Nhà Trắng nói gì khi Trung Quốc biệt đãi ông Kissinger?

Nhà Trắng nói gì khi Trung Quốc biệt đãi ông Kissinger?

22/07/2023 10:00 GMT+7

Ngày 20.7, Reuters đưa tin Nhà Trắng tỏ ra không vui khi cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger có thể gặp nhiều người ở Trung Quốc hơn một số quan chức đương nhiệm của Washington.

Ông Kissinger được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chào đón nồng nhiệt và gọi là "người bạn cũ" trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang nỗ lực hàn gắn mối quan hệ rạn nứt. Vị cựu ngoại trưởng Mỹ 100 tuổi là kiến trúc sư đứng sau quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh vào thập niên 1970.

Tại Bắc Kinh, ông Kissinger cũng gặp quan chức ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc, người đến nay vẫn từ chối đối thoại trực tiếp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.

Hôm 20.7, Nhà Trắng nói đã hay tin về chuyến đi Trung Quốc của ông Kissinger nhưng nói đây là chuyến đi của một công dân Mỹ với tư cách cá nhân. Cụ thể, ông John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết:

"Thật không may khi một công dân có thể gặp bộ trưởng quốc phòng và trao đổi còn chính phủ Mỹ thì không thể... Đó là điều mà chúng tôi muốn giải quyết. Đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục cố gắng mở lại các đường dây liên lạc quân sự bởi vì nếu không có kết nối đó giữa thời điểm căng thẳng và nguy cơ tính toán sai lầm gia tăng như thế này, thì rủi ro sẽ nhiều hơn".

Nhà Trắng không vui vì sự tiếp đón dành cho ông Kissinger tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger trong chuyến thăm Trung Quốc ngày 20.7

Reuters

Ông Kirby nói các quan chức chính quyền Mỹ "mong muốn được nghe từ (cựu) Ngoại trưởng Kissinger khi ông ấy trở về, để lắng nghe những gì ông ấy đã nghe, những gì ông ấy đã biết, những gì ông ấy đã thấy".

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã gia tăng vì một loạt vấn đề, bao gồm chiến sự ở Ukraine, Đài Loan và các hạn chế thương mại. Washington đã cố gắng thiết lập lại các kênh liên lạc về những vấn đề này cũng như nhiều vấn đề khác thông qua các hoạt động ngoại giao cấp cao gần đây.

Ông John Kerry, cựu thượng nghị sĩ, ngoại trưởng Mỹ và hiện là đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Joe Biden về khí hậu, vừa kết thúc chuyến thăm Bắc Kinh hôm 19.7, và Ngoại trưởng Mỹ đương nhiệm Antony Blinken đã tới Bắc Kinh vào tháng trước. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gần đây cũng đã thăm Bắc Kinh.

Song liên lạc quân sự giữa hai bên vẫn tiếp tục bị đình trệ. Tháng trước, Bộ trưởng Lý Thượng Phúc đã từ chối đề nghị hội đàm với người đồng cấp Mỹ bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore.

Tướng Lý đã bị Mỹ áp lệnh trừng phạt từ năm 2018 và các quan chức Trung Quốc từng nhiều lần yêu cầu Washington dỡ bỏ trừng phạt để có thể sắp xếp các cuộc thảo luận giữa lãnh đạo quốc phòng hai bên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.