Nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc và những phát hiện về biểu tượng vương quyền Việt Nam

14/01/2024 22:53 GMT+7

'Tôi phát hiện ra mặt trời và hoa cúc là biểu tượng vương quyền của triều Nguyễn. Hình ngọn lửa cháy trên mũ vua chính là mặt trời - hoa cúc, hoa vàng hoa bạc trên mũ quan cũng chính là hoa cúc - mặt trời. Chúng được trang trí trên toàn bộ hệ thống mũ miện, ngai vàng, bảo kiếm, tiền thưởng, huân huy chương…, của vương triều Nguyễn', nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc chia sẻ.

Chiều 14.1 tại Thư quán Khai Tâm (482/10/39A Nơ Trang Long, P.13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn (Huế) và nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc đã có buổi giao lưu, ra mắt tác phẩm mới Mặt trời & Hoa cúc - biểu tượng vương quyền Việt Nam (do NXB Thông tin và Truyền thông vừa ấn hành). Hai diễn giả đã tiết lộ chuyện về mặt trời và hoa cúc - biểu tượng vương quyền của triều Nguyễn, khiến khán giả đồng cảm và bất ngờ với nhiều phát hiện mới thú vị.

Nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc và những phát hiện về biểu tượng vương quyền Việt Nam- Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc và những phát hiện về biểu tượng vương quyền Việt Nam- Ảnh 2.

Nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc và những phát hiện về biểu tượng vương quyền Việt Nam- Ảnh 3.

Nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc và những phát hiện về biểu tượng vương quyền Việt Nam- Ảnh 4.

Hoa cúc trên mũ Xuân thu thời chúa Nguyễn

T.L VŨ KIM LỘC

Được biết, cuốn sách của ông Vũ Kim Lộc chia thành 8 chương, mỗi chương phân tích về quá trình sử dụng hình tượng "mặt trời - hoa cúc” trong nghệ thuật trang trí của người Việt, từ thời Văn Lang - Âu Lạc, trải qua các triều đại Lý - Trần - Lê - Mạc - chúa Nguyễn - Tây Sơn, và sau cùng là vương triều Nguyễn, biến hình tượng này thành một biểu tượng của vương quyền trong suốt thời kỳ quân chủ ở nước ta. 

Ông Vũ Kim Lộc còn sử dụng rất nhiều thông tin, sử liệu, hình ảnh đặc sắc soi chiếu để làm sáng tỏ những quan điểm của mình, biến những cảm nhận có vẻ mơ hồ ban đầu trở thành những luận điểm nghiên cứu xác đáng, thuyết phục và mang tính khoa học cao.

Biểu tượng vương quyền Việt Nam là mặt trời và hoa cúc ?

Nói về "mối lương duyên" để cho ra đời cuốn sách quý này, tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn cho biết thêm: "Một ngày đầu tháng 3.2021, tôi nhận được email của anh Vũ Kim Lộc, kèm theo một file đính kèm là bản thảo bài viết về bộ đĩa vàng thời Lý, được phát hiện ở thôn Cộng Vũ, xã Diên Hồng, H.Kim Động, tỉnh Hưng Yên, vào năm 1965. Trong email gửi cho tôi, anh Vũ Kim Lộc viết: “Theo anh, tạo dáng và trang trí trên bộ đĩa vàng này không phải là hoa sen như khảo tả trong hồ sơ đề nghị xếp hạng cổ vật này là Bảo vật quốc gia. Mà đó là hoa cúc. Sơn xem bài viết của anh đính kèm ở đây, và nếu được, thì bổ túc ý kiến của Sơn vào, viết thành một bài báo hoàn chỉnh để gửi đăng”. Tôi download bài viết của anh Lộc, đọc tới đọc lui, rồi vào google tìm kiếm các thông tin liên quan đến “bộ đĩa vàng Cộng Vũ” này. Rất may, đây là hiện vật nổi tiếng, nên thông tin về bộ đĩa vàng này xuất hiện khá nhiều trên internet, tại: Cổng thông tin điện tử của Cục Di sản văn hóa; Cổng thông tin điện tử tỉnh Hưng Yên; website Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; các bài viết về bộ đĩa vàng này đăng trên tạp chí Khảo cổ học, tạp chí Di sản văn hóa, tạp chí Mỹ thuật, trên báo in và báo mạng, trên các diễn đàn về cổ vật Việt Nam ở trong và ngoài nước…".

Nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc và những phát hiện về biểu tượng vương quyền Việt Nam- Ảnh 5.

Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn nói chuyện tại buổi giao lưu

Nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc và những phát hiện về biểu tượng vương quyền Việt Nam- Ảnh 6.

