Nhà Trưng bày Hoàng Sa: Nhiều nhân chứng xúc động tìm lại ký ức máu thịt

28/03/2018 14:02 GMT+7

Sáng 28.3, UBND H.Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng) khánh thành Nhà Trưng bày Hoàng Sa (đường Hoàng Sa, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng).

Nhà Trưng bày Hoàng Sa là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND H.Hoàng Sa, do UBND TP Đà Nẵng đầu tư 43,3 tỉ đồng trên khu đất 1.300 m2, Công ty Kiến trúc Wright (Nhật Bản) tư vấn thiết kế, khởi công ngày 7.12.2015 với diện tích sàn hơn 1.800 m2, cao 18 m.

Thiết chế văn hóa, lịch sử mang ý nghĩa chính trị đặc biệt này giới thiệu thông tin, tư liệu, hình ảnh sinh động, minh chứng lịch sử về quá trình khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Dự lễ khánh thành Nhà trưng bày Hoàng Sa có ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP.
"Nhà Trưng bày Hoàng Sa sẽ làm cho tâm thức của mỗi chúng ta khắc khoải hơn, củng cố thêm niềm tin sẽ có ngày huyện đảo thân yêu của chúng ta trở về đoàn tụ trên thực tế với các quận huyện khác trong đất liền của thành phố Đà Nẵng", ông Huỳnh Đức Thơ khẳng định.

Chủ tịch TP.Đà Nẵng cũng lưu ý, việc khánh thành Nhà Trưng bày chỉ là nửa đoạn đường, còn lại phải hoạt động hiệu quả, xác định đây là khâu quan trọng trong cuộc đấu tranh ngoại giao học thuật đòi lại Hoàng Sa.

Đến dự có các vị khách rất đặc biệt là nhân chứng từng làm việc, hoặc từng ra Hoàng Sa do UBND H.Hoàng Sa mời đến dự gồm có các ông: Nguyễn Văn Cúc, Nguyễn Văn Dữ, Trần Hòa, Lê Đình Rê, Trần Văn Sơn và Trương Văn Quảng khi xem những hình ảnh đã bồi hồi nhớ lại lịch sử bi hùng.

Nhà Trưng bày Hoàng Sa dựa theo thiết kế đồ án Con dấu chủ quyền của nhóm tác giả Nhật Bản - Ảnh: Nguyễn Tú
Mô hình cột mốc chủ quyền của VN tại Hoàng Sa được đặt ở vị trí trung tâm Nhà trưng bày - Ảnh: Nguyễn Tú
Các tư liệu cổ khẳng định chủ quyền của VN - Ảnh: Nguyễn Tú
Ngoài tư liệu, còn có mô hình, hiện vật - Ảnh: Nguyễn Tú
Ông Trần Văn Sơn (ngụ Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) xúc động kể, ông ra giữ Hoàng Sa năm 25 tuổi, giờ đã ngoài 70 nhưng vẫn nhớ như in từng giếng nước, đồn lính như hình ảnh trưng bày. “Bây giờ mình làm được Nhà trưng bày Hoàng Sa như vậy, tôi rất phấn khởi, để con cháu chúng ta sau này biết được rằng Hoàng Sa là máu thịt của Việt Nam, chúng tôi từng sống và làm việc ở đó, hoài bão của chúng tôi ước gì cuối đời được trở lại Hoàng Sa một lần!” – ông Sơn trăn trở.
Từ trái qua: các nhân chứng Trần Văn Sơn,Nguyễn Văn Cúc, Lê Đình Rê và Trần Hòa - Ảnh: Nguyễn Tú
Các nhân chứng Trần Văn Sơn (bên phải), Nguyễn Văn Dữ (thứ 2 từ phải qua) nhớ lại những ngày ra giữ đảo - Ảnh: Nguyễn Tú
Ông Trần Hòa là nhân chứng đến từ xa nhất (H.Duy Xuyên, Quảng Nam) về dự lễ khánh thành - Ảnh: Nguyễn Tú
TS Trần Đức Anh Sơn tham quan không gian trưng bày - Ảnh: Nguyễn Tú
Theo TS Trần Đức Anh Sơn, Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội TP.Đà Nẵng: “Nhà Trưng bày là kết quả của một quá trình nghiên cứu, tìm tòi, đúc kết và công bố đầy đủ tài liệu chứng minh Việt Nam có chủ quyền không thể chối cãi với quần đảo Hoàng Sa, để giới thiệu với công dân TP, du khách về nỗ lực mà TP đã giữ gìn trong 60 năm qua, từ khi TP được giao quản lý quần đảo Hoàng Sa”.

