Cuộc đời Đặng Đình Hưng là một chuỗi những khổ đau, khốn khó, thậm chí trong nhiều năm ông phải sống ở gầm cầu thang biệt thự 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội), nơi đặt nhiệm sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Chỉ sau khi con trai ông, nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn giành giải cao nhất trong cuộc thi piano quốc tế mang tên Chopin tổ chức tại Ba Lan năm 1980, Đặng Thái Sơn đã dùng tiền giải thưởng mua cho bố mình một căn hộ nhỏ ở khu tập thể Giảng Võ, thì Đặng Đình Hưng mới có chỗ ở tương đối tử tế.
Đặng Đình Hưng bị ám ảnh bởi con số 0 và con số 8. Con số 0 là một hình tròn, con số 8 là một chuyến đi loanh quanh, là cái gì nữa nhỉ?
"Tôi đã tiếp đau thương những nhỏ nhỏ
thường thường
Đã húp ra đi từng bát những nhạt nhạt
mềm mềm và rất ngon".
Những đau thương dù lớn tới đâu, khi đã tiếp rồi thì cũng nhỏ, cũng như những bát gì gì của đời này, dù "nhạt nhạt mềm mềm" ớn ớn kinh kinh tới đâu, khi đã húp rồi thì cũng có thể rất ngon. Đặng Đình Hưng, ở tuổi sáu mươi, đã chấp nhận tất cả.
Và ông đã vượt thoát tất cả. Như trên băng chuyền nhận hàng ở sân bay, những cái vali cứ kìn kìn trôi về Bến Lạ, trôi một cách không cuỡng nổi, tự động, thụ động, như những câu thơ. Những câu thơ trôi giữa ý thức và tiềm thức, giữa nhớ và quên, trôi một cách không cưỡng nổi.
Đặng Đình Hưng đã thoát xác.
"Hễ mua, một cái túi to
Tôi ra đường vồ sẹo".
Những vết thương đã nhảy ra khỏi đời ông, nhảy lung tung trên mặt ruộng sau trận mưa rào, và ông lão sáu mươi hóa thành đứa trẻ, vồ chơi những nỗi đau của chính mình.
"Tôi lại đi, tôi đi đây, chào tôi đi. Vâng tôi chán Bến Lạ. Tôi già rồi. Tôi không làm gì được quyển lịch...".
Có cảm giác nhà thơ chẳng muốn đi đâu cả mà cứ phải đi, dù đích tới đã biết trước, đã chán rồi, nhưng cứ phải đi.
Hiếm có thi sĩ nào diễn tả cái cảm giác bị câu thúc này của thời gian, của dòng đời, cái gánh nặng phải gánh này của số phận, rõ ràng tới mức sờ mó được như Đặng Đình Hưng. Lên vai, vứt, vác, chạy... những động từ cứ đâm sầm vào nhau, hốt hoảng như trong một cuộc di tản, di tản về Bến Lạ.
"Nó cắn một nửa... cắn 3/4 - cắn còn một tị... chỉ một tị nữa thôi. Vào hội đi! Còn một miếng cuối cùng".
Nghĩa là đã một chân hẫng ngoài miệng vực, nghĩa là sắp tiêu tùng, rồi đột ngột, quay trở lại với những thèm muốn thật tầm thường, thật gay gắt: thèm muốn sống cái đời mình, với một chút dịu dàng, một chút ấm nóng:
"Tắm nước nóng cọ bàn chân khô lau cái khǎn không".
Toàn Bến Lạ là triền miên một tiếng nói của cô đơn, vượt qua những rào cản, kể cả rào cản cuối cùng là cái chết. Đó là sự trình bày cả một đời nguời.
"91 lần mất
mất tuột
Ai cũng phải buồn cười
cái chai cũng buồn cười".
Mắt nhà thơ cười ra nuớc mắt, mắt cái chai thì cười... ra rượu thuốc rầy, cái cười ấy đầu độc chính chủ nhân của nó. "Hình như, 91 cược, cuộc, tôi chưa hề 91 lần được...". Nhưng ông đã được một lần:
"Khi ấy tôi còn bé, kiễng chân lên, bắc ghế không cao quá cái hòm nhòm nhòm... miếng ngon ơ đậy lồng bàn".
