Sáng 29.1, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ GTVT tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Công điện số 02 của Thủ tướng Chính phủ tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh, những năm qua, việc triển khai đầu tư các dự án công trình trọng điểm như hệ thống cao tốc Bắc - Nam, cao tốc trục đông - tây, các tuyến đường vành đai, dự án nâng cấp hệ thống đường sắt quốc gia, các dự án metro, cảng biển, hàng không được phát triển đồng bộ.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho biết, thực tế trong công tác quản lý dự án vẫn gặp vướng mắc liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý định mức, nhất là giá vật liệu tại mỏ xây dựng giao cho các nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù.
Trước đó, năm 2021, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 12, trong đó cập nhật, bổ sung gần 989 mã định mức. Dự kiến, ngay trong quý 1, Bộ Xây dựng sẽ ban hành bổ sung 318 mã định mức theo thẩm quyền.
Đồng thời, sẽ phối hợp rà soát 547 định mức dự toán công trình được các cơ quan của Bộ GTVT đề nghị ban hành, đảm bảo các định mức không bị trùng lặp với các định mức do Bộ Xây dựng xây dựng.
Theo Thứ trưởng Minh, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, ban hành bổ sung các định mức còn thiếu hoặc không phù hợp do công nghệ, điều kiện thi công thay đổi hoặc do vật liệu xây dựng mới.
Từ thực tế triển khai của ngành GTVT, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn nêu rõ, các dự án ngay cả được áp dụng một số cơ chế đặc thù vẫn còn 3 vướng mắc chủ yếu.
Thứ nhất là công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng hiện nay gồm: định mức xây dựng và giá xây dựng công trình, như khảo sát, chuẩn xác lại hao phí và nội dung của định mức trong quá trình thi công xây dựng; việc xây dựng, ban hành định mức xây dựng đặc thù của chuyên ngành, của địa phương; việc xây dựng, công bố giá vật liệu, nhân công...
Thứ hai là việc xác định giá vật liệu tại mỏ vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá, cát) được áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản.
Thứ ba là điều chỉnh giá và thanh, quyết toán hợp đồng xây dựng.
Nhà thầu càng làm càng lỗ
Chia sẻ tại hội nghị, ông Đỗ Đình Phan, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, cho hay với chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư, Thông tư 12/2021 do Bộ Xây dựng ban hành chỉ có định mức đối với dự án từ 30.000 tỉ đồng trở xuống mà chưa có hướng dẫn với dự án trên 30.000 tỉ đồng.
Cụ thể, dự án thành phần 3 thuộc dự án Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội có tổng mức đầu tư hơn 56.000 tỉ đồng. Nếu áp dụng định mức chi phí như với các dự án từ 30.000 tỉ đồng trở xuống thì chi phí quản lý dự án ước chỉ khoảng 70 tỉ đồng. Mức chi phí này dự kiến chỉ có thể trang trải trong 2 năm, trong khi thời gian thực hiện dự án dài hơn.
Ông Phan kiến nghị, với các dự án giao thông lớn được xây dựng trong nội đô Hà Nội, TP.HCM, đặc thù vừa thi công, vừa tổ chức giao thông, chi phí quản lý dự án rất cần được nghiên cứu xây dựng theo hướng đặc thù.
Từ kinh nghiệm thi công thực tế nhiều dự án cao tốc, đại diện Công ty Trung Chính chỉ rõ một số bất cập trong quy định định mức như chi phí nhân công; các chi phí định mức áp dụng với thiết bị như cẩu, sà lan đang rất nhỏ so với các thiết bị thực tế hiện nay, cần điều chỉnh hệ số K máy trong thi công cầu lớn...
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Công ty xây dựng Trường Sơn, cho biết đã nhiều lần nêu ý kiến về bất cập định mức đơn giá, thậm chí kiến nghị lên Chính phủ về tình trạng các nhà thầu "càng làm càng lỗ".
"Các định mức xây dựng như cấp phối đá dăm, xi măng… rất nhức nhối, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả các nhà thầu. Bên cạnh đó, xác định khung giá nhân công theo Thông tư 12/2021 của Bộ Xây dựng so với hiện nay rất thấp, không theo kịp đơn giá thị trường", ông Tuấn Anh nêu.
Đặc biệt, giá vật liệu công bố tại các địa phương khiến "nhà thầu liêu xiêu". Riêng quý 2/2022, giá mua cát đắp tại dự án của nhà thầu này cao vượt 66% giá địa phương công bố. Lý do, theo ông Tuấn Anh, do công bố giá địa phương không kịp thời, không sát thực tế hoặc chủ mỏ liên kết tăng giá. Điều này dẫn tới việc giá gói thầu hơn 600 tỉ đồng, nhưng vượt đã hơn 60 tỉ đồng.