Bốn tầng trong Nhà Trưng bày phân chia 5 chủ đề gồm Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên quần đảo; Hoàng Sa trong thư tịch cổ Việt Nam trước nhà Nguyễn; thời nhà Nguyễn (1802 – 1945); Bằng chứng chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa từ 1945 – 1974 và từ 1974 đến nay.

Ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND H.Hoàng Sa kiêm Giám đốc Sở Nội vụ giới thiệu với Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa về không gian trưng bày bằng chứng tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Đà Nẵng trong thời gian diễn ra sự kiện giàn khoan 981 - Ảnh: Nguyễn Tú
Ông Shinsuke Imasak (bên trái), Giám đốc Công ty Kiến trúc Wright (Nhật Bản), đơn vị có đồ án giành giải và được sử dụng để thiết kế Nhà Trưng bày, đến tham quan - Ảnh: Nguyễn Tú

Lực lượng vũ trang - Ảnh: Nguyễn Tú
cùng người dân đến tham quan Nhà trưng bày - Ảnh: Nguyễn Tú
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho hay, khánh thành Nhà trưng bày Hoàng Sa là một trong các hoạt động kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng TP, Hoàng Sa là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc nên bảo tàng về Hoàng Sa có thể được xây dựng ở nhiều tỉnh thành nhưng không có nơi nào phù hợp hơn Đà Nẵng để xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa, vì lịch sử đã giao cho TP thay mặt cả nước liên tục quản lý Hoàng Sa gần 60 năm qua.

Theo Chủ tịch TP.Đà Nẵng, TP đang phát triển từng ngày, việc có nơi trưng bày, quảng bá bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa là cực kỳ quan trọng.

Bên cạnh đó, Nhà Trưng bày Hoàng Sa còn nhắc nhớ người dân, du khách. 
 
Ông Nguyễn Văn Dữ, người giữ đảo Hoàng Sa năm nào - Ảnh: Nguyễn Tú

Ông Dữ và ông Trần Văn Sơn là đôi bạn cùng lứa đi giữ đảo - Ảnh: Nguyễn Tú
Thuyết minh viên hỗ trợ khách tham quan tìm hiểu về Hoàng Sa - Ảnh: Nguyễn Tú
Từ nay, Nhà Trưng bày Hoàng Sa mở cửa đón khách 5 ngày trong tuần - Ảnh: Nguyễn Tú
Do đó, lãnh đạo TP đề nghị UBND H.Hoàng Sa năng động, liên tục đổi mới theo hướng bảo tàng hiện đại, tăng cường tìm kiếm tư liệu hiện vật, nhất là nghệ thuật thuyết minh hướng dẫn sao cho chạm tới trái tim người xem…

Ông Huỳnh Đức Thơ cũng đề nghị các sở ban ngành, lực lượng vũ trang đồng hành với Nhà Trưng bày, nhất là ngành giáo dục xem đây là phương tiện trực quan sinh động minh họa cho chương trình giảng dạy về Hoàng Sa.

Từ nay, Nhà Trưng bày Hoàng Sa mở cửa đón khách từ 7 giờ 30 đến 11 giờ 30 và từ 13 giờ 30 đến 17 giờ 30 hằng ngày, từ thứ hai đến thứ sáu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.