img
Nhà thiết kế thời trang Công Trí: “Hơn cả thời trang, là thần thái” - Ảnh 1.

Nhà thiết kế thời trang Công Trí: “Hơn cả thời trang, là thần thái” - Ảnh 2.

Phải thú thực rằng, khi "lên đồ" để đi phỏng vấn anh, tôi quả thật hơi bị áp lực, cảm giác sẽ có một cái kính hiển vi soi mình từ đầu đến chân cho mà xem! Tôi lo thế, liệu có thừa?

Vậy mà tôi lại không hề nhìn thấy dấu hiệu "lo lắng" đó ở bạn, thậm chí nó còn giúp tôi đoán được một phần tính cách của bạn. Điều đó chứng tỏ bộ quần áo đã được lựa chọn thành công: Nó khiến bạn cảm thấy thoải mái, hay ít ra, không làm lộ ra sự tự ti của "thân chủ".

Thật ra, càng mắc "bệnh nghề nghiệp", thì lại càng muốn được nhìn thấy một cái gì vượt lên trên đó, thứ mà nhà tạo mẫu không thể tạo ra và mang tới cho bạn. Đó chính là thần thái. Hơn cả thời trang, đó chính là thần thái.

Ở thời điểm hoang mang chưa tìm thấy cơ hội mới sau vai diễn đầu tay nặng ký, lại còn không được mời dự thảm đỏ LHP dù sắm vai nữ chính, Lan Ngọc từng cay đắng nói với tôi rằng: "Khinh hay trọng, trong cái nghề này, nhiều khi chỉ qua một bộ váy".  Công hay tội của một nhà thiết kế, qua câu nói đó?

Vậy chứ Lan Ngọc nói câu đó khi cô ấy nhiêu tuổi? Vào lúc mới nổi tiếng đúng không? Thường một cô diễn viên mới nổi thì chưa chắc đã có thần thái ngay đâu. Còn khi người ta nổi tiếng lâu rồi, đủ tự tin rồi, thì nhiều khi người ta chỉ cần bận một bộ đồ thật là đơn giản thôi, cũng vẫn có thể toát lên thần thái. Nhưng biết đâu cũng vì chút "hờn tủi" đó mà Lan Ngọc mới càng có động lực khẳng định mình và mới có được ngày hôm nay. Tôi tin là nếu giờ bạn phỏng vấn lại Lan Ngọc, chắc chắn cô ấy sẽ nói khác đấy!

Nhà thiết kế thời trang Công Trí: “Hơn cả thời trang, là thần thái” - Ảnh 3.

"Chiếc áo không làm nên thầy tu", nhưng "chiếc áo cũng có thể tạo nên một… người tù", vì những "nô lệ thời trang" của nó, anh có nghĩ thế?

Mặc dù tôi làm về thời trang nhưng tôi vẫn phải nhắc lại rằng, quan trọng nhất vẫn phải là thần thái. Có nhiều người mặc đồ hiệu nguyên cây mà cũng đâu có sang đâu! Chiếc áo có làm nên bạn không, trước hết vẫn phải do chính bạn. Có câu:  "Quen sợ dạ, lạ sợ áo quần". Nhưng tôi không có sợ "áo quần". Đứng trước một cô gái lạ, điều đầu tiên và trên hết mà tôi chú ý không phải là áo quần mà là thần thái, là cái cách họ "át vía" mình khi họ nhìn mình, trò chuyện với mình, truyền năng lượng cho mình… Khi mình mới gặp một người, mình thật ra đâu biết họ làm nghề gì, có thành đạt hay không, nhưng cái thần thái người ta tự tin, cách người ta nói chuyện vui vẻ, thì tự dưng mình thấy mình bị lôi cuốn và ít nhiều bị át vía. Còn như khi mình gặp một cô rụt rà rụt rè, cứ đứng lên đứng xuống, nhìn qua nhìn lại, không nói gì hết trơn, thì lúc đó, cô đó mới dễ bị đánh giá, chứ đâu phải do bộ đồ cô ấy mặc.

Bằng thần thái, bộ quần áo kể cả chưa đẹp cũng tự dưng bắt sáng. Lúc đó sẽ không có cái đúng sai nào ở đây cả. Thời trang đôi khi không thể nói chuyện đúng sai, một khi thần thái của người ta đã quá đủ để bao trọn. Tôi thích một người phụ nữ có khả năng "át vía" theo kiểu đó.

Nhà thiết kế thời trang Công Trí: “Hơn cả thời trang, là thần thái” - Ảnh 4.

