Nhà máy nước sạch xây xong rồi bỏ hoang: Công trình hàng chục tỉ đồng nhưng thiết kế chưa hợp lý

16/08/2023 05:59 GMT+7

Các cơ quan chức năng ở tỉnh Bình Định đang đau đầu trong việc hồi sinh những công trình nước sạch có vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng nhưng hoạt động không hiệu quả do thiết kế không hợp lý.

NGỪNG HOẠT ĐỘNG DO THU KHÔNG ĐỦ BÙ CHI

H.Vân Canh là một trong những địa phương ưu tiên phát triển công trình cấp nước sạch cho người dân sớm nhất ở tỉnh Bình Định. Nhưng đến nay, đa số người dân huyện này vẫn sử dụng nước giếng, nước suối. Việc thiếu nước sạch kéo dài khiến tiêu chí phát triển kinh tế - xã hội chung của H.Vân Canh bị ảnh hưởng, trong đó tiêu chí về nước sạch toàn huyện chỉ 0%.

Năm 2012, UBND tỉnh Bình Định giao Sở NN-PTNT tỉnh này làm chủ đầu tư công trình cấp nước TT.Vân Canh (H.Vân Canh), tổng vốn đầu tư hơn 7,1 tỉ đồng, cung cấp nước sạch sinh hoạt cho 12.000 người dân ở các xã Canh Thuận, Canh Hiệp, Canh Hiển và TT.Vân Canh. Trong đó, hạng mục nhà máy xử lý nước sạch có công suất 1.400 m3/ngày.

Năm 2013, sau khi nhà máy xử lý nước của công trình hoàn thành, chất lượng nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn nước sạch. Thời điểm này, UBND H.Vân Canh không thống nhất giá nước sạch được ban hành là 4.500 đồng/m3 mà chỉ thống nhất giá ngang bằng với mức giá nước sinh hoạt mà huyện đang thu là 750 đồng/m3. Sau đó, các bên liên quan thống nhất báo cáo UBND tỉnh Bình Định giao nhà máy xử lý nước sạch cho UBND H.Vân Canh tổ chức vận hành, cấp nước từ tháng 12.2013. Tuy nhiên, nhà máy chỉ hoạt động được một thời gian ngắn rồi phải dừng hoạt động từ tháng 4.2014.

Công trình hàng chục tỉ đồng nhưng thiết kế chưa hợp lý - Ảnh 1.

Hệ thống cấp nước ở xã Bình Nghi đến nay vẫn chưa được đưa vào vận hành

Theo lãnh đạo UBND H.Vân Canh, mức giá nước sạch cấp cho hộ dân được Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Định (gọi tắt Trung tâm nước sạch) đề xuất 4.500 đồng/m3 vào thời điểm 2013 là khá cao, không phù hợp điều kiện kinh tế của người dân ở huyện miền núi như Vân Canh. Thậm chí, giá nước được H.Vân Canh đưa ra là 750 đồng/m3 cũng không được người dân chấp nhận sử dụng. Vận hành được vài tháng, do thu không đủ bù chi nên nhà máy nước sạch Vân Canh phải dừng hoạt động.

Đầu năm 2023, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định, Trung tâm nước sạch tiếp nhận lại nhà máy nước TT.Vân Canh từ UBND H.Vân Canh. Trung tâm đề xuất chủ trương đầu tư dự án nâng cấp mở rộng công trình và đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt. Cụ thể, dự án nâng cấp mở rộng được đầu tư gần 15 tỉ đồng, thực hiện trong 2 năm 2023 và 2024, mục tiêu cấp nước sạch đảm bảo lưu lượng, chất lượng cho 2.119 hộ gia đình với khoảng 7.300 nhân khẩu của TT.Vân Canh và của thôn 4 thuộc xã Canh Hiệp.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, để công trình này phát huy hiệu quả cao là rất khó. Vì trước đây, thiết kế của dự án là lấy nguồn nước tự nhiên nên sẽ thường xuyên bị thiếu nước vào mùa khô.

