Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ trong mắt nhà văn Trần Thùy Mai

06/07/2023 17:03 GMT+7

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cùng gia đình dời vào TP.HCM đã hơn mười năm, nhưng trong ký ức tôi, hình ảnh chị gắn liền với Huế.

Ở Huế, trong suốt mấy mươi năm, có một nơi được xem là một salon văn nghệ, đó là căn hộ của nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường. Các bạn ở Huế thường xuyên lui tới; khách văn chương từ Bắc vào, từ Nam ra, từ nước ngoài về, ai cũng ghé đến thăm. Sở dĩ có cái không khí tụ hội như vậy là vì danh tiếng của hai chủ nhân, nhưng một phần lớn vì nữ chủ nhân Mỹ Dạ là người phụ nữ khả ái, hiếu khách và tốt bụng hiếm có. Dù một trí thức danh tiếng ghé thăm, một sinh viên hâm mộ tìm đến, hay một bạn thơ nghèo cơ nhỡ đến vạ vật… đều được chị tiếp đón và giúp đỡ.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ trong mắt nhà văn Trần Thùy Mai  - Ảnh 1.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ (1949 - 2023). Ảnh chụp khoảng năm 1989-1990, lúc bà 40 tuổi

Gia đình cung cấp

Tôi vẫn nhớ mãi đôi mắt trong và cái nhìn êm ả của chị, nụ cười hồn nhiên mà rất quyến rũ của chị. Như có người từng nói, chị là đàn bà rất mực đàn bà, chị là một cõi miền ngọt lành bình yên vô tận. Nhưng không đơn giản vậy, bởi chị là thi sĩ. Sau vẻ nữ tính đằm thắm ấy ẩn chứa bao nhiêu nghịch tình, nghịch lý của một đời người, một đời thơ. Thơ chị trong trẻo như lời nói, như ca dao, mà ý tình thì sâu lắng, và nhiều khi nặng trĩu day dứt nỗi buồn.

Tài hoa của chị phát tiết rất sớm: 24 tuổi chị đã vụt lên như một ngôi sao khi đoạt giải thưởng thơ của Báo Văn nghệ, với bài thơ Khoảng trời hố bom. Từ đó, cùng với Xuân Quỳnh, Ý Nhi, Phan Thị Thanh Nhàn, chị là một trong bốn nhà thơ nữ được hâm mộ và yêu quý. Thơ chị đi vào chương trình giáo khoa, và nằm trong sổ tay của người trẻ yêu thơ nhiều thế hệ.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ trong mắt nhà văn Trần Thùy Mai  - Ảnh 2.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và chồng - nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, ảnh chụp năm 1973

Gia đình cung cấp

Trời cho chị hơn 30 năm rực sáng trên đường văn chương, rồi căn bệnh Alzeimer quái ác đã phủ bóng lên cuộc sống của chị. Năm 1998, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bị đột quỵ. Sau hơn 10 năm hết lòng chăm sóc chồng, chị Mỹ Dạ cũng lãng trí dần dần. Chị mất dần ký ức, cho đến khi chỉ còn nằm yên, mỉm cười không nói. Vẫn nụ cười rất dịu dàng, đằm thắm, có phần thơ ngây. Vẫn đôi mắt rất yên bình, thoáng vẻ hạnh phúc. Chỉ có điều không còn nhận ra ai, không còn nhớ gì nữa…

Lần cuối cùng tôi đến thăm, chị không còn mở mắt, không còn nhìn tôi với ánh mắt trẻ thơ… Chị nằm yên trong giấc mơ dài bằn bặt. Như nàng công chúa trong rừng, ngủ đến trăm năm mới tỉnh. Bây giờ, chị cũng đã tỉnh rồi, chị tỉnh dậy trút bỏ xác thân buồn phiền để nhẹ nhàng bước sang cõi bên kia.

Chị ơi, hãy ra đi thanh thản. Tôi hình dung lúc bay đi, chị lại mỉm cười, tỉnh táo và nhớ lại hết những kỷ niệm xưa sau. Tôi sẽ không còn dịp gặp lại chị nơi căn hộ chị nằm nữa. Nhưng từ nay khi mùa xuân sang chị sẽ luôn hiện ra trong muôn ngàn lá non mơn mởn, và thì thầm mãi trong tim tôi: "Con người không có tình yêu/ Như trái đất này không có lá…".

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm 1949 tại Quảng Bình. Bà qua đời vào rạng sáng 6.7 tại nhà riêng ở TP.HCM sau thời gian bệnh Alzheimer.

Lễ viếng nhà thơ bắt đầu từ 15 giờ chiều 6.7; lễ tiễn biệt diễn ra lúc 7 giờ 30 ngày 9.7. Linh cữu quàn tại chung cư Samland (lầu 10, phòng 5), 178/6 Nguyễn Văn Thương, phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.