Vài năm trở lại đây, phong trào nuôi chim yến tại Bình Phước "nở rộ" khi chim yến được coi là "lộc trời", có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, không phải ai đầu tư xây dựng nhà nuôi chim yến cũng thành công. Bên cạnh đó, việc xây dựng nhà nuôi chim yến trong khu dân cư gây phiền toái cho người dân bởi tiếng loa phát dẫn dụ yến. Ngành chức năng tỉnh Bình Phước đang từng bước có những giải pháp quản lý mạnh tay.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 1.400 cơ sở chuyên dẫn dụ, khai thác chim yến, tập trung chủ yếu ở TP.Đồng Xoài, TX.Chơn Thành và các huyện Lộc Ninh, Đồng Phú...
Trong số này, có không ít các nhà yến được xây dựng kết hợp với nhà ở và các công trình dân dụng khác ở tầng lầu. Nhiều nhà yến được xây dựng trong khu dân cư nên ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, nhất là về tiếng ồn.
Cùng với đó, đa số hộ chăn nuôi chim yến nhỏ lẻ, mang tính tự phát. Việc xây dựng nhà dẫn dụ chim yến dựa vào kinh nghiệm và phong trào dẫn đến hiệu quả dẫn dụ không đồng đều, một số nhà khai thác không hiệu quả.
Ông Trần Văn Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước cho biết thời gian tới, tỉnh Bình Phước sẽ triển khai quy hoạch vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh theo quy định của luật Chăn nuôi, phát triển vùng nuôi chim yến phù hợp, không gây ảnh hưởng đến đời sống của cư dân tại khu vực nuôi chim yến.
Đối với các cơ sở dẫn dụ, khai thác chim yến phải có trang thiết bị bảo đảm phù hợp tập tính hoạt động của chim yến. Cơ sở phải có trang thiết bị nhà xưởng, có quản lý theo dõi, được cấp mã số để truy xuất nguồn gốc. Song song đó, cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát về vệ sinh thú y, môi trường, dịch bệnh, an toàn thực phẩm đối với cơ sở và sản phẩm tổ yến.
"Đối với nhà yến đang hoạt động, phải đảm bảo khoảng cách với khu dân cư đạt trên 300 mét thì sẽ quản lý về âm thanh theo khung giờ hàng ngày và theo quy định, đảm bảo vệ sinh thú y... Đối với nhà yến cách khu dân cư dưới 300 mét thì sẽ không được sử dụng loa phóng phát âm thanh", ông Trần Văn Phương cho biết thêm.
Bình luận (0)