Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi nói về cái 'đắt' trong tranh màu nước Hồ Hưng

28/07/2024 21:38 GMT+7

Triển lãm 'Những cảm xúc nhỏ' của họa sĩ Hồ Hưng, thuộc bộ sưu tập (BST) Nhã Lam Art Gallery Tea Room và nhà sưu tập Dũng Art, mở cửa từ 28.7 đến hết ngày 11.8 tại 602/45E Điện Biên Phủ, P.22, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.

Gọi tên BST là Những cảm xúc nhỏ, họa sĩ Hồ Hưng quán xuyến chủ đề xuyên suốt trong các đề tài mà anh sáng tác - dù là trực họa hay ký họa - đó là bắt lấy những cảm xúc đời thường, bình dị và phóng cọ với những thăng hoa rất cá nhân.

Không gian trưng bày BST của họa sĩ Hồ Hưng diễn ra ở tầng trệt và tầng 1 của Nhã Lam Art Gallery Tea Room, với nhiều bức tranh màu nước khổ vừa và nhỏ. Các đề tài mà anh tập trung sáng tác (mà phần nhiều trong số đó là trực họa) không gói gọn trong bất kỳ đối tượng nào, có thể đó là những sự vật hết sức bình thường như ổ bánh mì, cái mẹt, vỏ bưởi, chiếc xe gắn máy, giỏ xách đến những khung cảnh rộng lớn hơn như phong thổ nói chung.

Sức hấp dẫn của "cái bình thường trong ngày thường"

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi nói về cái 'đắt' trong tranh màu nước Hồ Hưng- Ảnh 1.

Họa sĩ Hồ Hưng chia sẻ về con đường anh gắn bó với màu nước tại đêm ra mắt triển lãm 27.7

THẾ SANG

Họa sĩ Hồ Hưng (tên thật là Hồ Văn Hưng, sinh năm 1980), quê Nghệ An, đã gắn bó với Sài Gòn 2 thập niên. Tại buổi ra mắt triển lãm với phần đông là bạn bè cùng những nhà chuyên môn, anh vận chiếc khăn rằn đặc trưng Nam bộ và chia sẻ thân tình về hành trình "lang bạt kỳ hồ" để vẽ của mình.

Anh là một trong những nghệ sĩ trẻ có tiếng trong giới hội họa Việt, cụ thể là màu nước, vì gắn bó bền bỉ với chất liệu sáng tác này. Nhưng ngay từ đầu, chất liệu mà anh phát xuất là sơn dầu, vốn được đánh giá là "danh giá" hơn. Chính trong quãng thời gian gắn bó với Sài Gòn, kể từ khi đầu quân cho một công ty hoạt hình Nhật Bản vào năm 2005, anh dần khám phá ra sức quyến rũ của màu nước và chọn gắn bó với nó đến hôm nay.

Hồ Hưng đã đi con đường sáng tác màu nước chuyên nghiệp từ năm 2014, một quãng thời gian đủ dài để anh tạo được tên tuổi qua những vệt sáng tác trong và ngoài nước (năm 2019, anh tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên ở nước ngoài, triển lãm mang tên Mỗi ngày, diễn ra tại Pendhapa Art Space, Indonesia, công bố những bức vẽ phong thổ Việt Nam).

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi nói về cái 'đắt' trong tranh màu nước Hồ Hưng- Ảnh 2.

Bức Sa mưa giông bắt lấy khoảnh khắc giông bão ở miền Tây Nam bộ rất có hồn

HỒ HƯNG/BTC

Cái tên Hồ Hưng nổi lên ở mảng hội họa màu nước Việt không chỉ vì anh có cơ hội tu nghiệp về màu nước ở nước ngoài mà còn nằm ở sự ý thức rất rõ của anh trong chính chủ đề mà anh chọn vẽ - cái bình thường trong chuỗi ngày thường dài miên man. Những cái be bé xinh xinh nhưng ẩn tàng cả câu chuyện thường nhật trong đó.

