Nhà máy nước 41 tỉ đồng xây xong 'đắp chiếu'

01/05/2020 13:31 GMT+7

Được đầu tư hơn 41 tỉ đồng để cấp nước sinh hoạt cho người dân TT.Kim Sơn (H.Quế Phong, Nghệ An), sau 2 năm hoàn thành, nhà máy vẫn “đắp chiếu” vì thiếu... cơ chế vận hành!

10 năm mới làm xong

Nhà máy nước sạch Quế Phong được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt đầu tư xây dựng năm 2009 với tổng vốn đầu tư hơn 41 tỉ đồng, công suất 1.500 m3/ngày đêm, để cấp nước sạch cho hơn 1.100 hộ dân ở TT.Kim Sơn và vùng phụ cận. Dự án do UBND H.Quế Phong làm chủ đầu tư.
Năm 2015, dự án hoàn thành 2 gói thầu công trình xử lý nước, cấp điện và lắp đặt hệ thống đường ống cấp 1, cấp 2. Theo quy định, gói thầu đấu nối đường ống dẫn nước đến nhà dân (2,8 tỉ đồng) do ngân sách huyện, thị trấn và các hộ dân thụ hưởng đóng góp. Tuy nhiên, sau khi UBND H.Quế Phong công khai phương án thu tiền lắp đặt thì hầu hết hộ dân không đồng ý đóng góp chi phí xây dựng mà chỉ đồng ý trả tiền sử dụng nước hằng tháng. Vì vậy, dự án bị kẹt lại.
Để gỡ khó, UBND H.Quế Phong làm tờ trình đề nghị cho sử dụng vốn ngân sách thực hiện gói thầu này và được UBND tỉnh Nghệ An đồng ý. Đến cuối năm 2017, dự án Nhà máy nước sạch Quế Phong hoàn thành và đã đấu nối đến hơn 700 hộ dân sử dụng. Ngày 14.3.2018, UBND H.Quế Phong có công văn gửi UBND tỉnh xin ý kiến về tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành, quản lý nhà máy nước để đưa nhà máy vào hoạt động.
Tuy nhiên, ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND H.Quế Phong, cho biết từ đó đến nay UBND tỉnh Nghệ An vẫn chưa có phương án vận hành nhà máy, do dự án chưa quyết toán được vì thiếu chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán công trình.
Tháng 5.2019, Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An kiểm tra và nghiệm thu công trình này. Sau đó, để nhà máy không xuống cấp, hư hại, H.Quế Phong phải cho chạy thử và cung cấp nước sạch miễn phí cho các hộ đã đăng ký sử dụng, mỗi ngày khoảng 1 - 2 tiếng đồng hồ.

“Đắp chiếu” vì thiếu phí thẩm tra quyết toán

Anh Thái Văn Thắng (ngụ TT.Kim Sơn) cho biết hằng năm vào mùa nắng, người dân ở đây thường bị thiếu nước do giếng cạn. Để có nước dùng, nhiều gia đình phải đi 1 - 2 km xin hoặc mua nước giếng. Khi nghe nhà máy nước được xây dựng, người dân rất phấn khởi. Nhưng đã hơn 10 năm trôi qua, nhà máy chỉ chạy thử, cấp nước nhỏ giọt nên người dân vẫn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Ông Lê Văn Giáp thừa nhận nhu cầu dùng nước sạch của người dân trên địa bàn đang rất cấp thiết, nhất là trong mùa nắng nóng. Theo quy định, nhà máy nước sạch xây bằng nguồn vốn nhà nước, sau khi xây dựng phải đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện khai thác, sản xuất, truyền dẫn, kinh doanh. Huyện đã có rất nhiều văn bản gửi tỉnh nhưng UBND tỉnh Nghệ An mới chỉ cho chủ trương về giá nước, còn cơ chế vận hành thì vẫn chưa có. Tháng 5.2019, UBND H.Quế Phong nộp hồ sơ đến Sở Tài chính tỉnh Nghệ An để thẩm tra, phê duyệt quyết toán công trình. Tuy nhiên, do huyện chưa có kinh phí thẩm tra quyết toán để nộp (hơn 200 triệu đồng) nên việc phê duyệt bị dừng lại. Ngày 4.9.2019, UBND H.Quế Phong tiếp tục có công văn gửi Sở Tài chính tỉnh Nghệ An xin chậm trả khoản phí thẩm tra quyết toán nhưng huyện vẫn chưa nhận được văn bản trả lời.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Nghệ An, cho biết: Theo quy định, để đưa công trình vào hoạt động phải qua khâu thẩm tra, quyết toán. Phí thẩm tra quyết toán công trình phải được đưa vào bảng dự toán công trình, nhưng UBND H.Quế Phong khi làm dự toán công trình không đưa khoản phí này vào. Trong khi đó, bà Vi Thị Duyến, Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng H.Quế Phong, cho biết trong bảng dự toán công trình nhà máy nước có mục chi phí thẩm tra quyết toán công trình. Tuy nhiên, do dự án này kéo dài vì thiếu vốn nên hiện nay, phí thẩm tra quyết toán phải áp dụng theo Thông tư 09/2016 của Bộ Tài chính, khiến mức phí đã tăng lên 2,5 lần so với mức phí khi lập dự toán. Vì thế, chi phí bị hụt nhưng huyện chưa có nguồn để bổ sung.
Mới đây, UBND H.Quế Phong tiếp tục có công văn gửi UBND tỉnh Nghệ An và Sở Tài chính tỉnh Nghệ An đề nghị trong lúc chờ thẩm tra quyết toán công trình, tạm giao cho UBND huyện quản lý, vận hành nhà máy nước để cấp nước cho dân. Thế nhưng, theo vị chủ tịch UBND H.Quế Phong, huyện vẫn chưa nhận được văn bản trả lời của tỉnh nên chưa thể vận hành, đưa nhà máy nước này vào hoạt động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.