Tìm hiểu mới biết, họ là những nông dân trong vùng, gánh sản phẩm từ vườn nhà đi bán. Đó là những bó đọt su su xanh mơn mởn, ngọn rau lang mọng sữa, con gà tre thả vườn (dân Bắc gọi là gà đi bộ)... Tất cả các thứ này đều có tên trong thực đơn của các nhà hàng trong khách sạn và trở thành món đặc sản mà bất kỳ đoàn khách nào ở thành phố lên cũng thưởng thức với một vẻ hào hứng đặc biệt, và tất nhiên cũng được tính với giá rất... đặc biệt.
Có lần, về Palm Garden resort ở TP.Hội An, anh Sang (Phước Thịnh) đã đãi thực khách bằng các món rau lang luộc, bầu nấu canh tép, cá cấn kho lá nghệ non... Các thực khách từ Hà Nội vào đã ăn như chưa bao giờ được ăn.
Chuyện đó đối với người nhà quê như tôi không có gì là lạ, bởi tuổi thơ của mình ngập ngụa trong rau lang, bầu luộc đến mức phải “chiến đấu” để thoát khỏi nó. Nhưng câu chuyện ngày nay đã khác...
Một lần, anh Phạm Thanh (Thanh Gia Khánh), một đại gia của Đà Nẵng mời bạn bè tất niên, tôi cũng được ăn theo. Thấy trên bàn rót rượu Tây nhưng thức ăn thì toàn đồ nhà quê. Nghe nói anh “hành” chủ quán mua cho được nửa trái bầu mang về luộc, chấm với tôm thịt nấu nước ruốc, canh rau lang nấu tép khô và một con gà đèo Le (một địa danh ở Quảng Nam có món gà quê nổi tiếng)...
Sau bữa nhậu tưng bừng, tôi liếc vào hoá đơn tính tiền, thấy món bầu luộc tính đến 180.000 đồng, rau lang nấu canh tép hết 80.000 đồng, con gà đèo Le 300.000 đồng. Cái máu nhà quê trong người nổi lên, tôi cự với chủ quán bằng cách tính chi li: nửa trái bầu giá 2.000 đồng, 1 lạng tôm 7.000 đồng, 1 lạng thịt 3.000 đồng, 1.000 đồng ruốc, vị chi là 13.000 đồng. Nhà hàng tính 180.000 đồng nghĩa là lãi gấp 14 lần.
Ông chủ quán không phải tay vừa, bảo: “Sao không gọi tôm hùm ăn cho rẻ”. Tôi ớ người trong giây lát, đoạn nghĩ, mấy cha đại gia này đã “no xôi chán chè”, tôm cua rùa cá thừa mứa, bây giờ thì cha nào cũng bị mỡ trong máu, gout, dư đường... thành ra phải “trở về Suriento”, với bầu bí dưa cà... nên đành tắt tiếng.
Ông chủ quán sợ tôi phật lòng quay lại giải thích: “Anh nói thế cũng không sai nhưng chưa đúng, tôi đặt các thứ này ở tận vườn nhà quê nên công vận chuyển của họ cũng đã cao. Họ bán cho tôi đắt, tôi bán rẻ cho các anh sao được”.
Tôi biết chắc dù nông dân bán cho anh ta đắt bao nhiêu thì cũng không đến mức nửa quả bầu giá 100.000 đồng, nhưng thôi không tranh luận nữa, nghĩ đến chuyện nông dân bán được sản phẩm của mình đã thấy vui rồi.
Sáng hôm trước đây, tôi đến sớm để rủ một người bạn nghỉ ở resort năm sao đi ăn sáng, món đặc sản của Đà Nẵng, không ngờ người quản lý nhà hàng bảo ở đó không có gì là không có, kể cả rau lang và bầu. Vừa lúc, có hai chị gánh hàng đến giao, toàn là rau lang và... bầu thật. Mỗi gánh được thanh toán 200.000 đồng. Chị Nhiên ở TX.Điện Bàn nói nhỏ: “Gánh ni đứng ngoài chợ cả ngày cũng chỉ bán được ba, bốn chục, vô đây rứa là lời to rồi chú ơi!”
Đúng là nông dân đang kiếm được tiền từ “thương hiệu nhà quê” của mình qua việc bán lẻ từng gánh rau vào khách sạn, nhà hàng, nhờ thương hiệu đó mà họ có thu nhập, vậy họ đâu có quê chút nào.
Cách đây ít lâu, tôi có làm một ngôi nhà nhỏ ven hồ ở làng Cẩm Sa (Quảng Nam) để làm vườn. Ở đây vườn nhà ai cũng rộng nên họ trồng đủ các loại rau quả. Khi tôi hỏi một chị đang hái rau muống để mua, chị lật đật đứng dậy khỏi chỗ chị đang hái, chạy ra góc vườn dùng liềm cắt cho tôi một bó to rồi nói giá 5.000 đồng. Rẻ thì quá rẻ rồi nhưng tôi ngờ ngợ, hỏi, sao rau có vẻ cằn cỗi vậy chị? Chị thật thà trả lời: “Chỗ đó không phun thuốc, chỗ xanh non này mới phun thuốc”. Tôi trố mắt ngạc nhiên. Đoạn nghĩ, nhà quê bây giờ cũng đã khác rồi!
Bình luận (0)