Trong cuốn sách tựa đề 108 phi công chiến đấu Việt Nam, nhà thiết kế Từ Phương Thảo (con của Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Từ Đễ) bày tỏ: “Trân trọng và biết ơn, đó là thái độ sống và suy nghĩ của chúng tôi khi thực hiện cuốn sách ảnh này trước quá khứ hào hùng, trước những chiến công và mất mát, trước cả những vinh quang thầm lặng của thế hệ vàng phi công Không quân nhân dân Việt Nam”. Cuốn sách được ra mắt vào ngày 14.12.2022 cùng một hội ngộ các thế hệ vàng của phi công chiến đấu, và triển lãm ảnh chân dung 108 phi công chiến đấu Việt Nam nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Đại diện cho những người thực hiện, nhà thiết kế Từ Phương Thảo đã có những chia sẻ.
Được biết ý tưởng hình thành cuốn sách 108 phi công chiến đấu Việt Nam là dự án được ấp ủ từ lâu, chị có thể chia sẻ câu chuyện thực hiện tác phẩm này?
Tôi có điều kiện tiếp cận nhiều tài liệu về sách, báo, những bản lưu hành nội bộ về không quân Việt Nam. Khi đọc xong, tôi tự hỏi mình chỉ biết các bác, các thế hệ cha anh trên trang giấy, thế còn hình ảnh, hình dung về những phi công chiến đấu ấy thì thế nào? Trừ những nhân vật nổi tiếng, báo chí đăng nhiều, còn lại có rất nhiều người tôi chỉ được nghe ba tôi kể, nghe qua tên. Từ đó tôi mới hỏi ba tôi liệu có thể lập danh sách và dựa trên đó tôi sẽ đi thực hiện loạt ảnh để kể chuyện về những người hùng của lực lượng không quân Việt Nam.
Báo chí viết về các anh hùng không quân nhiều, khi thực hiện cuốn sách, điều chị hướng đến là gì?
Tôi và Ngô Nhật Hoàng (nhiếp ảnh gia) muốn người đọc tiếp cận một hình ảnh về phi công chiến đấu ở góc nhìn rất đời thường. Trong lúc thực hiện, ngay chính bản thân tôi cũng bị hấp dẫn bởi trí tò mò về điều đó. Có nhiều bác đã từ lâu mất liên lạc với đồng đội, ít giao tiếp và không thích chụp hình, cũng do muốn giữ lại hình ảnh oai hùng của mình ngày trước, nên chúng tôi cũng phải cố gắng thuyết phục để các bác đồng ý xuất hiện, đây là lần đầu tiên, và cũng có thể là lần cuối.
Xuất thân trong gia đình anh hùng không quân, hẳn chị có nhiều lợi thế khi thực hiện dự án này?
Tôi có nhiều lợi thế, từ hồi 11 - 12 tuổi thường được ba đưa vào trung đoàn không quân chơi, tôi nghịch lắm nên sau hơn 30 - 40 năm gặp lại, nhiều bác nhận ra tôi ngay nên công việc rất thuận lợi và suôn sẻ. Ba tôi cũng là người trong ban cố vấn, giúp tôi liên lạc đến các đồng đội cũ. Phối hợp công việc với tôi là nhiếp ảnh gia cũng là người có tình cảm với người lính, nên mọi việc thực sự dễ dàng.
Cuộc sống một người lính khi rời xa phi đội, rời máy bay chiến đấu để sống bình dị bên gia đình, chị nhận ra điều gì thú vị từ họ khi tiếp cận?
Mọi người đều cho rằng công việc làm phi công chiến đấu rất bình thường, như bao công việc khác, từ chuyện bay, huấn luyện, chiến đấu… là bổn phận hằng ngày của người lính, chỉ người dưới đất ngước lên nhìn thấy ồ à; còn các bác là thế, họ coi đây là nhiệm vụ chứ không coi là cao trọng. Các bác sống rất khiêm tốn, không ai đề cao mình, chẳng khẩu hiệu, và rất nhẹ nhàng, dí dỏm, bình dị.
Điểm tương đồng nơi người lính không quân trong cuốn sách chị thực hiện là gì?
Họ ra đường không ai biết, cho dù là cấp tướng, cấp tá, khi về nhà lại là người đàn ông của gia đình, chăm việc nhà, hiền và bình dị, bị con cháu hành đủ điều nhưng chẳng bao giờ phàn nàn, luôn cười tươi.
5 năm cho việc thực hiện một cuốn sách ảnh, chị cảm thấy thời gian ấy có đủ?
