Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn nguy cơ ngừng hoạt động: Mối lo thiếu xăng dầu

27/01/2022 06:19 GMT+7

Trước việc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn thông báo nguy cơ dừng hoạt động từ giữa tháng 2, các đầu mối kinh doanh xăng dầu và cơ quan quản lý đang lo ngại tình hình cung ứng xăng dầu trong nước sẽ căng thẳng.

“Rất nghiêm trọng”

Trong một thông báo gần đây gửi các cơ quan quản lý nhà nước của VN, Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP - đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn) thông báo về việc hủy nhập 2 tàu dầu thô “do đang phải đối mặt khó khăn về tài chính”. Đặc biệt, doanh nghiệp này cũng thông báo về nguy cơ dừng hoàn toàn hoạt động của nhà máy từ giữa tháng 2 tới sau khi đã phải tiết giảm công suất hoạt động từ 105% về mức 80%.

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chiếm từ 30 - 35% sản lượng xăng dầu trong nước

NSRP

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đang là đối tác cung ứng xăng dầu lớn nhất cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trong nước. Do đó, động thái này của NSRP đã ngay lập tức khiến các doanh nghiệp xăng dầu nội địa đứng ngồi không yên. Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex) - đơn vị chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường nội địa, cho biết theo hợp đồng năm 2022 với PVNDB (đơn vị bao tiêu sản phẩm xăng dầu của NSRP) thì mỗi tháng Petrolimex sẽ nhập khoảng 235.000 - 265.000 m3 xăng dầu.

“NSRP đã tạm dừng nhập khẩu dầu thô. Việc NSRP đột nhiên dừng hoạt động, ngưng cung cấp xăng dầu mà không có lý do thỏa đáng là rất nghiêm trọng, không tuân thủ hợp đồng đã ký. Điều này khiến Petrolimex không thể có giải pháp xử lý kịp thời gây nên thiếu hụt nguồn hàng không bảo đảm được thị phần, nhất là trong tình hình Tết Nguyên đán cận kề, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước đang tăng cao”, đại diện Petrolimex lo ngại.

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (đặt tại Khu kinh tế mở Nghi Sơn, Thanh Hóa) có công suất giai đoạn 1 là 200.000 thùng dầu thô/ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm. Công suất này gần gấp đôi Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi). Nhà máy này do 4 liên danh trong nước và quốc tế góp vốn, gồm PVN, Công ty dầu khí quốc tế Kuwait KPI (Kuwait), Công ty Idemitsu và Công ty hóa chất Mitsui (Nhật Bản).

Chia sẻ với Thanh Niên ngày 25.1, đại diện Bộ Công thương cũng tỏ ra bức xúc trước tình hình cung ứng xăng dầu của NSRP. “Theo thông tin chúng tôi có được thì khó khăn là do vấn đề thu xếp tài chính, đó là công việc nội bộ của doanh nghiệp và có một phần trách nhiệm của Tập đoàn dầu khí quốc gia (PVN) - một bên tham gia liên danh. Chúng tôi đã yêu cầu doanh nghiệp báo cáo, làm việc trực tiếp. Lúc khó khăn trong tiêu thụ, nhà nước, Bộ Công thương đã hỗ trợ bằng cách kêu gọi các đầu mối nội tiêu thụ sản phẩm của 2 nhà máy trong nước. Chúng tôi đã có nhiều hỗ trợ để doanh nghiệp hoạt động tốt như ưu tiên về quyền nhập khẩu, dự trữ dầu thô… thì lúc khó khăn, giá lên, doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm với vấn đề an ninh năng lượng, đảm bảo mặt hàng thiết yếu”, vị này nói.

Nhiều bên ngóng thông báo từ nhà máy

Trao đổi qua điện thoại với Thanh Niên chiều cùng ngày, Giám đốc PVNDB Phan Kiến Anh trấn an rằng “hiện hàng vẫn được cung ứng bình thường với các hợp đồng đã ký”. Tuy nhiên, ông Anh cũng nói thêm rằng PVNDB “đang chờ NSRP xác nhận về sản lượng” và thông báo chính thức từ phía NSRP.

Trả lời Thanh Niên, một lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa xác nhận đã nhận được thông báo của NSRP về tình hình hoạt động của tổ hợp lọc hóa dầu lớn nhất nước này. Tuy nhiên, vị này cho hay đây là vấn đề lớn nên sẽ chờ các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đối với doanh nghiệp.

Tương tự, trong văn bản khẩn gửi Bộ Công thương mới đây, để khắc phục một phần khó khăn, Petrolimex đề nghị Bộ Công thương có ý kiến để PVN (chiếm 25% trong liên danh vào NSRP) và NSRP thông báo chính thức về tình hình hoạt động và kế hoạch cung cấp hàng hóa của NSRP kịp thời tới các doanh nghiệp đầu mối.

Trao đổi với Thanh Niên sáng 25.1, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho hay trước tình thế đó, cơ quan này đã ký 2 văn bản gửi các doanh nghiệp đầu mối và sở công thương địa phương để tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trong nước. “Chúng tôi cũng chia sẻ với các đầu mối vì trong bối cảnh giá dầu thế giới đang tăng, làm việc với các nhà cung cấp nước ngoài sẽ khó hơn vì họ thường phải có kế hoạch trước”, ông Đông nói.

Trong khi đó, Petrolimex cũng cho hay đã yêu cầu PVNDB nếu cung ứng thiếu so với hợp đồng phải có nghĩa vụ mua bổ sung nguồn hàng thay thế, đồng thời Petrolimex cũng sẽ cố gắng tìm kiếm nguồn hàng nhập khẩu bổ sung phần thiếu hụt.

Còn lãnh đạo Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất) thì cho biết hiện Dung Quất đang chạy 100% công suất, tuy nhiên lãnh đạo PVN đã có yêu cầu nhà máy chuẩn bị sẵn sàng để tăng công suất từ cuối tháng này. “Tuy nhiên, nếu vậy cũng chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ thôi vì Nghi Sơn quá to so với chúng tôi. Trong khi thực ra nhiều giai đoạn Dung Quất cũng đã chạy từ 105 - 108% công suất”, vị này nói thêm.

Chia sẻ với Thanh Niên, PGS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cũng tỏ ra bức xúc trước câu chuyện NSRP kêu khó và thông báo nguy cơ dừng hoạt động. “Mấy tháng trước, hai nhà máy Nghi Sơn và Dung Quất kêu tồn kho lớn, nguy cơ dừng hoạt động, than khó. Sau đó, Bộ Công thương đã có chỉ thị đề nghị các đầu mối trong nước chia sẻ và đã được đáp ứng. Nay giá dầu thế giới lên, nhu cầu lại tăng do tết nhất người dân đi lại nhiều thì ông lại nói đóng cửa vì khó khăn. Như thế là không công bằng với cả người tiêu dùng và trách nhiệm với nhà nước, nhất là với một mặt hàng đặc biệt quan trọng, thiết yếu như xăng dầu”, ông Long bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.