Nhà nông phục vụ tết - Kỳ 10: Cam Canh trong rừng Bidoup

22/01/2015 05:03 GMT+7

Cam Canh, một loại quả nổi tiếng có nguồn gốc từ miền Bắc, ngày xưa dùng để tiến vua, nay được ông Nguyễn Phú Tuấn (52 tuổi, TP.Đà Lạt) trồng thành công trong vùng rừng núi Bidoup (thôn Long Lanh, xã Đạ Chais, H.Lạc Dương, Lâm Đồng).

Cam Canh, một loại quả nổi tiếng có nguồn gốc từ miền Bắc, ngày xưa dùng để tiến vua, nay được ông Nguyễn Phú Tuấn (52 tuổi, TP.Đà Lạt) trồng thành công trong vùng rừng núi Bidoup (thôn Long Lanh, xã Đạ Chais, H.Lạc Dương, Lâm Đồng).

Vườn cam Canh trĩu quả của ông Tuấn luôn “cháy hàng” vào dịp Tết Nguyên đán Vườn cam Canh trĩu quả của ông Tuấn luôn “cháy hàng” vào dịp Tết Nguyên đán - Ảnh: G.B

Chúng tôi không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy vườn cam Canh cành lá sum suê, trĩu quả trên diện tích 3 ha của ông Tuấn nằm sâu trong vùng rừng núi Bidoup. Bởi vùng đất này quanh năm mây mù bao phủ và lâu nay chỉ phù hợp cà phê, rau màu. Ông Tuấn cho hay, ông cũng khá bất ngờ với sự sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao của cây cam Canh tại vùng đất này. “Năm 2004, trong một lần về thăm quê cũ ở Hoài Đức (Hà Nội), thấy mấy người bà con làm giàu được với cây cam Canh, tôi liền mang 200 cây giống vào trồng thử ở xã Đạ Sar (H.Lạc Dương) và không ngờ cây phát triển rất tốt. Tết Nguyên đán 2007, những cây cam này cho thu hoạch. Ngoài bán quả, tôi còn bứng nguyên gốc 100 cây mang ra phố Đà Lạt bán theo dạng cây kiểng chưng tết, thu được hơn 100 triệu đồng. Thấy hiệu quả, tôi mua đất ở Long Lanh rồi về quê mua cây giống vào trồng”, ông Tuấn kể.  

Cũng theo ông Tuấn, thời gian đầu trồng cam, ông sử dụng “công nghệ mạng” để đối chứng với cây của bà con trồng ở Hoài Đức. Hằng tháng, ông chụp hình cây cam trong vườn của mình gửi về quê, rồi nhờ người ở quê chụp lại hình cây cùng độ tuổi, cùng thời gian trồng gửi email để quan sát, so sánh. Ông liên tục làm như vậy cho đến lúc cây ra hoa, đậu quả và thu hoạch. Từ việc “đối chứng” này, ông Tuấn nhận thấy cây cam trồng ở vùng rừng núi Bidoup phát triển tốt hơn, cành, lá, quả nhiều hơn, màu sắc cũng rất đẹp với màu vàng da cam đặc trưng, vỏ mỏng, ruột vàng đỏ, không hạt, có hương thơm và vị ngọt thanh.

“Trồng cây cam Canh không khó, 1 ha đất trồng được hơn 1.000 cây. Loài cây này ưa thoáng và khô ráo nên tránh trồng ở những nơi trũng nước. Việc chăm sóc cũng rất đơn giản, chỉ bón phân đúng liều lượng và tưới nước, làm cỏ rồi thường xuyên theo dõi phát hiện nấm bệnh, bọ xít, nhện, rầy... để xử lý kịp thời. Sau 28 tháng cây đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên với năng suất 15 tấn/ha, sau 5 năm đạt 30 tấn/ha. Cây có thể cho thu hoạch hơn 20 năm”, ông Tuấn chia sẻ.

Không chỉ đạt năng suất, chất lượng cao, mà cam được thu hoạch đúng vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm nên có sức tiêu thụ lớn, được nhiều người chọn mua để chưng, cúng tết và làm quà biếu. “Vườn cam Canh của tôi bây giờ đã bắt đầu cho thu hoạch, đến những ngày giáp tết sẽ đạt 2 - 3 tấn/ngày và thời gian thu hoạch có thể qua rằm tháng giêng. Ước tính trong mùa tết này, vườn sẽ cho thu hoạch hơn 20 tấn quả, giá bán bình quân 38.000 - 40.000 đồng/kg. Ngoài ra, tôi còn chuẩn bị vài trăm cây để bán làm kiểng, giá 1 - 2 triệu đồng/cây. Tính ra, lãi tổng cộng hơn nửa tỉ đồng”, ông Tuấn hồ hởi và cho biết mấy năm nay, năm nào ông cũng không đủ hàng để cung cấp cho thị trường dịp tết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.