Trước khi thuộc về giới thượng lưu và được các đơn đặt hàng từ Hollywood tìm tới, anh có từng tò mò về thế giới đó?

Trước tò mò, giờ… lại càng tò mò hơn. Vì tôi chưa bao giờ thuộc về giới thượng lưu đó cả, chưa bao giờ thuộc về thế giới hào nhoáng đó, tôi chỉ là người phục vụ thế giới đó mà thôi. Ngày sinh viên, tôi từng đánh liều mò lên cái Rooftop Bar trên tầng 9 khách sạn Caravelle, rón rén kêu đúng một ly nước rẻ nhất nằm cuối menu, chỉ để xem xem cái giới thượng lưu ấy, họ nghe loại nhạc gì, nhảy đầm ra làm sao, ăn mặc như thế nào, tiêu tiền kiểu gì…, nói chung tôi tò mò dữ lắm! Kể cả sau này, mỗi lần đi nước ngoài về, được tận ngắm những store của các thương hiệu "khủng", lại tưởng đâu mình có thể… trầm cảm tới nơi vì thấy bao nhiêu cố gắng hồi giờ của mình cùng lắm cũng chỉ là hạt cát so với sự khổng lồ của họ. Nhưng tôi được cái rất có tài… an ủi bản thân. Kiểu như, mất tiền thì "của đi thay người", mất tình thì "đen tình, đỏ bạc", mất cơ hội thì "cánh cửa khác mở ra"… Đấy, nên là, nghĩ đi, sao chứ, thương hiệu người ta có cả trăm năm, sao mình bì được, mắc chi bày đặt "trầm cảm"! Chưa kể, mình còn là tay ngang, đâu có qua trường lớp đào tạo nào về thời trang đâu! Ừ thì người khác có 10 đồng, họ làm được thế là đúng quá rồi, đây mình chỉ có 1 đồng, thì mình làm được nhiêu đây cũng là tốt rồi. Có những đường may tinh vi, người ta có máy xịn, người ta may ra được thế thì là hiển nhiên rồi; đây máy móc của mình không xịn bằng, mà mình vẫn may ra được đúng cái đường may đó, thì mới là!

"Trí khôn của Công Trí" là thế đó. Sâu sắc là hắn, nông cạn cũng là hắn.

Anh nông cạn tới cỡ nào?

Là đôi lúc khiến bạn bè phải trố mắt hỏi: "Ủa, tới tầm này rồi mà còn nghĩ thế hả?". Nhưng ngớ ngẩn đôi lúc cũng hay. Nó giống như cái cảm giác tìm được tờ bạc lẻ bỏ quên trong tấm áo cũ của mùa đông năm trước vậy. Nó có thể nhàu nhĩ, nhưng nó làm mình vui biết bao!

Mẫu người nào thường khiến anh nghi ngại?

Tôi không thích một người có quá nhiều lớp áo.

Nhà thiết kế thời trang Công Trí: “Hơn cả thời trang, là thần thái” - Ảnh 5.

Một cái túi che ngang bụng, đấy có phải là dấu hiệu của sự… thiếu tự tin không?

Ờ đúng, tôi làm vậy để che bụng béo đó!

Ô, béo là dấu hiệu của… thành đạt mà?

Của… sự lơ là.

Nhớ có lần tới phỏng vấn Thanh Lam, vào ngày đầu tiên diva bước sang tuổi 40, tôi thấy chị ấy mặc một chiếc áo vàng rất rực rỡ. Lam bảo, thường, chị ấy chọn đồ theo tâm trạng. Và cái sắc vàng ấy, ngày hôm ấy, nó làm chị ấy vui, cũng có thể để "trấn an", cho một âu lo mơ hồ nào đó…

"Mặc đồ theo tâm trạng" hả, đó cũng là một ý hay mà không phải ai cũng làm được. Vì tâm trạng của phụ nữ tầm tuổi đó thường rất hay thay đổi thất thường, người phụ nữ nếu không có gu ăn mặc, không biết cách lựa đồ mà thay đổi liên tục như thế, không khéo là loạn lên. Thanh Lam, thì thực sự là tôi thấy ở ngoài mặc hay chứ, trông rất trẻ, nhiều khi bả phối cái này với cái này nghịch nghịch trông vui, gặp và nói chuyện rất là thích.

Thường những cuộc mà tôi không mấy tự tin, tôi sẽ lựa đồ đen trắng. Đen - trắng chưa chắc đã đẹp, nhưng chắc chắn sẽ không sai, đúng không?

