Hoàng Cát học trường Trung cao cơ điện Hà Nội năm 1960, làm cán bộ kỹ thuật tại nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo năm 1963, rồi vào chiến đấu tại chiến trường Thừa Thiên-Huế. Năm 1971, ông ra Bắc vì bị thương, mất một chân, và tiếp tục làm thơ viết văn từ đó cho đến cuối đời.
Ông là tác giả của hơn chục tập thơ và truyện ngắn với nhiều thăng trầm trong cuộc sống.
Cách đây gần 7 tháng, vào ngày 11.12.2023, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm về các tác phẩm của nhà thơ Hoàng Cát với sự chia sẻ của nhiều bạn hữu văn chương. Hoàng Cát vui vẻ đến dự với chiếc xe thương binh chất đầy tuyển tập thơ Cõi người dày cả ngàn trang vừa in tháng 8.2023 của ông. Ông đã đọc thơ, tặng thơ và trải lòng với độc giả thơ, bạn bè về cuộc đời thi sĩ đầy gian truân của mình.
Thời trai trẻ, Hoàng Cát được nhà thơ Xuân Diệu coi như một người em kết nghĩa rất thân thiết và chăm sóc, dìu dắt vào nghề thơ.
Không ít người biết bài thơ Biển nổi tiếng của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu là viết tặng Hoàng Cát: "Anh không xứng là biển xanh/Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng/Bờ cát dài phẳng lặng/Soi ánh nắng pha lê/Bờ đẹp đẽ cát vàng/Thoai thoải hàng thông đứng/Như lặng lẽ mơ màng/Suốt ngàn năm bên sóng…" (Biển). Rồi bài thơ Xuân Diệu viết tặng khi Hoàng Cát lên đường đi bộ đội, sau đó trở về là một thương binh mất một chân: "...Tình ta như mối dây muôn dặm/Buộc mãi đôi chân, dẫu cách vời/Em hẹn sau đây sẽ trở về/Sống cùng anh lại những say mê/Áo chăn em gửi cho anh giữ/Xin gửi cùng em cả hẹn thề/Một tấm lòng em sâu biết bao/ Để anh thương mãi, biết làm sao/Em đi xa cách, em ơi Cát/Em chớ buồn, nghe! Anh nhớ, yêu...".
Sau này, khi nhắc đến cố nhà thơ Xuân Diệu và bạn bè văn chương thời trai trẻ, nhà thơ Hoàng Cát đã ngậm ngùi, trào rơi nước mắt khi biết ơn Xuân Diệu...
Lễ viếng nhà thơ Hoàng Cát bắt đầu vào 10 giờ 30 ngày 4.7 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội; an táng tại nghĩa trang Quán Dền, Nhân Chính, Hà Nội.
Bình luận (0)