Cứ vào dịp giáp tết, những hộ làm chả cá thác lác ven hồ Lắk hết sức bận rộn, khách hàng ra vào nườm nượp, xe chờ lấy hàng đi ngoài tỉnh thì giục rối rít...
Chế biến chả cá thác lác ở vùng hồ Lắk - Ảnh: Trung Chuyên
|
Hồ Lắk (H.Lắk, Đắk Lắk) là hồ nước ngọt lớn nhất khu vực Tây nguyên với diện tích hơn 500 ha, được xem là vựa cá tự nhiên cho cả vùng. Nhiều năm nay, món chả làm từ cá thác lác được đánh bắt ở hồ này có vị ngon khác biệt, trở thành đặc sản nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Những ngày gần tết, nhu cầu sản phẩm càng tăng khiến những hộ theo nghề chế biến chả cá làm không xuể.
Bà Lê Thị Hai ở thôn 2 (TT.Liên Sơn, H.Lắk) khoát tay xin lỗi do không có thời gian tiếp chuyện lâu với chúng tôi. Bà bảo phải vào bếp làm nhanh lô hàng cho xe khách đến lấy kịp đưa đi Đà Lạt. Những chuyến xe khách đường dài trên QL27 ngang qua H.Lắk đã góp công không nhỏ trong việc đưa sản phẩm chả cá thác lác hồ Lắk ngược lên Buôn Ma Thuột, qua Lâm Đồng và xuôi về TP.HCM.
Cuộc trò chuyện dẫu ngắn, nhưng bà Hai cũng cho biết “lược sử” của nghề làm chả cá thác lác danh tiếng trong vùng. Bà Hai quê gốc ở Huế, gia đình bà vào vùng Lắk lập nghiệp từ những năm 1950. Bà kể thời đó cá thác lác ở hồ Lắk nhiều vô kể, lại rẻ nhưng ít người biết chế biến. Bà Hai thừa hưởng cách làm chả cá từ mẹ bà, một trong những người làm chả cá đầu tiên trong vùng. Đầu tiên là nạo thịt cá, đem tẩm gia vị rồi giã nhuyễn trong cối đá. “Phải giã chày bằng tay đến khi thịt cá dẻo dính tay thì chả mới đạt. Còn muốn chả thơm, dai, giòn mà không có hàn the là tùy bí quyết của từng người khi tẩm gia vị, chủ yếu là tỏi, hành, tiêu…”, bà Hai chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thơm, nhân công làm chả cá thác lác, kể thêm: “Đến tết thì nhu cầu khách hàng mua nhiều, có ngày làm đau cả lưng vì ngồi nạo cá gần chục tiếng đồng hồ”. Theo chị Thơm, chả cá thác lác hiện có giá 220.000 đồng/kg nhưng chi phí nguyên liệu, công lao động xấp xỉ 200.000 đồng, nên chủ yếu là lấy công làm lời, bù lại hàng không bao giờ ế. Đặc biệt ngày tết, người tiêu dùng ngán ăn thịt, thì chả cá là món thay thế tuyệt vời, lại có thể cất trữ đông lạnh được nhiều ngày.
Hộ thứ hai cùng làm nghề chả cá hồ Lắk ở gần nhà bà Hai là bà Nguyễn Thị Nga. Mấy hôm nay, bà Nga nghỉ ốm, con gái lớn của bà là chị Phạm Thị Mai đảm đương công việc cùng 3 lao động phụ. Theo chị Mai, ngày thường cả nhà làm khoảng 30 - 40 kg chả cá sống, nhưng vào dịp giáp tết thì khối lượng tăng lên, có ngày hơn
100 kg. Hằng ngày, chị Mai ra chợ huyện thu mua cá thác lác nguyên liệu về chế biến; nhiều hôm ngư dân hồ Lắk đánh bắt muộn hơn thì đem cá đến bán thẳng ở nhà chị.
“Nhiều lần khách du lịch đến hồ Lắk thưởng thức chả cá thác lác ở nhà hàng thấy ngon, họ hỏi đườngtìm đến tận nhà quay phim, chụp ảnh cảnh chế biến “ì xèo” lắm. Thường thì vào dịp giáp tết, nhiều người đặt hàng với số lượng lớn chuyển đi ngoại tỉnh; có khi gửi cho bà con Việt kiều ở nước ngoài nữa. Nghĩ đến việc thêm nhiều người biết đến đặc sản của hồ Lắk nên dù mệt do dồn sức làm kịp hàng nhưng cũng thấy vui”, chị Mai trải lòng.
Bình luận (0)