Nhà máy nước sạch xây xong rồi bỏ hoang

14/08/2023 04:16 GMT+7

Được đầu tư hàng chục tỉ đồng, nhưng nhiều nhà máy nước sạch ở Nghệ An xây xong rồi "đắp chiếu", không hoạt động trong khi rất nhiều người dân vẫn thiếu nước sạch.

BỎ HOANG… GẦN 26 TỈ ĐỒNG

Đó là dự án nhà máy cung cấp nước sạch xã Hưng Thông do UBND H.Hưng Nguyên (Nghệ An) làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công từ năm 2014 với kinh phí gần 26 tỉ đồng, công suất dự kiến 1.000 m3/ngày đêm để cung cấp nước sạch cho hơn 1.200 hộ dân. Nhà máy này hoàn thành từ năm 2018, nhưng đến nay vẫn chưa thể hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Nhàn, Phó ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng H.Hưng Nguyên, cho biết khi thiết kế xây dựng, nguồn nước thô cung cấp cho nhà máy này được lấy từ kênh Hòa Cần nằm sát bên công trình. Thời điểm khảo sát, kênh đủ nước để cung cấp nhưng sau khi xây dựng xong, con kênh lại luôn trong tình trạng cạn nước, không đủ để nhà máy hoạt động.

Bà Nhàn cũng cho biết để khắc phục sự cố "do biến đổi khí hậu" này, UBND H.Hưng Nguyên đã kêu gọi doanh nghiệp đến đầu tư đường ống dẫn nước thô từ nơi khác về nhà máy. Tuy nhiên, để lắp được đường ống cần kinh phí khoảng 15 - 16 tỉ đồng nên các doanh nghiệp không mặn mà. Chưa kể, nếu chuyển nhà máy nước cho doanh nghiệp thì sẽ vướng quy định xử lý tài sản công vì dự án này do nhà nước đầu tư vốn. UBND H.Hưng Nguyên đã kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An phương án xử lý tài sản công nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.

Nhà máy nước sạch xây xong rồi bỏ hoang - Ảnh 1.

Nhà máy nước Hưng Thông bỏ hoang suốt 5 năm qua

K.HOAN

Bên cạnh đó, theo bà Nhàn, để có nước sinh hoạt cho người dân, H.Hưng Nguyên đã đề nghị Công ty CP cấp nước Nghệ An lắp đặt đường ống dẫn nước sạch trực tiếp từ nhà máy nước H.Hưng Nguyên về xã Hưng Thông. Công ty này đã đồng ý và sẽ sớm cho lắp đặt. Như vậy, nhà máy nước Hưng Thông đang có nguy cơ phải phế bỏ dù chưa hoạt động được ngày nào.

Bà Nguyễn Thị Hoa, một người dân sinh sống ngay sát bên nhà máy nước Hưng Thông, cho biết khi dự án được khởi công, người dân rất phấn khởi vì nghĩ sẽ sớm có nước sạch để thay thế nguồn nước giếng bị ô nhiễm. Thế nhưng, công trình đã hoàn thành, đường ống chính đã lắp đặt nhưng nhà máy lại không vận hành nên người dân rất bức xúc.

Chỉ tay về cái giếng được đào sát bờ ruộng, bà Hoa nói: "Cái giếng này cung cấp nước cho hơn 30 hộ dân. Nước từ ruộng chảy vào, bị ô nhiễm vì phân bón, thuốc trừ sâu nhưng không sử dụng thì cũng chẳng biết lấy nước ở đâu ra mà dùng. Cả xã đều phải dùng các giếng như thế này cả. Nhà máy nước được xây dựng quy mô, tốn gần 26 tỉ, chỉ sáng đèn được mấy bữa rồi bỏ hoang, ai đi qua cũng thấy xót".

Ông Nguyễn Hữu Phúc, Chủ tịch UBND xã Hưng Thông, cho biết nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân trong xã là rất lớn. Người dân đã nhiều lần phản ánh, xã cũng đã có văn bản kiến nghị huyện sớm có phương án xử lý để nhà máy nói trên đi vào hoạt động nhưng vẫn chưa có kết quả. Để có nước sinh hoạt, người dân ở đây đã thuê người đến khoan giếng, nhưng giếng khoan bị ô nhiễm sắt nặng nên người dân phải dùng giếng đào và bể nước mưa để sinh hoạt. Vào mùa nắng nóng, những gia đình không còn nước mưa phải đi mua nước về dùng.

NHÀ MÁY "CHẾT YỂU"

Tương tự, năm 2010, xã Quỳnh Lộc (TX.Hoàng Mai, Nghệ An) hoàn thành công trình nhà máy nước sạch sau khi đã đầu tư gần 10 tỉ đồng tiền ngân sách và tiền do người dân đóng góp. Tuy nhiên, nhà máy này cũng không hoạt động kể từ đó đến nay.

Năm 2015, theo chỉ đạo của UBND TX.Hoàng Mai, UBND xã Quỳnh Lộc tổ chức cuộc họp mời các đơn vị liên quan bàn phương án khắc phục để đưa công trình vào hoạt động và quyết định cho sửa chữa đường ống cấp nước phục vụ 2 thôn gần nhà máy nước là thôn 6 và 7, nếu hoạt động ổn định và được người dân đồng ý thì tiếp tục đầu tư sửa chữa. Thế nhưng, qua khảo sát, chưa đến 20% số người dân đồng ý và việc sửa chữa đường ống đã không thực hiện được. Người dân cho rằng vị trí nhà máy ở dưới thấp, áp suất nước không đủ để đẩy ngược lên cao nên nước sẽ rất yếu, việc sửa chữa sẽ tốn kém, trong khi chưa chắc đã vận hành hiệu quả. Chưa kể, nếu đấu nối đường ống từ nhà máy nước của thị xã về thì chất lượng nước sẽ tốt hơn.

UBND xã Quỳnh Lộc sau đó đưa ra phương án tổ chức đấu thầu khai thác sử dụng nhà máy nói trên, nhưng không có bên nào nhận thầu. Năm 2017, chính quyền xã tổ chức họp bàn tìm phương án vận hành nhà máy nước, huy động người dân 2 thôn 6 và 7 góp mỗi hộ 500.000 đồng. Nhưng, sau khi sửa chữa được đường ống để chạy thử thì trạm biến áp cung cấp điện của nhà máy bị cháy. Công trình tiếp tục "đắp chiếu" cho đến nay. (còn tiếp) 

Theo Trung tâm nước sạch sinh hoạt và vệ sinh môi trường tỉnh Nghệ An, hiện Nghệ An vẫn còn 8 nhà máy nước sạch xây dang dở dù chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch đã kết thúc từ năm 2015. Với những dự án vốn nhà nước chưa cấp đủ, trung tâm kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An bố trí vốn hằng năm để cấp tiếp, còn những dự án đã cấp đủ nhưng vẫn không hoàn thành thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.