Để đáp ứng tiêu chí đô thị loại 2, vào năm 2013, UBND TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) đã đầu tư hơn 10 tỉ đồng xây dựng nhà tang lễ Tam Kỳ trên một khu đất rộng ở khu trung tâm thành phố, bên bờ hồ điều hòa Nguyễn Du (P.An Mỹ, TP.Tam Kỳ). Sau khi xây dựng, nhà tang lễ chỉ tổ chức được... 2 đám tang, rồi suốt nhiều năm nay đóng cửa im lìm.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hiện nay nhà tang lễ Tam Kỳ luôn trong tình trạng "cửa đóng then cài"; nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng. "Thật sự mà nói, người dân chúng tôi không hiểu từ nhu cầu nào mà phải xây dựng nhà tang lễ này. Chúng tôi nghĩ nhà tang lễ nên xây dựng ở những TP lớn, có diện tích đất hẹp nhưng lượng người đông thì mới phát huy hết công năng của nó", ông N.C.H (53 tuổi, ở P.An Mỹ) nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Duy Ân, Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, thừa nhận do người dân không có nhu cầu khiến nhà tang lễ Tam Kỳ phải bỏ hoang nhiều năm nay. Tuy nhiên, theo quy định TP muốn lên đô thị loại 2 thì phải đảm bảo tiêu chí, điều kiện phải có ít nhất 2 nhà tang lễ. Tuy nhiên, để không gây lãng phí, TP mới chỉ xây dựng 1 cái và đang phải "nợ" lại yêu cầu này.
"Quy định này đôi lúc cũng có những bất cập trong thực tiễn văn hóa của người dân sống ở đô thị nhỏ, vì họ rất ít khi tổ chức ở nhà tang lễ. Nhà tang lễ sẽ rất cần ở những đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội…, dân cư đông nhưng đất đai chật chội, chứ ở Tam Kỳ thì nhà cửa người dân rộng rãi nên họ sẽ không có nhu cầu", ông Ân nói.
Theo ông Ân, hiện TP đã có chủ trương bố trí kinh phí để sửa chữa lại một số hạng mục có dấu hiệu xuống cấp nhằm đảm bảo sạch sẽ, an toàn bảo đảm công năng sử dụng. Tuy nhiên, để không gây thêm lãng phí, kinh phí bỏ ra để sửa chữa cũng rất ít. "Về lâu dài, chúng tôi cũng suy nghĩ xem làm cách nào để công trình phát huy hiệu quả, công năng sử dụng, tránh tiếp tục đầu tư thêm rồi lại gây ra lãng phí", ông Ân chia sẻ.
Chủ trì cuộc họp thường kỳ mới đây với các sở, ngành, địa phương, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đề nghị tổng rà soát tất cả dự án đã cấp từ trước đến nay; dự án không có khả năng thực hiện thì cương quyết thu hồi, không để tình trạng dự án kéo dài cả chục năm nhưng không triển khai.
"Việc này trước đây tỉnh đã có chủ trương rồi nhưng chưa quyết liệt, nay giao Sở KH-ĐT tham mưu cùng với văn phòng UBND tỉnh lưu ý báo cáo. Các tài sản, công sở hiện nay chưa sử dụng cũng phải tổng kiểm tra có giải pháp thực hiện để xử lý triệt để, chống lãng phí", ông Dũng nói.
Bình luận (0)