Nhà thờ Đức Bà đang được trùng tu như thế nào?

04/03/2020 10:34 GMT+7

Sau hơn 3 năm kể từ ngày khởi công trùng tu Nhà thờ Đức Bà (TP.HCM), hiện nay môt số hạng mục quan trọng của công trình dần hoàn thiện.

Nhà thờ Đức Bà là điểm tham quan mà du khách không thể bỏ qua khi du ngoạn TP.HCM, vì đây là nhà thờ trung tâm của các giám mục giáo phận Tây Đàng trong của Sài Gòn ngày xưa, với lối kiến trúc Roman - Gothic độc đáo, cổ kính.
Nơi diễn ra nhiều nghi thức quan trọng
Theo Tổng giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn Giuse Nguyễn Năng: “Từ lúc khánh thành Nhà thờ Đức Bà vào lễ Phục sinh ngày 11.4.1880 cho đến nay, đặc biệt là trong vòng 80 năm qua, các sự kiện tấn phong đều diễn ra tại đây: Từ lễ tấn phong giám mục cho Đức cha Jean Cassaigne (Gioan Sanh) đến lễ tấn phong giám mục cho Đức cha Giuse Vũ Duy Thống. Rồi tiếp đón các Đức Hồng Y đại diện Tòa Thánh đến thăm viếng Giáo hội Việt Nam: Đức Hồng Y Gregorio Pietro Agagianian, Thứ trưởng Bộ Truyền giáo, đặc sứ của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII nhân dịp đại hội Thánh Mẫu toàn quốc, chủ sự nghi thức làm phép tượng Đức Mẹ Hòa Bình; Đức Hồng Y Roger Etchegaray, đặc sứ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đến chủ sự thánh lễ đồng tế; Đức Hồng Y Filoni công bố quyết định của Tòa Thánh về việc thành lập giáo phận Bà Rịa, giáo phận thứ 26 tại Việt Nam…”

Nhà thờ Đức Bà đang trùng tu nhìn từ trên cao

Ảnh: Tổng Giáo phận Sài Gòn

Tài liệu của Nhà thờ Đức Bà có ghi lại: "Công trình Nhà thờ Đức Bà được tổ chức cuộc thi tuyển thiết kế vào tháng 8.1876 và KTS thiết kế J.Bourard trúng thầu công trình này. Ngày 7.10.1877, Đức cha Isidore Colombert, tên Việt là Mỹ  - Giám mục đại diện Tông tòa giáo phận Tây Đàng trong lúc bấy giờ đã tiến hành làm phép và đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ lớn. Nhà thờ được thi công khá nhanh, khoảng 2,5 năm là xong. Thời kỳ đầu gọi là Nhà thờ Nhà nước, bởi tất cả kinh phí xây dựng đều do nhà nước Pháp cung cấp với số tiền 2.500.000 francs Pháp. Chiều 16.2.1959, Đức hồng y Agagianian làm phép tượng Đức Mẹ tại quảng trường trước nhà thờ nên từ sự kiện này,  nhà thờ có tên gọi là Nhà thờ Đức Bà và quảng trường phía trước được gọi là Quảng trường Đức Bà Hòa Bình.

Công trình đang thi công khẩn trương

Ảnh: Tổng G iáo phận Sài Gòn

Công nhân đang hối hả vào việc mỗi ngày

Ảnh: Tổng Giáo phận Sài Gòn

Đức Tổng đặt viên ngói Marseille trên phần mái ngói được thiết kế theo dạng rẻ quạt

Ảnh: Tổng Giáo phận Sài Gòn

Công trình nhận được sự đóng góp kinh phí rất lớn của bà con giáo dân

Ảnh: Tổng Giáo phận Sài Gòn

Tấm lòng vàng của giáo dân
Nhân đầu Mùa Chay Thánh, cuối tháng 2.2020, Tổng giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn Giuse Nguyễn Năng vừa có thư gởi Quý cha, quý tu sĩ nam nữ, chủng sinh và toàn thể anh chị em giáo dân trong đại gia đình Tổng giáo phận.về việc tiếp tục nhận kinh phí đóng góp trùng tu nhà thờ Đức Bà . Tổng giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn tâm sự trong thư: "Sau khi nhận Tổng giáo phận ngày 11.12. 2019, tôi được nghe kể nhiều câu chuyện cảm động về tấm lòng vàng của anh chị em giáo dân tại TP.HCM, từ các giáo xứ đến các dòng tu, từ các cụ cao niên cho đến các em thiếu nhi, cả những ân nhân ẩn danh nữa…"
Giuse Nhuyễn Năng cho biết thêm: "Trong lần lạc quyên từ thứ tư lễ Tro, đầu Mùa Chay Thánh năm 2019 và kết thúc vào lễ Chúa Thánh thần hiện xuống, cuối mùa Phục Sinh, toàn thể giáo phận đã đóng góp được 31.850.270.000 VND (Ba mươi mốt tỉ tám trăm năm mươi triệu hai trăm bảy mươi ngàn đồng). Ban Trùng Tu đã sử dụng với tinh thần trách nhiệm và hợp lý số tiền anh chị em đóng góp. Thưa anh chị em, công trình trùng tu Nhà thờ Chính Toà Đức Bà sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa, ít nhất là đến cuối năm 2025, vì tu bổ, sửa chữa, nâng cấp một công trình cổ 140 năm tuổi như Nhà thờ Đức Bà của chúng ta là một công việc đầy khó khăn, hết sức phức tạp, mất rất nhiều thời giờ vì không thể làm vội vã được, mà cần phải làm thật cẩn thận".