Cạnh đó, Chính phủ đã có nghị quyết đặc thù về vật liệu xây dựng, cấp quyền khai thác mỏ trực tiếp cho nhà thầu thi công. Nhưng thực tế vẫn phức tạp, vì quyền và thủ tục khai thác mỏ vẫn phải theo quy định từng bước như trước đây. Các địa phương thì quy định khác nhau kiểu "trăm hoa đua nở" nên rất khó khăn cho nhà thầu. Thỏa thuận với người dân rất khó vì người dân đòi giá đền bù như thị trường…
"Tại một dự án khu vực miền Trung, chúng tôi làm thủ tục cấp phép từ tháng 4.2023 nhưng tới khi ra được viên đá đầu tiên hết 9 tháng, thời gian khai thác không còn nhiều nữa", ông Tuấn Anh nêu.
Nhà thầu này cũng kiến nghị các bộ sớm tổ chức xây dựng lại hệ thống định mức, điều chỉnh các định mức bất cập, điều chỉnh chi phí tiền lương, giá K máy, thu nhập chịu thuế tính trước… Ngoài ra, cần phối hợp địa phương quy hoạch mỏ nào cấp cho dự án ngay từ đầu, rút ngắn thời gian làm thủ tục, nếu trúng thầu mới triển khai thì thời gian rất lâu.
"Cần quy định rõ vấn đề nhà thầu tự thỏa thuận giá với người dân, để thuận tiện cho công tác hậu kiểm. Vì các dự án cao tốc đều hậu kiểm, rất rủi ro cho nhà thầu", lãnh đạo Công ty Trường Sơn nêu.
"Bộ rất trăn trở về định mức đơn giá"
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết "bộ rất trăn trở" với quy định định mức đơn giá, đã tiếp cận cả 2 phương pháp theo đơn giá định mức (Trung Quốc, Nhật Bản) và theo giá tổng hợp (châu Âu, Mỹ). Bộ sẽ nghiên cứu thêm phương pháp mới, lấy số hóa làm gốc.
Theo ông Minh, trước đó, Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Chính phủ sử dụng hệ số BIM; ví dụ, công trình nhà nước loại A đặc biệt phải áp dụng BIM trong tất cả các khâu, giúp cơ quan quản lý nhà nước hình thành nên đơn giá tổng hợp.
"Không thúc đẩy BIM sẽ không có big data (dữ liệu lớn), hệ thống quản lý mẫu. Bộ Xây dựng đang tiếp tục hoàn thiện để đi theo cả 2 hướng. Trong đó, giá đấu thầu mới là giá chính thức, tiếp cận thị trường", Thứ trưởng Minh nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng, phương pháp nào cũng có ưu, nhược điểm nên hệ số định mức lúc nào cũng có bất cập. Bộ Xây dựng và Bộ GTVT sẽ thành lập tổ công tác liên bộ, rà soát rõ định mức nào còn thiếu, cần bổ sung, trên tinh thần khách quan, minh bạch.
Về định mức, theo ông Minh, hiện còn một số định mức chưa phù hợp, còn thiếu, chưa cập nhật các công nghệ mới, hai bộ sẽ triển khai thực hiện ban hành định mức mới cũng như rà soát các định mức cũ.
Dù vậy, các dự án quản lý đầu tư công phải kiểm soát chặt về chi phí. Ví dụ, về giá nhân công, hiện các địa phương theo thẩm quyền công bố tại địa phương theo các phương pháp được Bộ Xây dựng công bố.
Bộ đã giao Viện Kinh tế xây dựng, rà soát nếu các yếu tố đầu vào thay đổi thì phải điều chỉnh khung giá nhân công hoặc bỏ khung. Theo đó, rà soát chi phí giá nhân công khác nhau tại các địa phương; Hà Nội, TP.HCM phải khác các địa phương khác…
"Về giá vật liệu xây dựng phải được công bố kịp thời, đúng, sát với giá thị trường. Tổ công tác sẽ rà soát giá vật liệu tại mỏ, chi phí đặc thù khác thế nào với chi phí thông thường, nếu cần thì Bộ Xây dựng sẽ chỉnh sửa phương pháp. Về giá công bố cụ thể, những việc này nhà thầu, chủ đầu tư và địa phương mới xác định được", Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh, và đề nghị các địa phương phản ánh lại những vướng mắc vẫn còn trong quá trình hướng dẫn của bộ.
Bình luận (0)