Hiện nay, tỉnh Phú Yên có 2 dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 gồm Quy Nhơn - Chí Thạnh và Chí Thạnh - Vân Phong với tổng chiều dài trên địa bàn tỉnh 90,2 km. Các dự án được khởi công từ 1.1, các nhà thầu cũng đã tập trung huy động nhân lực, máy móc vào hiện trường, song, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và nhu cầu vật liệu xây dựng đang gặp khó.
Theo báo cáo từ các Ban Quản lý dự án, hiện nay, các địa phương đã bàn giao mặt bằng được 629/727ha, tương đương 73,5/90,2 km (đạt 81,5%). Tuy nhiên, phạm vi mặt bằng bàn giao tổ chức thi công được chỉ 35,24/90,2 km, tương đương 39,1%. Các vướng mắc do mặt bằng bàn giao không liên tục, "xôi đỗ", vướng mắc công trình hạ tầng kỹ thuật, khối lượng mồ mả chưa được di dời rất lớn.
Phần tồn tại GPMB gây ra những đường găng của dự án do nhà thầu không thể thi công đường công vụ để tiếp cận công trường, tập kết nguyên, vật liệu thi công. Các công trình có quy mô lớn như hầm, cầu… cũng như chưa có mặt bằng để tiến hành triển khai sớm, nguy cơ ảnh hưởng lớn đến tiến độ tổng thể chung của dự án, chưa tính đến điều kiện khí hậu, thiên tai, mưa lũ bất thường trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý đầu tư xây dựng thông tin: Tổng nhu cầu đá xây dựng của 2 dự án khoảng 2,47 triệu m3; cát cần khoảng 2,1 triệu m3; tổng khối lượng đất đắp khoảng 7 triệu m3. Hiện nay, các đơn vị đã xác định được vị trí các mỏ khoáng sản để khai thác, trữ lượng và chất lượng đảm bảo nhưng công suất khai thác không đáp ứng được nhu cầu theo tiến độ thi công. Các nhà thầu vẫn đang phải triển khai các thủ tục để xin cấp phép khai thác trực tiếp theo cơ chế đặc thù.
Trong khi chờ cấp phép được giao mỏ, một thực tế rất khó khăn và bất cập đó là giá vật liệu theo thông báo giá của tỉnh rất cao so với mặt bằng chung của các địa phương lân cận. Giá mà nhà thầu phải mua thực tế cao chót vót so với giá niêm yết của các mỏ.
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả - nhà thầu gói thầu XL-01 đoạn Chí Thạnh - Vân Phong dẫn chứng: Nhà thầu khảo sát các mỏ cát dự toán 190.000 đồng/m3 nhưng giá bán thực tế gần 300.000 đồng/m3. Chưa kể, các khu tái định cư trên tuyến chưa triển khai được; khu vực mồ mả cũng chưa được di dời nên chưa tiếp cận để triển khai công trình hầm…
Trước các phản ánh của nhà thầu liên quan đến giá vật liệu, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên khẳng định, các mỏ mua sẵn hiện nay niêm yết bán theo giá công bố của Sở Xây dựng. Vừa qua, Sở kiểm tra thì thấy giá bán trên hóa đơn đều phù hợp với giá niêm yết. "Nếu có chứng cứ niêm yết một giá, bán một giá, đề nghị các nhà thầu báo ngay về Sở để xử lý" - vị này nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đánh giá phần phát biểu của Sở Xây dựng tỉnh còn chung chung, không thực tế. Các nhà thầu và cơ quan báo chí đã nhiều lần lên tiếng và dẫn chứng cụ thể việc mua vật liệu xây dựng bị "ép" giá. Bộ trưởng yêu cầu Giám đốc Sở quán triệt nhận thức đây là công trình quốc gia, không thể để ai được phép lợi dụng, trục lợi, đồng thời yêu cầu Sở phải là cơ quan "cầm trịch", mời các chủ mỏ và các nhà thầu lên để trao đổi, thống nhất, "chốt" giá niêm yết là bao nhiêu, nhà thầu cần mua bao nhiêu… thống nhất giá là ký hợp đồng ngay. Chủ mỏ nào không chấp thuận có thể thu hồi giấy phép.
"Phải nhìn thẳng vào sự thật là thực trạng tăng giá, 'ép' giá trên địa bàn Phú Yên là có và đang gây khó khăn, bức xúc cho nhà thầu" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói thẳng và đề nghị tỉnh phải vào cuộc, UBND tỉnh phải chỉ đạo trực tiếp việc cấp mỏ cho các nhà thầu thi công, đặc biệt phải đảm bảo việc quản lý giá. Lực lượng chức năng như công an và thanh tra phải vào cuộc xử lý ngay và nghiêm nếu phát hiện vi phạm.
Bình luận (0)