NHÀ MÁY XÂY XONG NHƯNG CHƯA LÀM ĐƯỜNG ỐNG

Tại H.Tây Sơn (Bình Định) có một nhà máy nước cũng đang loay hoay tìm cách vận hành. Đó là dự án cấp nước sinh hoạt xã Bình Nghi, vốn đầu tư 35 tỉ đồng, do UBND H.Tây Sơn làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án từ 2017 - 2021. Công trình có trạm xử lý nước công suất 2.500 m3/ngày, cung cấp nước sạch cho hơn 4.000 hộ dân. Theo kế hoạch, năm 2021 công trình sẽ đi vào vận hành và cung cấp nước cho người dân. Tuy nhiên đến nay, công trình vẫn chưa đưa vào sử dụng.

Công trình hàng chục tỉ đồng nhưng thiết kế chưa hợp lý - Ảnh 2.

Công trình cấp nước TT.Vân Canh “đắp chiếu” 8 năm qua sau khi chỉ hoạt động một thời gian ngắn

THANH QUÂN

Giống như nhiều hộ dân ở xã Bình Nghi, dù cách công trình cấp nước chỉ 500 m nhưng gia đình bà Đinh Thị Huệ phải dùng nước giếng khoan. Vào mùa hè, các giếng khoan ở xã Bình Nghi có rất ít nước hoặc khô cạn, nên người dân phải sử dụng nước hết sức tiết kiệm. Riêng gia đình bà Huệ vì nước giếng cạn khô nên phải lấy nước giếng từ hộ dân khác về sử dụng. "Hầu hết mọi người trong thôn đều trông chờ dự án sớm đưa vào sử dụng để có nước sinh hoạt", bà Huệ chia sẻ.

Hiện bên trong công trình cấp nước sinh hoạt xã Bình Nghi cỏ mọc um tùm, nhiều hạng mục để lâu không sử dụng đã bắt đầu xuống cấp. Lý giải về sự chậm trễ của công trình, UBND H.Tây Sơn cho rằng khi phê duyệt dự án ban đầu chưa có hệ thống đường ống đến các khu dân cư. Đến nay, nhà máy hoàn thành nhưng thiếu kinh phí lắp đường ống nên chưa thể đưa nước về các hộ dân. UBND H.Tây Sơn đang cố gắng đưa công trình này vào sử dụng trong năm 2023.

NHIỀU CÔNG TRÌNH GÂY LÃNG PHÍ

Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, tỉnh này có 129 công trình cấp nước sạch tập trung ở vùng nông thôn với tổng công suất thiết kế 46.882 m3/ngày đêm, cấp nước cho 105.662 hộ dân. Qua đánh giá, toàn tỉnh chỉ có 16 công trình cấp nước bền vững, 1 công trình dưới mức bền vững, 79 công trình không bền vững và 33 công trình không hoạt động.

Để xảy ra tình trạng các nhà máy cấp nước không phát huy hiệu quả, đã có nhiều tổ chức bị phê bình, kiểm điểm. Đơn cử, đầu năm 2023, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã phê bình lãnh đạo UBND H.Vân Canh vì thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, để xảy ra tình trạng công trình cấp nước TT.Vân Canh không đưa vào sử dụng cung cấp nước sạch cho nhân dân trong thời gian dài, không có báo cáo xử lý khắc phục các tồn tại của công trình, gây bức xúc trong dư luận.

Còn đối với công trình cấp nước chậm tiến độ ở H.Tây Sơn, ông Hồ Đắc Chương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết trách nhiệm thuộc về đơn vị xây dựng.

Lý giải về việc nhiều công trình cấp nước ở các huyện miền núi hoạt động kém hiệu quả, ông Hồ Đắc Chương cho rằng các công trình này thường rất nhỏ, không thể lớn như ở đồng bằng nên khi đưa vào vận hành rất tốn kém. Ngoài ra, vấn đề kéo điện để vận hành các công trình cấp nước ở vùng nông thôn miền núi cũng gặp nhiều khó khăn. "UBND tỉnh Bình Định đang giao Sở NN-PTNT lập đề án để người dân trên toàn địa bàn tỉnh được sử dụng nước sạch", ông Chương nói.

Về giải pháp khắc phục những hạn chế trong vận hành các công trình nước sạch, theo ông Chương, phải thuê đơn vị vận hành có chuyên môn chứ không thể giao cho người dân quản lý như trước đây. (còn tiếp) 

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.