Khu vực chợ Quán là nơi cư ngụ của người Công giáo từ nhiều đời, đây là xứ họ đạo xưa nhất có từ thế kỷ 17, một số họ đi từ miền Trung vào Sài Gòn trong thời kỳ cấm đạo dưới triều Nguyễn từ thế kỷ 19 cho đến khi người Pháp chiếm Sài Gòn và Nam kỳ trong thập niên 1860.
Ngôi nhà nguyện của Họ đạo Chợ Quán được xây vào năm 1674. Sau này vào năm 1723, linh mục Dòng Tên (Jesuit) Emmanuel Quitaon đến giảng và cải nhà nguyện thành nhà thờ. Hơn 40 năm sau, linh mục thừa sai Guillaume Piguel, tiền nhiệm của giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) từ Cam Bốt [tức Campuchia] và Hòn Đất (Hà Tiên) đến xứ đạo Chợ Quán giảng đạo vào năm 1766. Thừa sai Piguel mất năm 1771, là người truyền giáo của Hội truyền giáo hải ngoại hay còn gọi là Hội thừa sai (Société des Missions-Etrangères) ở Paris đến Cam Bốt và vùng Hà Tiên (Cancao) truyền đạo từ nhiều năm trước đó. Hội truyền giáo hải ngoại ở Paris chia nhiệm vụ truyền giáo cho nhiều nhóm truyền giáo ở mỗi nước, trong đó có Xiêm [Thái Lan], Cam Bốt, Đàng Trong (Mission du Siam, Mission de Cambodge, Mission Cochinchine). Các hoạt động ở những xứ này đã có ít nhất là từ đầu thế kỷ 17. Vùng Hà Tiên, dưới sự quản trị của Mạc Cửu và các đời sau như Mạc Thiên Tứ đã khá dễ dàng cho phép những người theo đạo lánh nạn, một phần họ Mạc muốn có nhân lực để củng cố thế lực. Ở Hà Tiên có nhà thờ do các cha dòng Franciscan từ Manila (Phi Luật Tân - Philippines) thiết lập và ở Hòn Đất có ba nhà thờ và một trường dòng.
Lúc này vào giữa thế kỷ 18, Đàng Trong cấm đạo gắt gao nên một số tín đồ lánh nạn qua Cam Bốt, Hà Tiên và ngay cả sang Xiêm. Ở Đàng Ngoài cũng vậy, các thừa sai Deydier và de Bourges bị bắt giam. Ở Thonol và Pram-bey-chom (hòn đảo trên sông Mekong) gần cung vua ở Phnom Penh, số lượng người lánh nạn càng tăng, thừa sai Piguel cực lực truyền giáo và thiết lập cộng đồng theo đạo ở đây. Giúp cho thừa sai Piguel là thừa sai Levavasseur, từ Macao, đến Bãi Xào, Sóc Trăng, sau đó Cancao (người Việt gọi là Hà Tiên, người Cam Bốt là Péam, và người Bồ Đào Nha gọi là Palme Rinha) và sau cùng Columpé (Phnom Penh, Nam Vang) vào năm 1768. Ở đây vị thừa sai học tiếng Khmer và dịch kinh và Phép giảng 8 ngày ra tiếng địa phương. Ở Hòn Đất, thừa sai Artaud và Pigneau de Béhaine vừa được thả sau khi bị Mạc Thiên Tứ nhốt ba tháng (vì tội che chở cho một người trong hoàng tộc Xiêm) và có thêm thừa sai Morvan, người đi từ Macao cùng với Levavasseur, đến giúp dạy ở trường dòng Hòn Đất. Nhưng một năm rưỡi sau, trường dòng Hòn Đất bị đóng cửa vì trấn thủ Hà Tiên họ Mạc thay đổi chính sách và Piguel phải dời với ý định đi cùng với Levavasseur thiết lập trường dòng ở Poulo Condore (Côn Đảo) nhưng không thành. Piguel và Levavasseur phải trở về Pram-bey-chom, Cam Bốt.
