Nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh nói gì về bài thơ 'Bắt nạt' đang gây tranh cãi?

15/08/2021 13:24 GMT+7

Dư luận đang tranh cãi về bài thơ 'Bắt nạt' của nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh được đưa vào sách giáo khoa ngữ văn lớp 6 chương trình giáo dục phổ thông mới . Nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh nói gì về điều này?

Bài thơ Bắt nạt của nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh nằm trong sách ngữ văn lớp 6 (tập 1), thuộc bộ sách giáo khoa (SGK) "Kết nối tri thức với cuộc sống" do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành. Bài thơ được trích từ tập thơ  Ra vườn nhặt nắng của Nguyễn Thế Hoàng Linh (Nhà Xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2017, trang 24-25).
Sau khi được đưa vào SGK, bài thơ đang gây ra những tranh cãi về nội dung, nghệ thuật. Ngay trên Facebook cá nhân của nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh cũng diễn ra cuộc tranh luận gay gắt giữa anh và nhiều người đọc. 
Phóng viên Báo Thanh Niên đã có trao đổi với anh xung quanh câu chuyện này. 
Những ngày gần đây, có nhiều tranh luận xung quanh bài thơ Bắt nạt của anh được đưa vào Sách giáo khoa lớp 6. Thậm chí, nhiều người còn đưa ra nhận xét rất nặng nề là “bài thơ dở nhất thế giới”. Anh có ý kiến như thế nào?
Tranh luận về việc này là rất tốt, giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề của xã hội. Tôi mong mỗi người thu hoạch được nhiều điều đúng và hay sau cuộc tranh luận rộng rãi này để cùng nâng cấp thẩm mỹ.  
Ý kiến tranh luận về bài thơ Bắt nạt bàn nhiều đến “vần điệu” và “nghệ thuật” của bài thơ. Anh có thể chia sẻ về điều này được không?
Những bài thơ đầu đời cách đây gần 30 năm của tôi đã hoàn thiện về vần điệu rồi. Tôi không phụ lòng vần điệu của ca dao, tục ngữ và vô số bài thơ hay đã ngấm vào tôi. Ý thức mỗi ngày đều cầu toàn hơn trong gần 30 năm qua không cho phép vần điệu của tôi kém chất lượng, nhất là trong thơ chọn lọc cho thiếu nhi mà tôi đặt toàn bộ danh dự vào đó. Các yếu tố nghệ thuật khác cũng tương tự, đã là hơi thở. Có logic rõ ràng như vậy trong chuyện này.
Tôi xin viết hoa một số chỗ liên kết âm, vần trong 2 khổ thơ để dễ nhìn ra hơn:
Bắt nạt là xấu lắm
Đừng bắt nạt, bạn ƠI 
Bất cứ ai trên ĐỜI 
Đều không cần bắt NẠT
 
Tại sao không HỌC HÁT
Nhảy HIP HOP cho HAY? 
Thời gian trong một NGÀY
Đâu để dành bắt NẠT”.

Nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh

NVCC

 Theo anh, nên để cho học sinh cảm thụ bài thơ với một tâm thế như thế nào?
Thực tế là không cần tâm thế gì. Rất nhiều trẻ em đã thích thú tự nhiên với bài thơ in trong tập Ra vườn nhặt nắng đã bán hơn 11.000 bản. Hơn 6 năm qua, ở trang bán sách mỗi ngày, tôi không nhận được 1 bình luận hay tin nhắn riêng chê bài Bắt nạt tới  khi bài thơ được đưa vào SGK.

