lõi vẫn không được giải quyết, nhà máy vẫn vô tư xả thải”, ông Ái cho biết thêm.
Tồn tại bất hợp lý
Điều mà đa số người dân quanh khu vực bức xúc là tại sao một nhà máy chế biến gỗ quy mô lớn vẫn được cấp phép hoạt động và tồn tại ngay giữa lòng khu dân cư.
Ông Nguyễn Chơn Thử, Chủ tịch UBND P.Đông Lương, cho biết Công ty vật tư nông nghiệp QT có giấy phép về chế biến gỗ rừng trồng từ năm 2014. Những năm gần đây, cử tri rất bức xúc về khói thải, mùi hôi và bụi mà nhà máy của công ty này gây ra. “Chúng tôi đã nhiều lần ghi nhận và kiến nghị lên cơ quan cấp cao hơn về vấn đề này. Chính quyền cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, thành phố làm việc với công ty, yêu cầu họ phải cam kết khắc phục ô nhiễm môi trường”, ông Thử nói.
Cũng theo ông Thử, hồi đầu tháng 6, Sở TN-MT cũng đã đến kiểm tra, xác định nhiều tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường tại nhà máy này. Sở yêu cầu nhà máy thực hiện nhiều giải pháp khắc phục, trong đó đặc biệt là phải nâng cấp hệ thống xử lý khí thải, hoàn thành trước 30.8. Dù thế, ông Thử đã thẳng thắn nhìn nhận rằng, xét về lâu dài, việc để tồn tại nhà máy chế biến gỗ trong khu dân cư là hoàn toàn không phù hợp.
Trao đổi với Thanh Niên chiều 29.6, ông Võ Duy Anh, Giám đốc Công ty vật tư nông nghiệp QT, phân trần rằng hiện đơn vị chỉ còn hoạt động ở bộ phận cưa xẻ gỗ, còn lò sấy, đốt đã cho dừng hoạt động để khắc phục, khi nào xong mới cho sản xuất trở lại. Tuy nhiên, rạng sáng các ngày 27, 28 và 30.6, người dân vẫn quay được hình ảnh lò sấy hoạt động, nhà máy vẫn nhả khói mù mịt.
Riêng với ý kiến di dời nhà máy, ông Anh cho biết đây là câu chuyện đã được ban lãnh đạo đơn vị tính đến nhưng hiện chưa biết dời đi đâu do chưa tìm ra quỹ đất...
Bình luận (0)