Nhà thầu đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đòi bồi thường 81 triệu USD

03/04/2019 21:16 GMT+7

Liên danh nhà thầu của dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đang yêu cầu TP.Hà Nội bồi thường 81 triệu USD vì chậm bàn giao mặt bằng thi công làm đội chi phí.

Chiều 3.4, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt Hà Nội xác nhận thông tin trên và cho biết, “đó mới là đề nghị và tính toán đơn phương từ phía nhà thầu”. 
[VIDEO] Phóng sự về hầm chui bằng sắt siêu "dị" gần đường sắt Nhổn - ga Hà Nội được Báo Thanh Niên thực hiện tháng 5.2017
Trước đó, tại buổi làm việc với Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Hùng về gói thầu CP03 - hầm và các ga ngầm thuộc tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, đại diện liên danh nhà thầu Hyunda - Ghella đã đề nghị Hà Nội thanh toán chi phí 81 triệu USD phát sinh do lỗi của phía chủ đầu tư, chủ yếu liên quan đến chậm giải phóng mặt bằng.
Ngoài số tiền này, nhà thầu cũng đề nghị được nhận thanh toán tiền cho phần đã thi công do họ đang gặp vấn đề về tài chính và có mặt bằng sớm để tiếp tục thi công.
“Nếu không có 2 điều này sẽ khó khăn cho tất cả các bên để hoàn thiện dự án theo mục tiêu đề ra”, đại diện nhà thầu nói.
Theo vị này, ngoài ga S9 và S10 đang được thi công; phần ga S11, S12 hiện nhà thầu vẫn chưa nhận được mặt bằng.
Liên quan đến yêu cầu bồi thường, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt Hà Nội chiều 3.4 cũng cho biết, Ban quản lý dự án và tư vấn giám sát đã yêu cầu nhà thầu làm rõ đề nghị theo yêu cầu của hợp đồng.
Cụ thể, Ban quản lý dự án và tư vấn đã yêu cầu nhà thầu phải lập kết hoạch thi công tổng thể, trên cơ sở đó mới xác định được các sai khác so với ban đầu và phải có báo cáo rõ ràng về thiệt hại, chi phí phát sinh, cơ sở tính toán để có cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền. 
Gần đây nhất, Ban quản lý dự án đã yêu cầu nhà thầu có báo cáo về tổng tiến độ: trước đây thi công bao nhiêu ngày, hiện thi công bao nhiêu ngày và cơ sở tính toán, chi phí phát sinh. 
Nhà thầu cũng được hướng dẫn các văn bản pháp lý hiện hành của Việt Nam về quản lý chi phí để lập báo cáo.
Trong quy định của hợp đồng và tất cả thông lệ, có 3 cấp để giải quyết tranh chấp trong hợp đồng: một là hai bên trao đổi với nhau, hai là có ban hòa giải và thứ 3 mới ra trọng tài kinh tế. Hiện khoản tiền này mới dừng ở trao đổi ban đầu của 2 bên.
“Nhà thầu cũng chưa chắc chắn về mặt pháp lý. Họ chưa có đủ các bằng chứng, căn cứ và chúng tôi đã yêu cầu nhà thầu làm rõ. Đây không phải lần đầu tiên, trong quá trình triển khai dự án họ đã có nhiều lần ra yêu cầu như thế này”, vị này cho biết.
Được biết, Ban quản lý dự án đường sắt Hà Nội cũng sẽ có văn bản báo cáo UBND TP.Hà Nội về vấn đề trên.
Liên quan đến tiến độ, Ban quản lý dự án cho biết, nhà thầu đã có chuyển biến tích cực từ nửa sau 2018, đặc biệt sau khi có cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo TP.Hà Nội và lãnh đạo nhà thầu.
Hiện, nhà thầu đã mở được 3/5 công trường để có thể triển khai theo đúng cam kết thay đổi phương án thi công là triển khai từng phần; cuối tháng 4 sẽ mở công trường ga S12 và mở công trường ga S11 vào tháng 6 sau khi có mặt bằng.
Quá trình triển khai, ngoài chậm trễ do khách quan về vướng mắc trong giải ngân cũng như mặt bằng, thì việc chậm trễ cũng có trách nhiệm thuộc về nhà thầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.