'Nhà trăm mái' thành di tích quốc gia

27/08/2016 07:31 GMT+7

Chiều 26.8, đại diện Bộ Ngoại giao VN đã đón nhận bằng công nhận di tích quốc gia cho Trụ sở Bộ Ngoại giao Việt Nam (số 1 Tôn Thất Đàm, Q.Ba Đình, Hà Nội), công trình hay được gọi là 'nhà trăm mái' và được đánh giá mang vẻ đẹp tiêu biểu của kiến trúc Đông Dương.

Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Trương Minh Tiến đã không thể giấu niềm vui khi cuộc họp góp ý hồ sơ di tích cho tòa nhà Bộ Ngoại giao kết thúc. Không một ý kiến phản đối. Chưa kể, giá trị của tòa nhà mỗi lúc một rõ ràng thêm. Ông Tiến cho hay: “Theo thủ tục, Sở VH-TT Hà Nội làm hồ sơ cho di tích sau khi cơ sở đề nghị. Cơ sở ở đây chính là Bộ Ngoại giao. Họ đề nghị xét di tích quốc gia cho tòa nhà của bộ và chúng tôi làm nhiệm vụ xây dựng hồ sơ giá trị thôi”.
Theo PGS-TS Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư, tòa nhà Bộ Ngoại giao là một ví dụ tiêu biểu về việc kiến trúc Đông Dương đã mang đến cho Hà Nội vẻ đẹp sâu lắng, nét duyên Á Đông tinh tế. Công trình do kiến trúc sư nổi tiếng của Pháp Ernest Hebrard thiết kế. Ông được Toàn quyền Đông Dương từ 1920 - 1922 Maurice Long mời làm giám đốc sở đầu tiên của Sở Kiến trúc - Quy hoạch Đông Dương. “Phong cách kiến trúc Đông Dương thể hiện rõ trong công trình vận dụng những nguyên tắc kinh điển của kiến trúc phương Tây với các yếu tố tạo hình, trang trí bản địa phương Đông”, ông Thông cho biết.
Theo ông Thông, mặt bằng công trình có hình chữ H. Khối chính cao và rộng nhìn ra quảng trường án ngữ trục phố Chu Văn An hội tụ với hai trục phố Điện Biên Phủ và Tôn Thất Đàm ngày nay. Khối sau hẹp và thấp hơn nhìn ra không gian vườn - công viên lớn nay là Bắc Sơn. Tòa nhà có bố cục quy hoạch theo quan niệm “thành phố - vườn” thịnh hành thời bấy giờ. Nó cũng cho thấy kiến trúc sư Ernest Hebrard chịu ảnh hưởng rõ rệt của nghệ thuật thiết kế đô thị cổ điển Beaux-arts Paris và phong cách vườn - công viên Baroque Pháp.
Hồ sơ về tòa nhà này do Sở VH-TT Hà Nội xây dựng còn gọi nó bằng cái tên “tòa nhà trăm mái”. Theo nghiên cứu, tòa nhà có hệ mái ngói nhiều lớp kiểu kiến trúc phương Đông được Ernest Hebrard khai thác tài tình, đặc biệt là lầu mái lớn ở khối trung tâm mặt đứng chính, cùng với lớp mái phân tầng, che cửa sổ và mái tiền sảnh. Nó chống mưa hắt, che nắng, giảm bức xạ mặt trời. Cùng với cửa sổ trong kính ngoài chớp, hệ thống lỗ thoáng trên cửa sổ sát trần và sàn, công trình có khả năng đối lưu không khí cao, thông thoáng, giúp điều kiện vi khí hậu tốt nhất cả trong hè nóng và đông lạnh.
Cần bảo tồn nguyên vẹn
Ông Phạm Sanh Châu, đặc phái viên Thủ tướng Chính phủ VN về các vấn đề UNESCO, lại nhấn mạnh việc đây là nơi đã từng đưa ra những quyết sách lịch sử. Theo ông, có đến 3 quyết định quan trọng trong lịch sử VN được đưa ra tại nơi này. Thứ nhất là quyết sách Đánh và Đàm do Bộ Ngoại giao trình năm 1967. Quyết sách này được thông qua giúp chúng ta có đàm phán ở Paris, đẩy nhanh quá trình thống nhất đất nước. Quyết sách thứ hai vào năm 1988, đẩy mạnh đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, từ đó chúng ta giải tỏa được quan hệ với các nước trên thế giới. Cuối cùng, quyết định hội nhập cũng được đưa ra từ đây.
Điều thú vị, chính việc xin danh hiệu di sản quốc gia cho tòa nhà này cũng là một “quyết sách” hay khác. Từ trước tới nay, nhiều công trình có giá trị kiến trúc đã không được đơn vị quản lý lập hồ sơ di sản chỉ vì ngại khi cần sửa chữa thủ tục sẽ phức tạp. Trường Châu Văn Liêm ở Cần Thơ, một ngôi trường có giá trị kiến trúc, đã hoàn toàn không có danh hiệu gì và nó suýt bị xóa sổ hoàn toàn nếu vừa qua không được các nhà nghiên cứu kêu cứu. “Bộ Ngoại giao đã đề nghị lập hồ sơ cho di tích. Còn nếu các chủ công trình khác không đề nghị thì chúng tôi cũng chẳng thể làm được gì”, Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Trương Minh Tiến chia sẻ.
Khi đề nghị làm hồ sơ cho công trình, phía Bộ Ngoại giao cũng biết lúc cần sửa chữa họ sẽ phải tiến hành nhiều thủ tục hơn, việc mở rộng, xây thêm gần như không thể. “Đúng là thủ tục sẽ phức tạp nhưng mình không ngại. Đó là di sản mà, cần phải bảo tồn nguyên vẹn chứ. Quyết tâm là không sửa, chỉ phục hồi lại thôi”, ông Châu nói và bày tỏ mong muốn những tòa nhà tiêu biểu cho kiến trúc Đông Dương như Bảo tàng Quốc gia (Viện Viễn Đông Bác Cổ cũ), Viện Vệ sinh dịch tễ Pasteur, Trường đại học Tổng hợp, nhà thờ Cửa Bắc cũng trở thành di tích quốc gia.
GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, cũng cho rằng các di sản kiến trúc khác cũng nên trở thành di tích quốc gia để có cơ chế bảo tồn. “Hiện nay tòa nhà Đại học Tổng hợp, trước là Đại học Đông Dương, được đối xử như một biểu tượng của Đại học Quốc gia Hà Nội. Nếu nó có danh hiệu thì vẫn tốt hơn. Nhưng làm hồ sơ hay không thì nó lại phụ thuộc vào các cơ quan đang ở đó”, ông Ngọc nói.
Công trình trụ sở Bộ Ngoại giao (Sở Tài chính Đông Dương trước đây) được kiến trúc sư Ernest Hebrard thiết kế năm 1924, khởi công xây dựng năm 1925 và hoàn thành năm 1928. Đây là công trình duy nhất được xây dựng theo đồ án quy hoạch chi tiết khu trung tâm hành chính, chính trị Đông Dương cũng do chính kiến trúc sư Ernest Hebrard thiết kế. Ông còn là kiến trúc sư thiết kế tòa nhà Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nhà thờ Cửa Bắc, Đại học Đông Dương nay thuộc Đại học Dược và Đại học Quốc gia quản lý...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.