Quan điểm doanh nghiệp bất động sản cần chú trọng phát triển nhà ở xã hội để sớm ổn định, phục hồi được nhiều chuyên gia nêu tại Diễn đàn bất động sản mùa xuân lần thứ 3 do Tạp chí Bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 10.3.
Phát biểu tại diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khái quát khó khăn nổi cộm nhất của thị trường bất động sản là tài chính và pháp lý; trong đó, phần lớn khó khăn liên quan đến pháp lý. Một phần rất lớn khó khăn cũng là do các doanh nghiệp bất động sản tự làm nên.
Ông Lộc và nhiều chuyên gia khác tại diễn đàn đều thống nhất, cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát lại toàn bộ các dự án, nhận thấy rõ vướng mắc tại đâu để có cơ chế tháo gỡ. Về lâu dài, Chính phủ và Quốc hội cần thúc đẩy hoàn thiện việc sửa đổi và ban hành luật Đất đai, luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản… sao cho thống nhất, chuẩn chỉnh.
Về tài chính, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhận định dù tỷ trọng tín dụng vào bất động sản cao nhưng nước ta còn dư địa phát triển tín dụng nhà ở, nhiều nhất là nhà ở xã hội, bất động sản khu công nghiệp…
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho rằng Nhà nước cần sớm có những quy định cụ thể để triển khai gói 120.000 tỉ đồng mà ngân hàng vừa công bố.
"Đây là "liều thuốc bổ" có giá trị đối với thị trường, nhưng cũng cần quy định rất cụ thể, trong đó quy định rõ những nhóm đối tượng được tiếp cận nguồn vốn này. Chúng tôi đề xuất ngoài những nhóm đối tượng phát triển nhà ở xã hội, giá rẻ, bình dân thì cũng cần lưu ý những dự án bất động sản đang ở giai đoạn gần hoàn thành nhưng chỉ vì thiếu vốn nên tắc nghẽn. Nếu được giải tỏa, chúng ta sẽ kích thích được nguồn cung trên thị trường", ông Đính nói.
Cơ cấu lại sản phẩm phù hợp điều kiện thị trường
Cũng theo ông Đính, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản nói riêng cần có các phương án tái cấu trúc cho phù hợp với nền kinh tế và nguồn lực của mình; đồng thời, cấu trúc lại dòng sản phẩm để dễ hấp thụ với thị trường, nhằm có dòng tiền giúp doanh nghiệp khởi động trở lại.
Thời điểm này, doanh nghiệp nên đưa nhà ở xã hội vào chiến lược kinh doanh của mình, kể cả doanh nghiệp lớn chuyên về phát triển nhà ở cao cấp. Nhà ở xã hội sẽ là sản phẩm tạo ra sự bền vững, ổn định dài hơn đối với doanh nghiệp, là nguồn sống trong giai đoạn khó khăn.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Viết Chiến, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhận định tình trạng khó khăn của thị trường bất động sản sẽ còn kéo dài.
Do vậy, doanh nghiệp phải tự cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với điều kiện thị trường; nhất là trong bối cảnh nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho người thu nhập thấp đang có nhu cầu lớn. Các doanh nghiệp bất động sản cần "ghé vai" chung sức phát triển để thị trường lành mạnh, bền vững.
Bình luận (0)