'Nhà thơ ẩm thực' Hồ Đắc Thiếu Anh: 'Ăn chay vọng mặn thì ăn mặn cho khỏe'

25/08/2018 12:21 GMT+7

"Nếu tâm không tịnh, lòng không thành thì ăn chay mãi cũng vô nghĩa", đó là chia sẻ của bà Hồ Đắc Thiếu Anh, một nhà thơ nữ đồng thời là một nghệ nhân ẩm thực tài hoa, chuyên về các món chay cung đình Huế.

Có mặt tại nhà riêng của nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh trên đường Nguyễn Công Hoan (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), chúng tôi rất bất ngờ bởi một người Huế xa quê gần 50 năm vẫn giữ được chất giọng Huế ngọt ngào. Bộ áo dài xanh dương bà đang mặc, cách vấn tóc để lộ vầng trán cao hay từng cử chỉ khoan thai... tất cả đều toát lên khí chất của một phụ nữ Huế đoan trang.
VIDEO: Chuyên gia ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh nói về việc ăn chay
Thực hiện: Lê Nam - Lưu Trân
Nhà thơ cho biết, bà sinh ra trong một gia đình thấm nhuần tư tưởng Phật giáo và từ nhỏ đã được cha mẹ tập cho ăn chay và tụng kinh sám hối, trì chú Đại Bi. Có lẽ những tháng ngày thơ ấu được sống với gia đình nơi quê hương đã hình thành trong bà một tình yêu sâu sắc với xứ Huế, với ẩm thực Huế, đặc biệt là ẩm thực chay cung đình.
Ở tuổi U60, bà vẫn giữ được nét đẹp đoan trang, đài các của người phụ nữ cố đô Huế Ảnh: Lê Nam
“Tôi tốt nghiệp đại học kinh tế nhưng lại chọn thơ văn để lập nghiệp. Từng câu chữ trau chuốt là cách tôi yêu quê hương và tôn trọng độc giả. Rồi tôi lại đem thơ văn vào trong ẩm thực, dạy nấu ăn bằng cách kể về câu chuyện riêng của từng món. Ngay từ khi tôi còn trẻ, nhiều người đã gọi cách tôi theo đuổi đam mê là dấn thân bất chấp, còn tôi lại gọi là… sống trọn”, nghệ nhân tâm sự.
Người Huế... "ăn bằng mắt"
Chưa bàn đến chuyện ăn mặn hay ăn chay, khi nói về ẩm thực Huế thì yếu tố đầu tiên mang tính quyết định sự thành công của món ăn chính là cách trình bày. Vậy mới có câu “người Huế ăn bằng mắt” trước khi thưởng thức hương vị.
Ẩm thực Huế bắt nguồn từ món ăn cung đình, theo lời nữ thi sĩ dòng họ Hồ Đắc, mỗi bữa ăn của vua có thể lên đến 50 món, nhưng mỗi món chỉ có 3 miếng và thường là “vua không ngự thiện hết mà chỉ dùng mỗi món một ít thôi”.
Theo bà Thiếu Anh, thói quen ăn chay ở Huế đã có từ lâu đời và phổ biến rộng rãi trong dân gian. Hầu như phụ nữ Huế ai cũng biết nấu món chay. Khi có khách đến thăm nhà, phải là người được quý mến, kính trọng lắm thì chủ nhà mới làm món chay để tiếp đãi.
Món chay ở Huế rất phong phú và đa dạng và nét đặc trưng nhất là mỗi món ăn đều đòi hỏi sự tỉ mẩn từ khâu chọn nguyên liệu, chế biến cho tới bài trí. Người Huế coi nấu ăn như đang tạo ra một tác phẩm nghệ thuật, dù đó là món ăn dân dã hay quý phái.
Có thể nói ẩm thực cung đình Huế là đỉnh cao của nghệ thuật ăn uống Việt Nam, thể hiện sự tinh túy, cầu kì, trang nhã và thanh cao, đầy sức cuốn hút Ảnh: Lê Nam
Người Huế có quan niệm món chay phải được chế biến với sự cân bằng của ngũ hành, ngũ vị, âm dương hài hòa. Bà Thiếu Anh giải thích: “Ngũ hành là có 5 màu sắc, ngũ vị là có 5 vị như chua, cay, mặn, ngọt, đắng... Khi các nguyên liệu được kết hợp đúng như vậy sẽ cho ra món ăn ngon, đủ chất dinh dưỡng. Sự hài hòa như tự nhiên chính là nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Huế”.
Ăn chay trong tháng 7 có thật sự tốt hơn những tháng khác?
Ngoài ý niệm tôn giáo thì người ăn chay còn giữ được tâm hồn thanh tịnh, đẩy lùi phiền não khổ đau và nuôi dưỡng tình thương, ăn chay cũng là một cách để bảo vệ môi trường và cải thiện sức khỏe.
Đạo làm thơ, đạo làm bếp, đạo làm người của bà gắn kết nhau trong một thể thống nhất, thúc đẩy và bổ sung cho nhau, hợp nhất thành một chữ Tâm Ảnh: Lê Nam
Song, trên thực tế rất nhiều người “nói không với món chay” bởi họ cho rằng “ăn chay không đủ dinh dưỡng và việc nấu nướng quá mất thời gian. Chỉ nên ăn chay vài ngày trong tháng 7, hay có thể là ăn nguyên tháng để thể hiện sự hiếu thuận của mình đối với cha mẹ là được. Những tháng khác ăn chay là không quan trọng”.
Nhà thơ xứ Huế phân tích: “Thực ra ăn chay rất bổ dưỡng, quan trọng là cách mình lựa chọn nguyên liệu để kết hợp tạo ra món ăn có giá trị dinh dưỡng cao. Món chay cũng không cần phải chế biến cầu kỳ, chỉ cần mình biết cách tổ chức, sắp xếp quy trình một cách khoa học thì sẽ nấu rất nhanh và ngon”.
Bà cũng nhấn mạnh, trong Phật giáo, việc ăn chay có nghĩa là yêu thương chúng sinh, muôn loài, không sát sinh, không sân si thù hận. Chính vì vậy nên vào dịp rằm tháng 7 âm lịch, cũng là mùa Vu Lan báo hiếu, nhiều người đã chọn cách ăn chay để tích lũy phước đức, hồi hướng cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên.
Nếu ăn chay mà lòng không chay, tức là không biết ý nghĩa của việc ăn chay Ảnh: Lê Nam
“Tuy nhiên, thời gian ăn ngắn hay dài ngày còn tùy vào sức khỏe và điều kiện của mỗi người. Báo hiếu cha mẹ là từ cái tâm, có người không bao giờ ăn chay nhưng luôn luôn hiếu thuận với đấng sinh thành. Lại có không ít người nguyện ăn chay nhưng tâm thì miễn cưỡng, đặc biệt là những người ăn chay mà vọng mặn. Món chay với đủ hình giả mặn như thịt gà, thịt heo, thịt bò, hải sản... Nếu đã vậy thì thôi ăn mặn luôn đi cho nó khỏe. Đức Phật có dạy, phát nguyện ăn chay thì thân, khẩu và ý phải thanh tịnh”, nghệ nhân Hồ Đắc Thiếu Anh cho biết.
Bà Thiếu Anh cho rằng thân tâm an lạc chưa đủ, mà lúc ăn cũng phải thanh tịnh, thanh tao Ảnh: Lê Nam
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.