Mái ngói B1 phía đường Hàn Thuyên

Ảnh: Tổng Giáo phận Sài Gòn

Công nhân tháo các ngói cũ dể thay mới

Ảnh: Tổng Giáo phận Sài Gòn

Nhiều phần rui và mè bị mục nát lộ ra

Ảnh: Tổng Giáo phận Sài Gòn
Được biết trong năm 2019, công trình Nhà thờ Đức Bà đã thực hiện được nhiều công việc: Lắp đặt sàn thao tác cho hệ giàn giáo kết nối giữa hệ giàn giáo của mái Marseille trục 2 - trục 9 tại khu mái vảy cá tầng giữa và tầng thấp B3a, B3b, B4a, B4b, đồng thời thực hiện tháo dỡ ngói cũ và lợp ngói mới Meyer Holsen. Dọn xà bần bên trong mái vòm; Dỡ ngói cũ, rui mè gỗ cũ; Đánh cát, sơn bảo dưỡng, gia cường hệ vì kèo, xà gồ thép, Trắc đạc, Lắp hệ xà gồ thép mới cho trục B3b-B4b và B8b-B9b ở phía Bưu điện TP.HCM; Hoàn thành lắp đặt rui, mè gỗ và lợp ngói mới Meyer Holsen.
Đối với hệ thống máng xối kẽm VMZinc đã lắp đặt kết nối máng xối kẽm trục đứng từ mái Marseille xuống tới mái vảy cá tầng thấp; Đào tạo, hướng dẫn công nhân lắp dựng hệ giàn giáo trong nước và hệ giàn giáo “Allround” Layher; Học, thực hành tại mặt đất lắp dựng giàn giáo; Thi công lắp dựng module hệ giàn giáo; Lắp dựng sàn thao tác bên trong mái Dome của mái Marseille bên trong nhà thờ để tạo mặt bằng an toàn cho thi công thay mới mái ngói; Hoàn thành mặt bằng sàn thao tác bên trong, sử dụng giàn giáo trong nước.

Trùng tu ti mỉ đến từng chi tiết

Ảnh: Tổng Giáo phận Sài Gòn

Quay 3D, lập hồ sơ kỹ thuật của nhà thờ

Ảnh: Tổng Giáo phận Sài Gòn

Lắp đặt kết nối máng xối kẽm trục đứng từ mái Marseille xuống tới mái vảy cá tầng thấp.

Ảnh: Tổng Giáo phận Sài Gòn

Nhà thờ Đức Bà cũng đã thi công, thực hiện đặt hệ giàn giáo khu vực Cung Thánh, phục vụ việc thay mới mái ngói Marseille, mái ngói vảy cá B0, B1, B2, B5 và mái ngói âm dương . Ngoài ra, còn khảo sát xong kết cấu thép của 2 tháp kẽm, kết cấu gỗ của tháp chuông, liên kết giữa tháp kẽm, tháp chuông với tường gạch, kết cấu các khối xây của nhà thờ và sử dụng thiết bị khảo sát chuyên dụng để khoan lỗ thăm dò chất lượng dầm gỗ của tháp chuông. Ngoài ra, còn tiến hành khảo sát, khoan cột tường khu vực chính giữa nhà thờ để lấy mẫu làm thí nghiệm kết cấu bên trong.

Dự kiến công trình còn vài năm nữa mới hoàn thành

Ảnh: Tổng Giáo phận Sài Gòn

Hoàn thành lắp đặt rui, mè gỗ và lợp ngói mới Meyer Holsen

Ảnh: Tổng Giáo phận Sài Gòn
Báo cáo của Ban trùng tu còn cho biết, nhiều công việc quan trọng cũng hoàn thành trong năm 2019: Khảo sát, đo độ ẩm các bức tường khu vực Cung Thánh; Thiết kế, tính toán hệ thống điện cần sử dụng cho các thiết bị máy móc phục vụ công việc trùng tu; Thiết kế, tính toán hệ thống điện cần sử dụng hằng ngày cho nhà thờ và lựa chọn, đặt mua máy phát điện (động cơ Deutz, máy phát Stamford, hệ điều khiển Siemens).
Mới đây nhất, ngày 18.2.2020, công nhân đã tiến hành tháo ngói vảy cá khu vực cung thánh phía đường Hàn Thuyên (mái B1) để trùng tu khu vực mái ngói vảy cá bị hư hỏng nặng nhất, khi rui và mè đều bị mối ăn toàn bộ.
Hy vọng, vào năm 2025, Nhà thờ Đức Bà sẽ hoàn thành việc trùng tu theo đúng tiến độ để một trong những tuyệt tác của Sài Gòn sẽ sớm mở cửa cho du khách tham quan trở lại...
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.