Nhà văn, nhà thơ Việt Nam

Nhà thơ Đỗ Nam Cao, từ xúc cảm tới linh cảm

16/01/2025 09:21 GMT+7

Nhà thơ thứ thiệt bao giờ cũng làm thơ với xúc cảm, dự cảm, linh cảm, với tất cả những gì trong và ngoài mình.

Đỗ Nam Caonhà thơ như vậy.

Đó là một giọng thơ khẽ khàng, dịu nhẹ, mà lại cứa vào lòng ta đau nhói. Tôi nhớ, ở vài ba năm cuối cuộc đời mình, Cao thường về Quảng Ngãi chơi với tôi. Nhờ chơi thân với các bạn ở Nhà máy lọc dầu Dung Quất, tôi kiếm cho Cao phòng tốt ở khách sạn Dầu khí, khách sạn cao 12 tầng, được coi là cao nhất Quảng Ngãi thời ấy.

Đỗ Nam Cao ở mấy đêm, thích lắm, vì khách sạn nằm sát sông Trà Khúc, đêm đêm có thể nghe… ễnh ương kêu, ban ngày có thể được ăn cá bống kho tiêu, món ăn khiến Cao mê mẩn.

Đỗ Nam Cao là nhà thơ không bao giờ xa được làng quê, dù anh đã từng ở rừng thời chiến tranh, rồi từng ở phố bao nhiêu năm sau giải phóng. Nhưng chính làng quê mang lại món quà lớn nhất cho Đỗ Nam Cao, đó là thơ anh.

Tôi nhớ, ngày chiến tranh Cao có làm thơ, nhưng phải nói thật, hồi ấy thơ anh chưa gây được nhiều ấn tượng, có lẽ do thơ anh hòa cùng "dòng thác thơ chống Mỹ" đang là dòng chính hồi ấy.

Nhà thơ Đỗ Nam Cao, từ xúc cảm tới linh cảm- Ảnh 1.

Nhà thơ Đỗ Nam Cao

ẢNH: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Bao nhiêu năm sau hòa bình, trải qua không ít thăng trầm, đột nhiên thơ Đỗ Nam Cao hay hẳn lên, lạ hẳn lên, mà cũng thân quen hẳn lên. Cái thân quen ấy, có được là nhờ thơ anh "chuyển hộ khẩu" về nhà quê, thân ở phố mà hồn ở quê, nên thơ hay đến kỳ lạ, hay và bất ngờ đến không chịu nổi luôn.

Chính làng quê, thành hoàng ở quê đã phù hộ cho một thi sĩ toàn tòng như Đỗ Nam Cao làm được nhiều bài thơ rất hay, rất cảm động, lại rất… lừng khừng, đúng như tính cách của Cao.

Nhiều bài thơ của Đỗ Nam Cao, tôi đọc mà muốn khóc. Thơ ấy dành cho những người thất lạc, những người lang thang cơ nhỡ, những người mà kim la bàn xúc cảm của mình luôn chỉ về phương quê nhà.

Bài Mùa thu, một trong những bài thơ cuối cùng của Đỗ Nam Cao, cho thấy những linh cảm nhoi nhói của anh về ngày vĩnh biệt trần gian mà anh yêu thương và đau khổ. Nó gợi tôi nhớ đến những bài thơ cuối cùng của Sergey Esenine, nhà thơ Nga vào hàng tuyệt vời nhất trái đất. Thơ Esenine những năm cuối cùng cũng đầy linh cảm, cũng nhìn thấy trước cuộc chia ly trần gian, dù lúc đó nhà thơ mới ngoài 20 tuổi.

Còn ở bài Mùa thu của Đỗ Nam Cao, chữ "linh cảm" luôn được anh nhắc đến trong tâm thế bình tĩnh, khi những lá vàng "chạy trốn" bỗng hết bất ngờ, và giờ chia tay sắp điểm. Khi "mùa thu teo lại", cứ ngỡ thi sĩ buồn lắm, nhưng không phải vậy. Anh chỉ ngạc nhiên, chỉ "sững người" trong thoáng chốc.

Trong mắt tôi nhìn lá vàng chạy trốn

Những khúc ngoặt hết bất ngờ

Sững người không phải thu

Đã có nhiều cái mới hiện ra

Và mùa thu teo lại

Linh cảm xa mãi mãi

Nhưng đoạn thơ linh cảm ấy không khiến tôi bất ngờ. Cái khiến tôi bất ngờ đến ngơ ngẩn lại là hai câu thơ này:

Làm kinh sợ

Một cuộc đời nữa làm sao kham nổi

Đó là sự "kinh sợ" hết sức kỳ lạ, kinh sợ vì nếu phải sống một cuộc đời nữa, thì "làm sao kham nổi". Đó là sự kinh sợ hoàn toàn mang tính triết học, không phải sự kinh sợ bình thường của con người trước cái chết.

Với hai câu thơ này, Đỗ Nam Cao đã vươn tới một cảnh giới khác, và thơ anh nói rõ ràng về một cảm giác không bao giờ rõ ràng ấy, cảm giác nếu phải sống tiếp một cuộc đời thứ hai, như mô tả trong quyển sách Muôn kiếp nhân sinh khiến độc giả Việt Nam mê mẩn suốt hai năm, hai năm đầy tai họa dịch bệnh, đầy chết chóc đau thương.