Bìa Mặt trời & Hoa cúc - biểu tượng vương quyền Việt Nam (do NXB Thông tin và Truyền thông vừa ấn hành)

Nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc và những phát hiện về biểu tượng vương quyền Việt Nam- Ảnh 7.

Nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc (giữa) và ông Trần Đức Anh Sơn tặng sách cho ông Hoàng Nhơn - đại diện Thư quán Khai Tâm

NVCC

Cũng theo ông Trần Đức Anh Sơn: "Từ những thông tin và hình ảnh về bộ đĩa vàng thu thập được, tôi đã quan sát kỹ lưỡng, phân tích các luận điểm cho rằng “bộ đĩa vàng này được tạo hình hoa sen” của nhiều học giả, nhà nghiên cứu; đối chiếu với những luận điểm phản biện của anh Vũ Kim Lộc trong bài viết dang dở mà anh gửi qua email cho tôi. Sau cùng, tôi kết luận: “Vũ Kim Lộc có lý. Đó là hoa cúc, không phải hoa sen”. Tôi dành thêm một ngày để xem xét các chứng cứ chứng minh “đó là hoa cúc” mà Vũ Kim Lộc nêu ra, bổ sung ý kiến của tôi, củng cố các luận điểm quan trọng...".

Từ đó, ông Trần Đức Anh Sơn dành hai tháng để biên tập, hiệu chỉnh, bổ khuyết thông tin cho bản thảo cuốn sách Mặt trời - Hoa cúc - biểu tượng vương quyền Việt Nam. "Dù có nhiều điểm, nhiều đoạn, nhiều ý kiến anh Vũ Kim Lộc trình bày trong sách, tôi chưa hoàn toàn tán đồng, nhưng tôi đánh giá cao tính hợp lý và sự táo bạo của anh khi luận giải về việc sử dụng biểu tượng "mặt trời - hoa cúc” trong nền văn hóa - nghệ thuật Việt Nam trong hơn 2.000 năm qua. Những lý giải của Vũ Kim Lộc về “hoa cúc - mặt trời” đã mang đến cho tôi những tri thức mới, hiểu biết mới về ý nghĩa và ảnh hưởng của biểu tượng này trong mỹ thuật, trang trí và kiến trúc Việt Nam thời quân chủ. Những lý giải ấy đã “đính chính” những ngộ nhận về các biểu trưng của nền mỹ thuật cổ Việt Nam mà các nhà nghiên cứu tiền bối đã “định hình”, đồng thời tạo cảm hứng cho các thế hệ hậu bối “soi” lại những tri thức đã sở đắc, sẵn sàng cho hành trình “tái khám phá” văn hóa và di sản văn hóa Việt Nam", TS Trần Đức Anh Sơn khẳng định.

Nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc và những phát hiện về biểu tượng vương quyền Việt Nam- Ảnh 8.

Nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc và những phát hiện về biểu tượng vương quyền Việt Nam- Ảnh 9.

"Hậu trường" hai diễn giả ký tặng sách cho độc giả trước buổi giao lưu

NVCC

Nói về công trình nghiên cứu công phu của mình, nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc cho rằng: "Từ kết quả nghiên cứu về biểu tượng mặt trời và hoa cúc thời Nguyễn, truy ngược về quá khứ, tôi nhận thấy không chỉ ở triều Nguyễn mà các triều đại trước đó như Lý, Trần, Lê, Mạc, Tây Sơn, cũng đã sử dụng hình tượng mặt trời và hoa cúc làm biểu tượng của vương quyền, và triều Nguyễn đã kế thừa và tiếp nối truyền thống này. Tôi cũng thấy rằng, ngay từ thời kỳ sơ khai của nước ta, các nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, với nền văn hóa Đông Sơn đại diện, cũng đã sử dụng mặt trời và hoa cúc làm biểu tượng của quyền lực. Có thể nói, đây là sự tiếp nối, giống như sợi dây xuyên suốt chiều dài lịch sử, và là quá trình kế thừa truyền thống sử dụng mặt trời và hoa cúc làm biểu tượng cho quyền lực và vương quyền của các triều đại quân chủ Việt Nam".

Vui vì đứa con tinh thần vừa ra mắt được độc giả ủng hộ nhưng với ý thức học hỏi, nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc khiêm tốn: "Nhìn chung, những thành tựu mà tôi có được, có thể nói tôi là người vô cùng may mắn vì đã được thừa hưởng những phát hiện của khảo cổ học, những nghiên cứu của bậc tiền bối".

Nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc cũng mong rằng, từ các thành tựu với những phát hiện và góc nhìn của riêng mình được viết trong cuốn sách này, sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp, bổ sung của các nhà nghiên cứu khác để có thêm nhiều phát hiện thú vị nữa về mặt trời và hoa cúc - biểu tượng vương quyền Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.