CNN đưa tin ông Julian Assange đã rời khỏi tòa án tại đảo Saipan, thủ phủ của vùng lãnh thổ Quần đảo Bắc Mariana (Mỹ) ngày 26.6, vẫy chào giới báo chí trước khi lên xe ra sân bay để quay về Úc. Luật sư Barry Pollack của người sáng lập WikiLeaks nói rằng thân chủ đã phải chịu đựng nhiều trong cuộc chiến giành quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.
Năm 2010, trang web minh bạch thông tin WikiLeaks của ông Assange công bố một loạt tài liệu rò rỉ của quân đội Mỹ liên quan cuộc chiến tranh tại Iraq và Afghanistan. Cùng năm, ông bị Thụy Điển truy nã liên quan cáo buộc tấn công tình dục phụ nữ. Năm 2012, ông xin tị nạn chính trị trong đại sứ quán Ecuador tại London (Anh).
Nhà báo, nhà hoạt động người Úc ở lại đó trong gần 7 năm cho đến khi cảnh sát xông vào vào năm 2019 theo lệnh dẫn độ của Mỹ, sau khi Ecuador rút lại quyền tị nạn của ông Assange vì thái độ của ông này và cho phép cảnh sát Anh vào trong đại sứ quán. Ông bị bắt giam tại một nhà tù an ninh cao tại London.
Mỹ cáo buộc ông Assange gây đe dọa cho tính mạng công dân Mỹ và an ninh quốc gia. Ông bị Bộ Tư pháp Mỹ truy tố 18 tội liên quan việc WikiLeaks công bố lượng lớn dữ liệu nhạy cảm.
Năm 2022, giới chức Anh thông qua đề nghị dẫn độ nhưng ông Assange kháng nghị. Hồi tháng 5, ông giành được quyền cho phép đưa ra kháng nghị mới đối với việc dẫn độ.
Ngày 24.6, công dân Úc 53 tuổi được thả khỏi nhà tù ở London và lên máy bay riêng để rời khỏi Anh sau khi đạt thỏa thuận nhận tội với chính phủ Mỹ.
Tại Saipan, ông chính thức thừa nhận một tội danh duy nhất là âm mưu sở hữu và lan truyền trái phép thông tin mật. Bản án là 62 tháng tù nhưng ông sẽ không phải thi hành nữa bởi thời gian được tính từ khi ông bị giam tại nhà tù ở London trong lúc kháng nghị lệnh dẫn độ.
Phiên tòa diễn ra tại Saipan, hòn đảo nằm ở Thái Bình Dương và cách Hawaii khoảng 6.000 km về hướng tây. Ông Assange e ngại phải đặt chân lên lục địa Mỹ vì từng cho rằng có âm mưu ám sát ông, nên các công tố viên đã đề nghị tiến hành các thủ tục pháp lý tại Saipan, nơi gần với Úc hơn. Đại sứ Úc tại Mỹ Kevin Rudd, từng là thủ tướng, có mặt tại phiên tòa.
Phát biểu tại quốc hội Úc ngày 25.6, Thủ tướng Anthony Albanese cho rằng vụ án đã bị kéo dài quá lâu. "Chẳng được ích lợi gì từ việc tiếp tục giam giữ ông ấy và chúng tôi muốn ông ấy được đưa về Úc", ông Albanese nói.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng Adrienne Watson nói rằng đây là quyết định độc lập của Bộ Tư pháp và Nhà Trắng không hề can dự vào thỏa thuận.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết theo thỏa thuận nhận tội, ông Assange sẽ bị cấm quay lại Mỹ trừ khi được cho phép.
Theo CNN, ông Julian Assange sẽ phải trả cho chính phủ Úc tiền thuê máy bay đưa ông về, ước tính là 520.000 USD. Một tổ chức quốc tế kêu gọi trả tự do cho người sáng lập WikiLeaks đã kêu gọi quyên góp để chi trả chi phí trên và việc giúp ông Assange hồi phục.
Bình luận (0)