Nhà sư - nghệ nhân
Người góp phần tạo ra những tác phẩm này là nhà sư - nghệ nhân Lý Thảo (34 tuổi). Trò chuyện với chúng tôi, sư Lý Thảo cho biết quê ông ở Kiên Giang. Từ nhỏ, ông đã đam mê nghề chạm khắc gỗ. Vì vậy, khi biết chùa Kom Pong Chrey ở TP.Trà Vinh (Trà Vinh) mở lớp chạm khắc từ gốc cây, ông đã sang Trà Vinh học nghề.
Dù biết công việc chạm khắc là rất khó, đòi hỏi phải kiên trì, chịu khó và khéo tay nhưng ông vẫn quyết tâm theo học và thực hiện cho bằng được ước mơ của mình. Sau hơn 4 năm vừa học đạo, vừa học nghề, sư Lý Thảo đã có những kiến thức cơ bản về nghề chạm khắc.
|
Sư Lý Thảo cho biết lúc đầu ông làm quen với những khúc gỗ ngắn để tạo ra những con vật có hình dáng và đường nét chạm trổ đơn giản. Tuy nhiên, càng về sau, các tác phẩm được chạm khắc chi tiết, tinh xảo hơn. Khi tay nghề được nâng lên, ông tiếp tục chạm khắc hình các con thú. Cuối cùng, những tác phẩm điêu khắc về hình tượng 12 con giáp, bộ tứ linh, chim bồ câu và các loài chim thú khác... đã lần lượt ra đời, rất sắc sảo, sống động, khiến nhiều người thích thú khi đến xem.
Giữ nét đẹp hoang sơ
Năm 2014, sư Lý Thảo về tu tại chùa Dơi và tiếp tục chế tác, chạm trổ từ những gốc cây sẵn có tại chùa. Theo ông, nghề chạm khắc gỗ ở đây đặc biệt khai thác những gốc cây sao lâu năm và nét đẹp đặc trưng của bộ rễ mà không phải qua giai đoạn chế biến.
Người sáng tạo chỉ dựa theo hình dạng của hiện vật và nương theo những nét độc đáo của bộ rễ như màu sắc, khối u, lỗ thủng kỳ thú vừa trừu tượng, vừa cụ thể để chế tác, nhưng không lạm dụng những kỹ xảo để làm biến dạng các nét hoang sơ đầy ấn tượng trong thiên nhiên mà tạo nên những tác phẩm sống động như thật.
|
Theo sư Lý Thảo, những tác phẩm từ gốc, rễ cây vẫn lưu giữ những đường nét độc đáo vốn có của nó, nghệ nhân chỉ gia công cho đẹp lên hơn chứ không phá vỡ những nét đẹp hoang sơ vốn có ban đầu… Màu sắc của những tác phẩm thường có màu vàng, nâu sẫm hoặc đen sẫm, gợi lên sự huyền bí và mang lại cho người xem một cảm giác chắc bền, hấp dẫn.
Để có được những sản phẩm phong phú, độc đáo, sư Lý Thảo cùng đồng nghiệp phải nghiên cứu từ hình dáng của mỗi gốc, rễ cây xem có thể ra hình dáng con vật nào cho thích hợp. Tác phẩm của ông chủ yếu là các con vật như đại bàng, bộ tứ linh “long - lân - quy - phụng”, cò, hổ, bồ câu, khỉ, rắn, cá… Tuy làm từ gốc, rễ cây khô nhưng hết sức tinh xảo, có giá trị văn hóa nghệ thuật cao. “Hiện tôi đang cùng đồng nghiệp của mình là nghệ nhân Trần Minh Luâng hoàn thiện tác phẩm Phật Di Lặc được chạm trổ bằng gốc cây có chiều cao 2,3 m, ngang 2 m, do một khách hàng đặt làm”, sư Lý Thảo chia sẻ.
tin liên quan
Độc đáo nghề xưa: Điêu khắc gốc cây ở chùa HangKampong Chray (còn gọi là Kompongnigrodha) là ngôi chùa Khmer cổ được xây dựng vào năm 1637, tọa lạc tại khóm 4, TT.Châu Thành, H.Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, nổi tiếng với những tác phẩm điêu khắc từ gốc cổ thụ.
Bình luận (0)