Dù biết anh đã phải chống chọi với căn bệnh ung thư hiểm nghèo qua nhiều năm, nhưng theo dõi những bài viết, những sáng tác mới của anh, tôi nghĩ Du Tử Lê vẫn còn nhiều năng lượng sống.
Tôi yêu quý thơ Du Tử Lê từ khi chưa gặp anh. Năm 2003, khi sang Pháp, tôi đã đọc trường ca Mẹ về biển Đông của Du Tử Lê ở nhà một người bạn tại quận 5 - Paris. Tôi đã khóc. Trường ca ấy viết về cái chết, về đám tang của mẹ Du Tử Lê trên đất Mỹ, nó như một “khúc tưởng niệm” về người mẹ Việt yêu kính của mình, nhưng trào lên trên mỗi dòng thơ là niềm ước mong đau nhói của người mẹ già, mong khi chết nơi đất khách quê người, linh hồn mình được về lại quê nhà, về lại Tổ quốc Việt Nam.
|
Và bây giờ tới lượt đứa con hiếu thảo - nhà thơ Du Tử Lê - cũng đã theo “Mẹ về biển Đông”, trong chuyến đi cuối cùng một đời người.
Thơ Du Tử Lê rất nặng tình. Anh có lẽ là một trong những nhà thơ nặng tình nhất mà tôi biết. Vì tôi cũng là người sống lụy tình, nên chúng tôi từ khi chưa gặp nhau đã đọc được cái tình của nhau. Là một trong số ít nhà thơ Việt nổi tiếng nhất ở Mỹ, dĩ nhiên, trước đó đã nổi tiếng ở Việt Nam, nhưng thơ Du Tử Lê vừa giản dị vừa thuần Việt. Thì chúng ta là người Việt, làm thơ bằng tiếng mẹ đẻ, thì ngôn ngữ mà chúng ta gần gũi nhất, thân quý nhất chỉ có thể là ngôn ngữ Việt. Tôi biết, sức lan tỏa lớn của thơ Du Tử Lê từ hơn nửa thế kỷ nay bắt nguồn từ chính cái tình sâu nặng, từ ngôn ngữ thơ đầy xao xuyến, đầy quyến luyến của anh với những con người, những miền quê thân yêu nhất. Thơ đó đích thực là tiếng lòng của Du Tử Lê, nó thuyết phục chúng ta vì sự chân thành, vì cái tình sâu nặng của một người sống lành hiền và nhẹ nhàng.
Nhiều năm nay, dù bệnh tật, Du Tử Lê vẫn thường xuyên về thăm Việt Nam, thăm những nơi đã gắn bó với anh trong nhiều năm tháng đời người. Nếu Du Tử Lê từng thổ lộ rất thật lòng: “Văn chương đã cứu rỗi tôi trong những ngày luân lạc”, thì chính thơ anh đã cứu anh khỏi những giờ phút đau buồn nhất, khi anh phải sống xa đất nước mình. Trong trường ca Mẹ về biển Đông, Du Tử Lê đã viết:
(biển Đông tiễn mẹ tôi đi
liệu có đón bà về, cửa cũ?
cửa nghìn năm xanh một lũy tre)
tôi nghĩ
không một bà mẹ Việt Nam nào
muốn chết ngoài đất nước”
liệu có đón bà về, cửa cũ?
cửa nghìn năm xanh một lũy tre)
tôi nghĩ
không một bà mẹ Việt Nam nào
muốn chết ngoài đất nước”
Vâng, và tôi hiểu, không một nhà thơ Việt đích thực nào lại không yêu thương đến cháy ruột đất nước mình, quê hương mình. Linh hồn nhà thơ Du Tử Lê sẽ cùng linh hồn mẹ mình về Biển Đông, về lại Việt Nam yêu thương.
Xin vĩnh biệt anh.
Nhà thơ Du Tử Lê từ trần lúc 20 giờ 6 phút ngày 7.10, tại tư gia ở Garden Grove (Mỹ), ở tuổi 77.
Du Tử Lê sinh năm 1942 tại Hà Nam. Năm 1954, nhà thơ theo gia đình di cư vào miền Nam và theo học tại Trường Chu Văn An, rồi Đại học Văn khoa Sài Gòn.
Ông định cư tại Mỹ năm 1975 và có thơ đăng trên nhật báo Los Angeles Times, New York Times. Thơ của ông xuất hiện trên nhiều tạp chí trong và ngoài nước, đồng thời được một số đại học giảng dạy cho sinh viên từ năm 1990.
Gần đây nhiều nhà xuất bản tại Việt Nam đã in các tác phẩm của Du Tử Lê: tùy bút Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời (Công ty Văn hóa Phương Nam ấn hành tháng 4.2017), Mẹ về biển Đông (NXB Hội Nhà văn, tháng 6.2017), tuyển tập thơ Khúc thụy du (Phanbook xuất bản tháng 6.2018), tuyển tập thơ Trên ngọn tình sầu và truyện dài Với nhau, một ngày nào (in lần thứ ba, Saigon Books ấn hành tháng 7.2018)...
Nhiều ca khúc phổ nhạc từ thơ ông được nhiều thế hệ người nghe yêu thích, như Khúc thụy du (nhạc Anh Bằng, phổ từ bài thơ cùng tên), Trên ngọn tình sầu (nhạc Từ Công Phụng, phổ từ bài thơ 67 khúc thêm cho Huyền Châu), Giữ đời cho nhau (nhạc: Từ Công Phụng, phổ từ bài thơ Ơn em)… Trước nhạc sĩ Từ Công Phụng, Ơn em đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc có tên Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau.
Lê Công Sơn
|
Bình luận (0)