Như vậy khi thừa sai Piguel đến giáo xứ Chợ Quán trước đó vào năm 1766, ông phải lặng lẽ và lén lút vì không khí cấm đạo ở Đàng Trong. Trong tạp chí Bulletin de la Société des missions étrangères de Paris năm 1929 viết về Lịch sử truyền giáo ở Cam Bốt 1552 - 1852 (Histoire de la Mission du Cambodge 1552 - 1852) có nói về thừa sai Piguel như sau:
"Những năm cuối cùng của giám mục Piguel - Chúng ta thấy là giám mục Piguel đã lui về Pram-bey-chom, cố gắng nối quan hệ với các con chiên của ông ở Đàng Trong và đã gởi hai thừa sai giỏi nhất, ông Halbout và ông Boiret đến phục vụ họ. Còn ông, ở vào giai đoạn cuộc sống của ông mà ông phỏng đoán là ở Pháp, do sự không quan trọng của ông, đã được coi như cho về hưu rồi, ông vẫn cố gắng lê lết thân thể yếu của ông trên mọi nẻo đường ở Đàng Trong. Ở Cam Bốt, thời gian ông Piguel làm thừa sai giảng đạo là giai đoạn phát triển mạnh nhất của đạo Ki-tô. Pram-bey-chom trở lại nhiệm vụ phục vụ Chúa dưới thẩm quyền hiền hậu của ông. Còn Thonol thì trở thành nơi lánh nạn của những người tị nạn tôn giáo. Ở Hà Tiên (Cancao), ông đã lập nhiều trung tâm Ki-tô mới, và ngay cạnh những trung tâm này, trường dòng, hòn ngọc của các sứ mệnh thừa sai giảng đạo, cũng có một vị trí xứng đáng quan trọng dưới sự lãnh đạo thông thái và tận tâm của ông Piguel. Chính những người Cam Bốt dường như muốn thức tỉnh khỏi sự biếng nhác thế tục của họ. Ít nhất đó là do sáng kiến chủ động của vị giám mục thánh thiện này mà họ coi là vị thừa sai đầu tiên của họ, và cũng không kém nhờ vào sự chủ động của ông, mà họ từ nay có thể kết hợp ngôn ngữ của họ với những ngôn ngữ khác trên toàn thế giới, trong một hòa nhạc của những bài ca tụng và cầu nguyện mỗi ngày dâng đến ngai vàng của Thượng đế ".
Như vậy lịch sử nhà thờ và xứ đạo Chợ Quán có liên hệ chặt chẽ vào thế kỷ 17 và 18 với Hà Tiên và Cam Bốt. Sau khi giám mục Piguel mất, Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc hay cha Cả) lên thay thế lo việc truyền đạo ở Đàng Trong và Cam Bốt. Pigneau sau đó gặp Nguyễn Ánh ở đảo Thổ Chu năm 1777 và từ đó sự nghiệp truyền đạo của ông gắn liền với cuộc thăng trầm của chúa Nguyễn Ánh, sau này là vua Gia Long (Pigneau mất năm 1799, trước khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua).
Nhà thờ Chợ Quán ngày nay được trùng tu và xây theo kiến trúc Gothic từ năm 1882 đến năm 1896 thì khánh thành. Con đường trước nhà thờ thời Pháp gọi là rue d'Église Choquan (nay là đường Trần Bình Trọng). Trương Vĩnh Ký (Pétrus Ky), một tín đồ Công giáo và nhà thông thái biết nhiều ngôn ngữ, cũng định cư ở vùng Chợ Quán cho đến khi mất. (còn tiếp)
(Trích Kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và nay; tác giả: Nguyễn Đức Hiệp - Tim Doling - Võ Chi Mai; Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM)
Bình luận (0)