Xem tranh màu nước của Hồ Hưng, sức hấp dẫn được gợi lên qua những chi tiết trầm mặc nhưng hết sức sinh động của cây đa, bến nước, sân đình, cái vỏ bưởi, bó rơm, cây cau, chiếc ghe Nam bộ... Anh cũng rất chú ý đến kỹ thuật màu nước và cố gắng nắm bắt cái hồn của sự vật khi vẽ, vì anh từng tâm sự trong nhiều sự kiện triển lãm trước đây rằng, vẽ màu nước là kỹ thuật khó. Nhưng khi vượt qua cái khó rồi thì bức tranh hiện lên như không - tự nhiên, không gây khó chịu vì chủ ý quá cầu kỳ của người sáng tạo.

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi nói về cái 'đắt' trong tranh màu nước Hồ Hưng- Ảnh 3.

Bức Thu heo may với kích thước 1,2x1,5m

HỒ HƯNG/BTC

Bức Sa mưa giông trưng bày tại triển lãm là một trong những bức xuất sắc của anh khi họa sĩ bắt lấy thời khắc rất động của cảnh sông nước miền Tây - cảnh bão sắp đến với gió vần vũ và bầu trời đen kịt. Ngay lúc ấy, một chiếc ghe bất giác lướt qua mặt sông bão. Anh tâm sự, cảm hứng đến với anh khi sáng tác bức này đó là anh cảm khái về nghị lực sống giữa thiên nhiên của người dân Nam bộ, gió có nổi thì người ta vẫn phải sống.

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi nói về cái 'đắt' trong tranh màu nước Hồ Hưng- Ảnh 4.

Bức Mẹ vẽ một cái giỏ xách với bên trên là lỉnh kỉnh các bó hoa, gợi lên sự thân quen, giản dị của đời sống chợ búa gắn với người phụ nữ Việt

HỒ HƯNG/BTC

Hay ở bức khác với khổ lớn nhất trong buổi trưng bày là Thu heo may, họa sĩ vẽ đóa sen cuối mùa, và một nàng thị bước ra. Điều hấp dẫn là Hồ Hưng phối màu và bắt được cảnh sắc úa tàn của đóa sen, nét hơi cúi rất thần tình của nhân vật nữ từ nhụy sen. Nếu dân gian Việt Nam có một nàng Tấm bước ra từ quả thị thì "thị" của Hồ Hưng lại bước ra từ đóa sen sắp tàn, mang nét trầm buồn của thu sắp trôi đi. Anh chia sẻ, nhân vật này anh ít nhiều lấy cảm hứng từ các nhân vật nữ trong tranh của Mai Trung Thứ hay Lê Phổ - những họa sĩ trứ danh của Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Trong chuyến "Nam tiến" theo đuổi sự nghiệp vẽ tranh màu nước của họa sĩ Hồ Hưng và "bến đậu" lần này là Nhã Lam Art Gallery Tea Room, bà Nguyễn Giáng Xuân - nhà sáng lập Nhã Lam Art Tea Room cho biết: “Nhã Lam rất vui vì có cơ hội hợp tác với họa sĩ Hồ Hưng và giới thiệu đến công chúng những tác phẩm trực họa và ký họa của anh. Mỗi tác phẩm trực họa của anh là một câu chuyện, một rung cảm hay một chiêm nghiệm sâu lắng được khắc họa bằng những nét cọ tinh tế và sắc màu của cuộc sống xung quanh ta”.

Cái "đắt" trong tranh màu nước của Hồ Hưng

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi nói về cái 'đắt' trong tranh màu nước Hồ Hưng- Ảnh 5.

