Vụ việc xảy ra tại Trường THPT Lạc Long Quân đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Hiệu trưởng trường này ký văn bản gửi tới phụ huynh một học sinh đang theo học lớp 12 tại trường. Nội dung văn bản thể hiện nhà trường sẽ "từ chối công tác giáo dục" đối với học sinh, nếu phụ huynh không lên làm việc để làm rõ về tin nhắn được cho là "ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường".
Dù văn bản đã thể hiện rõ câu chữ "từ chối công tác giáo dục" nhưng trao đổi với báo chí, Hiệu trưởng Trường THPT Lạc Long Quân lại phủ nhận việc "dọa" đuổi, khẳng định học sinh vẫn được đến trường như bình thường.
Từ câu chuyện trên, nhiều người đặt câu hỏi: trong các tình huống tương tự, nhà trường có được "từ chối công tác giáo dục" (hoặc gọi là đuổi học) đối với học sinh chỉ vì cho rằng phụ huynh của học sinh đó gây ảnh hưởng uy tín?
Được biết, Trường THPT Lạc Long Quân là trường ngoài công lập. Nhiều ý kiến cho rằng giữa nhà trường và phụ huynh là mối quan hệ hợp đồng cung cấp dịch vụ, cụ thể là dịch vụ giáo dục. Trong một số trường hợp, nhà trường có thể đơn phương chấm dứt việc cung cấp dịch vụ giáo dục đã thỏa thuận trước đó với phụ huynh.
Tuy nhiên, theo luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, trường công lập hay trường ngoài công lập cũng đều là cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và phải chịu sự quản lý của Nhà nước. Điều lệ của nhà trường phải tuân thủ điều lệ trường học do Bộ GD-ĐT ban hành.
"Như vậy, trường tư thục không thể thích gì thì làm nấy, hoạt động giảng dạy cũng như mọi hoạt động khác của nhà trường phải đảm bảo các quy định của pháp luật có liên quan", luật sư Tuấn Anh nói.
Xét trên khía cạnh cung cấp dịch vụ giáo dục, giữa phụ huynh học sinh và nhà trường tồn tại một "hợp đồng". Trong đó, trường tư thục là bên cung ứng dịch vụ.
Theo điều 428 bộ luật Dân sự năm 2015, bên cung ứng dịch vụ có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu bên sử dụng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Cần lưu ý rằng, chỉ khi phụ huynh học sinh có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình thì nhà trường mới được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng; còn không việc đơn phương đó sẽ vi phạm hợp đồng. Do đó, phải xem xét hành vi của phụ huynh có phải là "vi phạm nghiêm trọng về nghĩa vụ" hay không.
Mặt khác, Thông tư 32/2020 của Bộ GD-ĐT không còn quy định về hình thức kỷ luật đuổi học học sinh. Trước đây, hình thức này từng được áp dụng, nhưng với học sinh vi phạm kỷ luật chứ không phải do mâu thuẫn giữa phụ huynh học sinh và nhà trường.
Trở lại vụ việc tại Trường THPT Lạc Long Quân, chưa bàn đến đúng hay sai trong câu chuyện giữa phụ huynh và nhà trường, luật sư Tuấn Anh cho rằng, cách xử lý của lãnh đạo trường là chưa chuẩn mực trong môi trường giáo dục.
Dưới góc độ người thầy, giáo viên cần nhìn nhận đó là học trò của mình, cho dù xảy ra chuyện gì cũng cần ưu tiên quyền được đến trường của học trò.
"Xưa nay chỉ có con chưa thành niên gây thiệt hại thì cha mẹ phải có nghĩa vụ bồi thường, chứ không có chuyện con cái bị vạ lây do mâu thuẫn của cha mẹ với nhà trường, bởi đứa trẻ đâu có tội tình gì", luật sư nói.
Theo luật sư, học sinh bị đuổi học sẽ có thể dẫn tới tổn hại về mặt thể chất và tinh thần, bị lôi kéo tham gia những hoạt động không lành mạnh khác. Sau này, học sinh được đi học trở lại nhưng liệu có bị "trù dập" không, liệu có phải chuyển trường không, liệu có mặc cảm hoặc bị xa lánh không?
Vị luật sư cũng cho rằng trong môi trường giáo dục phổ thông, học sinh không chỉ được học kiến thức mà phải được rèn luyện cả về đạo đức, mà người thầy chính là thước đo của những giá trị ấy.
"Trường hợp đúng là phụ huynh có hành vi gây ảnh hưởng đến uy tín Trường THPT Lạc Long Quân, nếu hai bên không thể tự hòa giải, nhà trường có thể yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, chứ không thể đuổi học học sinh của mình được", luật sư Tuấn Anh nhận định.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 6.10
Bình luận (0)