Linh cảm mùa vĩnh biệt của Đỗ Nam Cao khiến ta nhìn đời sống, nhìn cái chết một cách khác lạ mà thân quen hơn. Và đó chính là bài thơ kỳ lạ của một nhà thơ kỳ lạ, trước khi vĩnh biệt cõi đời. Đỗ Nam Cao mất ngày 8.11.2011 tại TP.HCM.

Tôi còn nhớ, Nguyễn Thụy Kha nói với tôi, trước khi qua đời Đỗ Nam Cao chỉ muốn được nghe lần cuối cùng bài hát Sông Lô chiều cuối năm, do một ca sĩ nghiệp dư hát trực tiếp trước giường bệnh của anh. Và Đỗ Nam Cao đã toại nguyện. Tôi cũng rất thích nghe bài hát đó.

Nhà thơ Đỗ Nam Cao, từ xúc cảm tới linh cảm- Ảnh 2.

Ông Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội chia sẻ những kỷ niệm xúc động về nhà thơ Đỗ Nam Cao, trong buổi tọa đàm về nhà thơ Đỗ Nam Cao - Ký ức còn mãi (năm 2023)

ẢNH: QUỲNH TRÂN

Còn đây, xin giới thiệu bài thơ kỳ lạ Mùa thu của Đỗ Nam Cao tới bạn đọc:

MÙA THU

Đi dọc đường Nguyễn Du

Lẽo đẽo mùa thu theo cùng phố

Một người dắt con chó

Đi cùng

Lính cảm không tốt lành

Linh cảm mất

Mùa thu này khó nhận biết

Nắng gió khác đi

Các cô gái khác đi

Trong mắt tôi nhìn lá vàng chạy trốn

Những khúc ngoặt hết bất ngờ

Sững người không phải thu

Đã có nhiều cái mới hiện ra

Và mùa thu teo lại

Linh cảm xa mãi mãi

Làm kinh sợ

Một cuộc đời nữa làm sao kham nổi

Hà Nội trong đê

Nghiêm mật

Canh phòng

Lũ sông Hồng cuồn cuộn

Cốm mềm mềm

Mùa thu thơm dẻo mãi.

Bài thơ Mùa Thu có thể là lời vĩnh biệt với đời sống cõi này của Đỗ Nam Cao, nó bình thản hơn ta tưởng về những bài thơ trước khi vĩnh biệt cõi đời của nhiều tác giả khác.

Nhưng tôi muốn giới thiệu ở đây một bài thơ vĩnh biệt khác của Đỗ Nam Cao, anh viết khi vĩnh biệt những người lính Gạc Ma giữ đảo Trường Sa tới hơi thở cuối cùng. Theo tôi, đây là bài thơ hay nhất viết về Trường Sa, dù đã có không ít bài thơ viết về đề tài này:

GỬI TRƯỜNG SA

Trường Sa ư? Với ngày thường xa thật

Đảo ở đâu? Tôi có hỏi đâu mà

Điều khốn nạn là chỉ khi máu đổ

Đảo mới gần, mới thật đảo của ta

Các anh cắm ngọn cờ Tổ quốc gió cuồn cuộn

Sóng lừng ngầu bọt bãi san hô

Kẻ muốn nhổ ngọn cờ khỏi ngực

Thì nhận đây dòng máu nóng hực ra

Chính lúc bấy giờ tôi mới hiểu Trường Sa

Hiểu đến xót xa

Tổ quốc là vỏ con ốc biển

Anh nâng niu cất gửi tặng quà

Các anh chết làm gì có mộ

Làm gì có đất cho máu tụ thành hồn

Máu tan loãng thân thể chìm mất dạng

Chỉ còn đảo và cờ Tổ quốc giữa trùng dương

Xin cứ giận các anh ơi, rồi thứ lỗi

Ôi con tôi sao nó bỗng khóc òa

Tôi hôn con ghì Trường Sa vào ngực

Bãi đá ngầm cào rách thịt da.

Một bài thơ viết về Trường Sa với độ khốc liệt hiếm thấy của tâm hồn người viết. Ở đây không có những lời ca ngợi theo kiểu tuyên truyền, chỉ có nỗi đau "cào rách thịt da", chỉ có tình yêu thương tới mức khốc liệt với những người lính đảo Gạc Ma, khi họ đã dùng tới vũ khí cuối cùng là chính dòng máu nóng của mình "hực ra" vào mặt quân thù để bảo vệ từng tấc đảo của Tổ quốc:

Các anh cắm ngọn cờ Tổ quốc gió cuồn cuộn

Sóng lừng ngầu bọt bãi san hô

Kẻ muốn nhổ ngọn cờ khỏi ngực

Thì nhận đây dòng máu nóng hực ra.

Đó là bài thơ của một người kháng chiến cũ gửi tới những người lính đảo hôm nay. Tình đồng đội, nỗi xót thương, lòng cảm phục đã thấm vào máu trong mỗi câu thơ Đỗ Nam Cao. Anh đã thay mặt tất cả chúng ta để viết bài thơ yêu nước khốc liệt này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.