Chưa chắc! Đen trắng vẫn có thể sai. Nhiều cô đi ăn cưới tự dưng diện một bộ đầm đen, xong cài một bông trắng nguyên con, sao không sai được, sai quá đi chứ! Hoặc nguyên một cái đầm trắng dài, vào không biết ai là cô dâu, trời, sai quá là sai luôn!

Vậy, anh thường mặc đen – trắng vì sao, không lẽ cũng vì tâm trạng?

Tôi thì khác, tôi lại mặc để… tạo ra tâm trạng. Đen – trắng thường mang tới cảm giác yên tâm. Tôi có cảm giác khách hàng của tôi thích tôi mặc như vậy, thích cái cảm giác yên tâm đó, trước khi họ lựa đồ và quyết định xuống tiền.

Nhà thiết kế thời trang Công Trí: “Hơn cả thời trang, là thần thái” - Ảnh 6.

Liệu có thể hỏi khó một người chuyên về phân khúc thời trang cao cấp, hơn thế, còn là lựa chọn của không ít sao Hollywood, Grammy…, cách thế nào để… không cần "đắt" cũng có thể "xắt ra miếng" được không? (Đừng nói với tôi về thần thái nữa nhé, món đó còn khó hơn nhiều!)

Có hai cách mặc nha: một là để người khác nể mình, hai là để được hiểu. Thì lúc đó đơn giản thôi, bạn chỉ cần hồn nhiên bộc lộ cá tính của mình, như một cách giao tiếp trực diện với mọi người, bằng chính bộ đồ bạn lựa. Nó cũng giống như khi bạn bước vào một căn phòng cũ, cả đồ đạc cũng cũ nữa, bạn không rõ nó lấp lánh ở đâu, nhưng tự dưng bạn có cảm giác rất xúc động, vì nó thật, vì cái cách mà bạn "se duyên" âu yếm các món đồ lại với nhau. Và nó toả ra một không khí rất thân thuộc (tôi sẽ không dùng từ "thần thái" để làm khó bạn nữa). Thời trang là mới mẻ, hào nhoáng, nhưng thời trang đôi khi cũng là sự ấm áp, thân thuộc. Theo cách đó, bạn hoàn toàn có thể lựa những bộ đồ giản dị và bắt nó phải làm nền cho những phụ kiện cá tính. Cuộc đời mình muốn lấy gì làm nền cũng được mà, nó là do lựa chọn của bạn mà thôi!

Tác giả "Mặt trời bé con" từng thương những cô bé "vé không có, chẳng ai cho, nên vẫn thường trộm nghe". Vậy chứ anh có bao giờ "thương" những cô gái… không đủ tiền mua những bộ đồ cao cấp của anh không?

Từng có lúc tôi cũng đã nghĩ tới việc sẽ tạo ra một dòng sản phẩm ở phân khúc thấp hơn như một số nhãn hàng mạnh đã từng làm nhưng có thể tôi đang cần thêm thời gian để cân nhắc. Ngay cả với các đơn hàng "khủng", cũng không phải đơn nào tôi cũng nhận, vì còn phải lượng sức mình, có kham nổi cùng lúc được không. Tôi từ chối nhiều đơn hàng lắm. Nó cũng như cách mình vận hành một ngôi nhà thôi, đâu cứ phải cứ sáng ra là mở toang hết tất cả các cánh cửa. Còn phải canh hướng gió nữa chứ! Phải tính được bao nhiêu gió vào nhà mình thì chịu nổi. Giờ U50 rồi, không "liều ăn nhiều" như trước được.

Nhà thiết kế thời trang Công Trí: “Hơn cả thời trang, là thần thái” - Ảnh 7.

Ngoài việc cần quan tâm đến cảm giác của những khách hàng ở phân khúc cao cấp trong cùng một thương hiệu, thì nó còn là tạng tính của mỗi người. Hạ giá thành sẽ đồng nghĩa với hạ chuẩn, đó thực sự là một bài toán khó với một người quá thể cầu toàn như tôi.

Để là mình, đâu cần tới việc tôi thương bạn, mà quan trọng, là bạn thấy thích bạn. Thời trang, bản chất của nó là thế giới hào nhoáng, dành cho những ai yêu thích nó hướng đến, còn người không thích có thể lùi ra và bỏ qua mà, sao đâu! Xét cho cùng, mỗi chúng ta đều có thể toả sáng theo cách của mình, cách mà không một nhà tạo mẫu nào có thể thiết kế giỏi hơn bạn!

Nhà thiết kế thời trang Công Trí: “Hơn cả thời trang, là thần thái” - Ảnh 8.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.