Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng truy nguyên tập tục tết

01/02/2024 07:10 GMT+7

Trước thềm năm mới, nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng đã có cuộc trò chuyện thú vị về những tập tục liên quan đến tết.

Theo ông Huỳnh Ngọc Trảng, tết của người Việt xưa thường được tổ chức sau mùa thu hoạch. Trong cuốn Thái Bình hoàn vũ ký là chuyên khảo địa lý do học giả Nhạc Sử biên soạn dưới thời vua Tống Thái Tông nhà Bắc Tống (Trung Quốc) ghi người Việt đón tết vào tháng 8 âm lịch trong khi người Khmer ở Nam bộ có tổ chức lễ Ok om-bok vào rằm tháng 10 âm lịch. Trên trống đồng có khắc hình bông lau - đua ghe - giã gạo (giã cốm) cho thấy vào dịp này có lễ cúng cơm mới bằng cốm và đua ghe. Tập tục này còn bảo lưu đến nay trong các cộng đồng người Việt đã chỉ ra sự tương đồng với lễ Ok om-bok: ăn cốm dẹp, đua ghe ngo. Đó là hồi quang của lễ tết xưa.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng truy nguyên tập tục tết- Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng

Đ.T

Sau này người Khmer đổi sang đón tết vào giữa tháng 4 âm lịch. Người Việt chịu ảnh hưởng của lịch Á Đông nên đổi sang đón Tết Nguyên đán vào tháng giêng âm lịch, theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng.

Bên cạnh đó, "xuyên suốt chiều dài lịch sử thì nếp vẫn là bất biến trong nguồn nguyên liệu để tạo thành lễ vật thiêng trong lễ tết. Mọi thứ đều từ nếp: xôi, bánh giầy, bánh chưng, bánh tét, bánh in… Người miền Nam còn ăn tết với bánh phồng cũng là một sản phẩm giã từ xôi. Bánh phồng là gửi gắm tín niệm cầu mong sự phồn thực, được mùa, sung túc, giàu có", ông Trảng nói.

Nhiều người tin rằng, theo tập quán, người Bắc làm bánh chưng, người Nam làm bánh tét. Điều này không chính xác, bánh tét cũng có ở miền Bắc, trong khi miền Trung vẫn có bánh chưng.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng truy nguyên tập tục tết- Ảnh 2.

Viết câu đối trên giấy cầu mong tài lộc như ý, chúc tụng nhau dịp Tết

NGỌC DƯƠNG

Ông Trảng cho biết trong tín ngưỡng dân gian, bánh tét tượng trưng cho linga, một dạng tín ngưỡng phồn thực. Người Khmer cũng có bánh tét. Trời tròn đất vuông mà bánh giầy, bánh chưng làm biểu tượng, là một tín niệm được du nhập từ Trung Quốc mà chính thức là việc đắp đàn tế trời đất vào đầu đời nhà Lý. Trong khi tín ngưỡng phồn thực có từ thời cổ xưa, nên có thể kết luận bánh tét có trước. Cùng nội dung nhưng có những tín niệm khác nhau về bánh tét, bánh chưng, còn tín đồ nhà Phật thì nặn bánh ra hình tháp/nóc chùa tức là bánh ú.

Ngoài ra, ngày tết hầu hết các gia đình đều chưng cây đào. Ngoài chức năng trang trí, ông Trảng cho biết theo thư tịch xưa, người ta cho rằng cây đào có tính "kỵ tà", mùi hương cây đào có khả năng xua đuổi ma quỷ. Người ta còn làm bùa bằng cách viết chữ trên những mảnh gỗ đào để treo trước cửa ngày tết. Đó là nguồn gốc của tục viết liễng đối trên giấy cầu mong tài lộc như ý, chúc tụng nhau. Sau này người ta còn viết cả chữ thư pháp trên giấy màu đỏ tươi. Tất cả tạo nên vẻ xuân huy, tạo không khí tết nhứt, vui vẻ rực rỡ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.