Tôi và Hoàng bắt đầu thực hiện dự án từ 2017, với dự tính sẽ hoàn thiện trong năm 2022 để kỷ niệm 50 năm chiến thắng B-52. Tiếc là trong 2 năm đại dịch Covid-19, một số nhân vật chưa kịp đến thực hiện thì các bác đã ra đi. 108 phi công chiến đấu chỉ là bước khởi đầu, tôi sẽ tiếp tục dự án này tiếp sau cuốn sách bởi lực lượng phi công qua các thời kỳ còn rất nhiều.
Trong số 108 nhân vật với 108 câu chuyện khác nhau, có nhân vật nào khiến chị xúc động khi diện kiến?
Là trường hợp phi công chiến đấu Phan Điệt, hiện đang sống ở Vinh, bị liệt đôi chân. Trước khi gặp, tôi nghĩ bác là thương binh, đi xe lăn 55 năm rồi thì thần thái sẽ buồn, nhưng khi gặp lại hoàn toàn bất ngờ vì bác cực khỏe về thần sắc, tươi tỉnh, đẹp trai, cao gần 1,8 m. Bác Phan Điệt bị liệt từ năm 24 tuổi, quân hàm trung úy, khi vừa bắn rơi 1 chiếc F-4 của Mỹ, liền bị máy bay khác bắn trả nên trúng đạn, bung dù độ cao thấp nên tiếp đất sớm và liệt nửa thân người. Nhưng bác rất lạc quan, chẳng than trách ai, tự tay gây dựng gia đình, nhà cửa khang trang, con cái thành đạt, nhờ vậy khi gặp chúng tôi cũng bớt lo lắng hơn và thực sự cảm phục tinh thần mạnh mẽ ấy. Bác ấy quá xuất sắc.
Cuốn sách hoàn thiện, điều gì khiến chị tâm đắc?
Là gặp được những người chưa từng được truyền thông nhắc đến. Tôi và nhiếp ảnh gia phối hợp ăn ý, hiểu được việc, trong lúc thực hiện hình ảnh không sắp đặt quá nhiều, có sao chụp vậy, nên độ chân thực và tính tư liệu cao. Nội dung thể hiện bao gồm cảm nghĩ của nhân vật, cả hồi ức về họ qua lời kể đồng đội, không chỉ là những trận đánh lịch sử của phi công tiêm kích mà còn những phi công chiến đấu thầm lặng khác ở thời chiến, những giáo viên dạy bay và cả những phi công chiến đấu thuộc thế hệ kế thừa hôm nay.
Miêu tả một người lính chỉ với một hình ảnh và một trang nội dung hẳn là khó vì bản thân mỗi người cũng đủ cho cả một tác phẩm, chị và nhiếp ảnh gia mong muốn biểu đạt điều gì?
Tôi xem tất cả những người lính phi công là anh hùng, họ ngồi lên máy bay chiến đấu, xuất kích… là hình ảnh đẹp và cho dù tiếp xúc với tướng anh hùng hay trung úy phi công, cảm giác ban đầu luôn giống nhau. Cuộc sống, câu chuyện, phong thái của các bác làm tôi quên hết tước vị của họ khi được đối diện từng con người cụ thể.
Thực hiện cuốn sách, hẳn có nhiều kỷ niệm đẹp, chị có thể chia sẻ một vài kỷ niệm ấy trong quá trình làm sách?
Khi đến nhà các bác thực hiện phần hình ảnh, tôi phát hiện ra có những người chẳng còn quân phục vì ra quân sớm quá, có bác thì nghèo quá bán hết nên khi chụp không còn lưu lại quân phục trong nhà, đành chọn mặc đồ bình thường. Có những người quân phục, áo bay còn nguyên tem, nguyên nơi sản xuất từ Liên Xô cũ, nguyên nếp gấp, mới tinh, chúng tôi để nguyên như thế khi thực hiện hình ảnh.
Gặp gỡ các phi công chiến đấu và các anh hùng ở đời thường, chị học được gì từ họ?
Khiêm tốn là điểm đầu tiên, và rất đúng giờ, các bác đều chuẩn chỉ theo tác phong quân đội. Đúng giờ hẹn là các bác đã mặc sẵn đồ chờ rồi, không nói nhiều mà tuyệt đối nghe theo “chỉ đạo” của đạo diễn hình ảnh, kể cả có bác là trung tướng, thượng tướng… Làm việc với bộ đội, tôi học được phong cách đấy.