Sáng nay (giờ Đức), vừa mở máy tính tôi bàng hoàng thấy tin nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã từ giã cõi trần chiều 20.3 (giờ Việt Nam) ở nhà riêng tại Hà Nội, thọ 71 tuổi, dù biết ông bị tai biến từ một năm nay.
Mới đây trên giường bệnh, dù đang rất yếu, ông còn nhắn nhủ và mong mỏi: “Muốn văn đàn Việt Nam có nhiều tác giả viết hay hơn nữa. Các bạn hãy dũng cảm lên và viết với Chân - Thiện - Mỹ“.
Thế là nhà văn của Tướng về hưu, của Những ngọn gió Hua Tát, của Kiếm sắc, của Phẩm tiết, của Vàng lửa, Những người thợ xẻ, Con gái thủy thần… đã về miền mây trắng.
Tôi gặp nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lần đầu tiên vào năm 2000 tại Đức khi ông cùng đoàn nhà văn Việt Nam gồm nhà văn Y Ban, nhà thơ Phạm Tiến Duật sang Đức gặp gỡ, giới thiệu tác phẩm. Tiếp sau 17 năm, tại cuộc gặp gỡ “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc“ do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hồi tháng 10.2017, tôi gặp lại nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ông tay bắt mặt mừng! Ở đâu cũng vậy, ông luôn cởi mở, chân tình. Tôi cảm nhận được tấm lòng cũng như những con chữ ấm áp của ông viết ra cho cuộc đời này.
|
Không thể ngờ, lần tôi gặp nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vào hôm mùng 6 Tết Canh Tý (30.1.2020) là lần gặp cuối cùng. Như mọi lần ông dành cho tôi nhiều thời gian để trò chuyện. Hôm ấy tôi còn "phải" ngồi yên để ông hoàn thành những bức chân dung ông vẽ tôi trên gốm.
Nhớ lúc ấy, chỉ sau mấy nét phác họa, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã bật mí: “Sẽ là một chân dung thi sĩ, tôi rất thích, giống như viết xong một truyện ngắn tâm đắc vậy!"
Bên hiên ngôi nhà của ông, không có rượu, chỉ có trà mà chúng tôi như say cả buổi chiều. Trời xanh. Tiếng chim hót. Tiếng gà cục tác bên vườn. Chúng tôi nói về văn chương và đời sống, về hạnh phúc, về đớn đau, về những dấn thân cho văn chương và đời sống của người cầm bút.
Với tôi và có lẽ cũng như với rất nhiều bạn đọc khác, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vẫn hiện hữu giữa cuộc đời này, dù ông đã trở về với cát bụi. Ông hiện hữu trong từng trang văn, trong những con chữ tha thiết tình người và đầy trí tuệ.
Tôi vẫn thấy Nguyễn Huy Thiệp cười trong buổi chiều mùa xuân hôm ấy. Ông cười hồn nhiên và hạnh phúc biết bao! Đó là nụ cười của một cậu bé, một nhà văn, một con người quên mình cho cái đẹp!
Bình luận (0)