Miếng ngon x, y, z, miếng ngon nào chả là miếng ngon với tuổi thơ. Đặng Đình Hưng đã được cái trẻ thơ, phải chăng là cái cuối cùng trong ba biến thái tinh thần mà cụ Nietzsche hằng ao ước?
Toàn Bến Lạ là ngấp ngứ, ngây ngơ một tiếng nói đã trẻ thơ hóa, tiếng nói ấy hóa giải cho cả cuộc đời thăng trầm, đau buồn của tác giả, tiếng nói ấy như muốn tìm đường đến với sự đồng cảm của tha nhân, qua con đường trắc trở của những giấc mơ, của đường dây điện thoại bị nhiễu.
Tôi nhớ có lần đến chơi nhà Đặng Đình Hưng, lúc ra về, ông nhắc: "Mình mới mắc điện thoại, nhớ gọi điện cho mình nhé!".
Tiếc thay dạo đó tôi đang ở nhờ những nhà chưa bao giờ biết tiếng chuông điện thoại. Nhưng tôi đoán, ông cần, ông thèm nghe tiếng người, nghe nho nhỏ, xa xa, đứt quãng, ông còn muốn giữ một liên lạc nào đó với thế giới bên này.
Nhà thơ, quả thật nhà thơ, họ có khả năng liên lạc với nhiều thế giới, nhưng có lẽ, liên lạc với thế giới mình đang sống là vui hơn cả, mặc dù không dễ hơn. Con người, hãy để phần người của mình liên lạc với nhau.
Hình như, đó là thông điệp của Bến Lạ, một tập thơ đứng vào hàng cô đơn nhất trong những thi phẩm Việt Nam, cô đơn không hẳn vì hình thức thể hiện, mà cô đơn chính vì nó khát khao những liên lạc, khát khao cực độ.
Khi nghe tin Đặng Đình Hưng mất, rồi mãi sau đó, khi đọc đuợc tập Bến Lạ này do em ruột ông, nhà toán học Đặng Đình Áng in ấn và gởi cho, tôi nghĩ Đặng Đình Hưng không chết, ông chỉ chuyển kênh. Ông đã kịp phát sóng thơ của mình lên vệ tinh địa tĩnh. Và giờ đây, chúng ta có thể nghe được tiếng nói của ông, mà không cần những tiếng gắt gỏng hay mơn trớn của chuông điện thoại.
Sinh thời, nhà thơ Đặng Đình Hưng vẫn giữ cho mình một cái thú khá kỳ lạ: thú nếm… chợ. Người ta chỉ nếm khi… thèm, và Đặng Đình Hưng đúng là có cái thèm ở tầm "vĩ mô": thèm… chợ.
Hãy nghe nhà thơ tả cái thú này trong tác phẩm Ô mai - một bài thơ văn xuôi khá kỳ lạ của mình: "Thú, cực thú! Có lúc mải ngắm và nếm (nếm là đích) anh quên khuấy một cái chén trên tay".
Nghĩa là nhà thơ đi nếm… chợ, trên tay cầm một chén rượu nhỏ, với ý đồ rõ ràng là muốn biến cả cái chợ thành món… mồi nhậu của mình? Thật thế chăng? Nhưng ta thử xem ông "nếm" và "nhậu" cả cái chợ ra sao? "Nếm cả cái chợ không phải dễ. Phải có một động cơ cực mạnh. Thèm. Có thèm mới ăn được. Kiểu nhà thơ, người ta ăn tái". Thì ra, đây là thèm, là nếm kiểu nhà thơ, là ăn tái kiểu nhà thơ. Nó thế nào nhỉ?
"Ăn tái bình minh ăn tái buổi chiều
ăn (ràu rạu) cả mặt trời"
Và, "chẳng hạn, (thèm) ăn một quả chuông buông giờ".
Một cái thèm thật… siêu hình, phải không?
Thơ Đặng Đình Hưng là như vậy. Bây giờ người ta gọi thơ ấy là cách tân, là đổi mới. Nhưng theo tôi, đó chính là thơ hiện thực, thơ đời sống. Mà đời sống là sự cách tân lớn nhất, phải không ạ?
Cần đọc Đặng Đình Hưng từ ngoài vào trong, rồi đọc từ trong lòng ruột câu chữ của ông rồi đọc ra ngoài như thế, mới thấy thú!
Bình luận (0)