Ông Ngô Kim Khôi chúc mừng họa sĩ Hồ Hưng và chia sẻ nhiều điểm nhìn quý giá về sáng tác của họa sĩ

THẾ SANG

Nhà nghiên cứu và sưu tầm mỹ thuật Ngô Kim Khôi, người theo dõi thị trường mỹ thuật cũng như các phiên đấu giá tranh quốc tế, xuất hiện tại buổi ra mắt và chia sẻ nhiều quan điểm quý giá, nắm bắt tinh thần của tranh màu nước Hồ Hưng. Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn ông về họa sĩ này.

* Thưa ông, ông có thể chia sẻ về kỹ thuật vẽ màu nước của họa sĩ Hồ Hưng?

- Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi: Tôi là người chứng kiến việc sáng tác của Hồ Hưng, vì họa sĩ đã đến nhà tôi và vẽ trực họa rất nhiều. Kỹ thuật vẽ màu nước của Hồ Hưng rất vững. Thú thật, những nhà chuyên môn hoặc dân trong nghề sẽ thấy rất rõ kỹ thuật này.

Hồ Hưng rất mạnh ở các chi tiết. Cậu ấy có thể vẽ những cọng rơm rất nhỏ trong bó rơm to, hay có thể vẽ lá tre rất mỏng manh trong cả bụi tre. Cậu ấy có thể ngồi "tỉa" từng li từng tí những chi tiết như thế.

Đối với việc vẽ tranh sơn dầu, vẽ chi tiết rất dễ dàng, nhưng khi chuyển sang màu nước, kỹ thuật này khó hơn nhiều. Bởi vì khi vẽ tranh màu nước, nghệ sĩ cần rất nhiều nước, và đặc tính là màu nước loang rất nhiều nên người vẽ phải tính toán kỹ điều đó.

Trong tranh màu nước của Hồ Hưng có chất thơ vì họa sĩ sử dụng rất tốt các màu sắc, rồi cách cậu ấy nhấn nhá độ đậm nhạt của màu. Ví dụ như cảnh giông bão trong bức Sa mưa giông, họa sĩ cho thấy được cái tâm tình trong đó dù mức độ chi tiết thì được vẽ chấm phá so với các bức khác.

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi nói về cái 'đắt' trong tranh màu nước Hồ Hưng- Ảnh 6.

Họa sĩ Hồ Hưng (giữa) cùng nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi (phải) trước bức Thu heo may

THẾ SANG

* Kích thước bức tranh có quyết định đến kỹ thuật vẽ màu nước của Hồ Hưng, ví dụ như bức lớn nhất ở đây là Thu heo may so với các bức khác nhỏ hơn?

- Hồ Hưng đã vẽ đến trình độ này thì kích thước không còn là vấn đề nữa. Vấn đề ở đây là người họa sĩ đặt tâm hồn mình vào bức tranh như thế nào. Hồ Hưng từng vẽ bức lớn hơn như vậy nhưng cậu ấy vẽ rất chi tiết, và tôi cũng không ngờ cậu ấy có thể tạo nên được điều đó. Bức ấy "thật" như một ảnh chụp vậy.

* Ông có cảm nhận gì về các sáng tác của họa sĩ Hồ Hưng?

- Tuy Hồ Hưng vẽ hầu như ít nhân vật con người nhưng thực chất đằng sau đều có bóng dáng của con người, có một câu chuyện kể. Cái hay của cậu ấy là khơi gợi được sự tò mò nơi người xem, thôi thúc họ đi tìm một câu chuyện phía sau chứ không hẳn đơn thuần chỉ là "vẽ chỉ để vẽ".

Tôi rất trân trọng kỹ thuật vẽ màu nước của Hồ Hưng. Ở ta, trong khoảng thời gian rất lâu, nhiều họa sĩ không còn chú trọng màu nước nữa, có thể vì nhiều nguyên do như tính mỏng manh của màu nước. Nhưng phải thừa nhận rằng, kể từ khi Hồ Hưng thành lập câu lạc bộ màu nước, có nhiều họa sĩ đã tiếp nối con đường của cậu ấy.

* Xin cảm ơn ông và chúc ông thật nhiều sức khỏe!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.