Bệnh dịch do phóng uế bừa bãi
Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, trong phân người có chứa nhiều loại mầm bệnh khác nhau, có thể gây các dịch, bệnh đường tiêu hóa (đường truyền phân - miệng). Ô nhiễm môi trường do phân người có thể gây nên các dịch, bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa: tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn; tay chân miệng; giun sán. Các bệnh này là một trong những nguyên nhân gây suy dinh dưỡng trẻ em, nhất là trẻ em dưới 5 tuổi khiến trẻ chậm lớn, tiếp thu kém. Do đó, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi góp phần bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống. Vệ sinh môi trường kém gây hậu quả về mặt kinh tế. Theo Ngân hàng TG: Thiệt hại kinh tế do vệ sinh kém gây ra là 2 triệu USD/ngày, tương đương 1,3% GDP.
Tại VN, Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ước tính còn khoảng 6 triệu người phóng uế bừa bãi. Theo số liệu 2015, tỷ lệ hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu trên toàn quốc là 89,4%. Tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình là 65%. Các khu vực có tỷ lệ đạt thấp: miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, ĐBSCL; vẫn còn 10 tỉnh có tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh dưới 50%. Tỷ lệ bao phủ nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh trạm y tế xã (năm 2015) toàn quốc đạt 93%. Tỷ lệ này thấp nhất là Tây Nguyên (84%), cao nhất là Đông Nam Bộ (100%). Do đó, các chuyên gia khuyến cáo cần chú trọng đến việc duy trì bền vững tình trạng hợp vệ sinh của các công trình vệ sinh trạm y tế
Tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh trường học trên cả nước đạt 91%. Đông Nam Bộ cao nhất với tỷ lệ đạt 100%, thấp nhất là miền Trung (72%), miền núi phía Bắc: 83%. Tỷ lệ trường học có nguồn nước và nhà tiêu hợp vệ sinh là 91%. Thực tế cho thấy cần chú trọng đến việc duy trì bền vững tình trạng nhà tiêu hợp vệ sinh và rửa tay với xà phòng trong trường học.
Các hoạt động thúc đẩy vệ sinh
Các khảo sát thực tế cho thấy rào cản chính trong việc xây nhà tiêu trong các hộ gia đình: nghĩ rằng nhà tiêu là đắt tiền; thiếu thông tin về chi phí các loại nhà tiêu; thiếu hiểu biết về các qui định/chưa tạo được áp lực xã hội. Nhà tiêu không hợp vệ sinh vẫn được xã hội chấp nhận; thiếu nhận thức về lợi ích của nhà tiêu hợp vệ sinh; không muốn vay mượn bởi nhà tiêu là món đầu tư không sinh lợi.
Để gia tăng tỷ lệ người dân hiểu, có hành vi đúng, tăng tỷ lệ các hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT và các Bộ ngành, đoàn thể triển khai các hoạt động truyền thông, vận động xây dựng nhà tiêu hộ gia đình, với sự hỗ trợ kỹ thuật của các nhà tài trợ: UNICEF, Ngân hàng Thế giới…
Đã có các sáng kiến thúc đẩy vệ sinh được triển khai thông qua mô hình vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ; Cộng đồng công nhận chấm dứt đi tiêu bừa bãi…đồng thời, cũng đã có các hoạt động phổ biến kỹ thuật nhà tiêu hợp vệ sinh đến các hộ dân; Hướng dẫn thiết kế và chi phí các loại nhà tiêu hợp vệ sinh; Cẩm nang nhà tiêu chi phí thấp…, có các giải pháp cải tiến kỹ thuật nhà tiêu để giảm chi phí, giá thành xây dựng. Tiếp tục tăng cường truyền thông đến từng nhóm đối tượng; cá nhân, hộ gia đình có và chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh; Các mô hình truyền thông dựa vào cộng đồng, truyền thông dựa trên bằng chứng; truyền thông kết hợp tư vấn, cung cấp thông tin về nhà tiêu hợp vệ sinh; Truyền thông qua các Chương trình và sự kiện (Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, Ngày Thế giới Rửa tay với xà phòng 15.10, Ngày Nhà tiêu Thế giới 19.11…).
Tháng 4.2014, Chính phủ Việt Nam đã cam kết với Liên hợp quốc tại Hội nghị cấp cao lần thứ 3 về Vệ sinh môi trường và Nước cho mọi người, được tổ chức tại Washington, D.C, Hoa Kỳ là: Đến năm 2025 Việt Nam sẽ chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi và đến năm 2030 hầu hết các hộ gia đình đều có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Bình luận (0)