Bài thơ Bắt nạt in trong tập "Ra vườn nhặt nắng" của Nguyễn Thế Hoàng Linh

NXB Thế giới

Vướng vào câu chuyện tranh luận về tính hay dở của một bài thơ. Suy của anh qua câu chuyện này như thế nào?
Nếu tranh luận giúp phát triển thì không nên cấm ai tranh luận dù họ là tác giả hay không, nói về tác phẩm của mình hay không. Đặt quy chuẩn cho sự phát triển năng lực của người khác là không tốt.
Nếu tôi được xem một tác giả tranh luận, ứng xử với hàng nghìn người tràn vào Facebook anh ta với nhiều áp đặt và thủ đoạn tấn công, tôi sẽ rất hào hứng và biết ơn anh ta dành thời gian cho mình xem việc đó.
Nhiều người nói họ thích thú và học hỏi được từ những cuộc tranh luận nhiều thông tin, kiến thức trên Facebook của tôi.
Tôi cũng thu hoạch được nhiều hiểu biết về giới trẻ, có thêm độc giả mới. Tôi thấy mình may mắn và biết ơn khi nhiều độc giả, giáo viên chia sẻ sự yêu mến, hiểu và tin tưởng mình. Nhiều giáo viên chia sẻ với tôi họ đang tích cực chuẩn bị các bài giảng sinh động để các em học sinh cảm thụ tốt và thoải mái với bài thơ.
Cảm giác bị tổn thương không là gì so với cảm giác được tranh luận thú vị về nhận thức, nghệ thuật, được thương yêu và thấy đất nước đang phát triển.
Tôi cũng xin lỗi vì có những lời lẽ chưa đúng mực cũng như một số sai sót trong cuộc tranh luận này. Tôi mong độc giả thông cảm cho áp lực trước một tình huống như vậy và tha lỗi cho tôi. Tôi rất cảm ơn.

Bài thơ giàu “chất văn” và tính nghệ thuật

Theo ý kiến của một số giáo viên tham gia tập huấn SGK ngữ văn lớp 6 của chương trình giáo dục phổ thông mới, thì bài thơ Bắt nạt (tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh, Ngữ văn 6, tập 1, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống) là “bài thơ rất ít chất thơ”, nên “chưa thỏa mãn với tiêu chí của một văn bản văn học”.
Tương tự, mới đây, trong bài viết Băn khoăn về một ngữ liệu dạy học trong chương trình Ngữ văn 6 trên trang vanchuongphuongnam.vn của Hội Nhà văn TP.HCM, tác giả Nguyễn Duy Xuân có nhận xét: “Với bài thơ Bắt nạt, thật khó để giáo viên chỉ ra được“nét độc đáo của bài thơ thể hiện qua từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ” để từ đó “giúp học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ, văn học”.
Tuy nhiên, cần thấy tính hợp lý của văn bản này với đối tượng học sinh lớp 6.
Về nội dung và mục đích giáo dục, đây là bài thơ hay, phù hợp với việc giáo dục trẻ em về nạn bắt nạt tồn tại trong nhà trường từ bấy lâu nay. Bài học này nằm trong chủ đề “Tôi và các bạn” (trước đó là bài Bài học đường đời đầu tiên của Tô Hoài…), nhằm giáo dục học sinh ý thức về bản thân và có những quan hệ tốt đẹp với bạn bè.
Về biện pháp tu từ làm nên “chất văn” của bài thơ cũng khá đa dạng. Các văn bản thuộc môn ngữ văn bậc tiểu học, THCS nên chọn thể thơ ngắn (4, 5 chữ) hoặc lục bát là hợp lý. Chúng ta đã biết đến những bài thơ 5 chữ đi vào ký ức tuổi thơ như Đi học (Minh Chính), Cô giáo lớp em (Nguyễn Xuân Sanh)… Nếu đọc kỹ, ta sẽ thấy bài thơ Bắt nạt rất phong phú về phép tu từ như so sánh, ẩn dụ, câu hỏi tu từ, điệp cấu trúc... Đặc biệt là bố cục rất chặt chẽ, phù hợp tâm lý trẻ thơ; tính biểu cảm, nhân văn cũng rất cao.
Chính vì vậy, để bài thơ Bắt nạt không bị “gò ép khiên cưỡng”, không rơi vào nguy cơ trở thành bài học giáo dục công dân thì rất cần đến vai trò của giáo viên.
Ngọc Tuấn
 
Nguyễn Thế Hoàng Linh (sinh năm 1982), tác giả bài thơ Bắt nạt là nhà thơ có nhiều bài thơ được nhiều người nhớ đến và được nhiều bạn trẻ yêu thích. Anh đã có 7 tập thơ và khoảng 10.000 sáng tác thơ, truyện ngắn, tranh, ảnh, tản văn, bình luận, chơi chữ… trên internet. Tập thơ Ra vườn nhặt nắng được xuất bản lần đầu năm 2015, là tập thơ mới nhất của anh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.