Trách nhiệm của nhà trường với học sinh (HS), bổn phận HS với nhà trường, thầy trò tôn trọng, dân chủ, văn minh... đã được nhà nước, ngành giáo dục quy định đầy đủ bằng văn bản luật, thông tư, điều lệ trường. Nhưng để những điều này thấm nhuần và thực hành hằng ngày đối với những người làm giáo dục và HS thì không dễ dàng.
Giúp học sinh một cuộc sống có ý nghĩa
Đối với một nhà trường, lý do để nó ra đời, tồn tại và phát triển là ở nhiệm vụ chính trị, xã hội của nó, mà trước hết là trách nhiệm với HS. Điều này đã được quy định ở Điều lệ trường tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Theo đó nhà trường tổ chức giảng dạy, học tập và hoạt động giáo dục đạt chất lượng theo mục tiêu, chương trình giáo dục phổ thông các cấp do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, mục tiêu này đã được xác định là giúp HS làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.
Nhà trường có trách nhiệm tiếp thu ý kiến HS bằng những hình thức phù hợp; có trách nhiệm trả lời, giải quyết thỏa đáng những vấn đề thuộc phạm vi của mình hoặc trình cấp trên nếu vượt quá phạm vi của trường. Mặt khác, trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, chủ trương của ngành giáo dục là xây dụng mô hình: “Trường học hạnh phúc - Thầy cô hạnh phúc - Học sinh hạnh phúc”, với hai chỉ số quan trọng nhất trong mục tiêu giáo dục của trường là Hạnh phúc và Tiến bộ (vươn lên).
Còn bổn phận của trẻ em đối với nhà trường, đã được quy định tại điều 38, luật Trẻ em. Đó là tôn trọng giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, cơ sở trợ giúp xã hội và cơ sở giáo dục khác; Thương yêu, đoàn kết, chia sẻ khó khăn, tôn trọng, giúp đỡ bạn bè; Rèn luyện đạo đức, ý thức tự học, thực hiện nhiệm vụ học tập, rèn luyện theo chương trình, kế hoạch giáo dục của nhà trường, cơ sở giáo dục khác; Giữ gìn, bảo vệ tài sản và chấp hành đầy đủ nội quy, quy định của nhà trường, cơ sở trợ giúp xã hội và cơ sở giáo dục khác.
Thầy trò tôn trọng nhau và dân chủ, văn minh
Trong những năm gần đây, nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm xảy ra trong trường học như áp lực và tiêu cực thi cử, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục HS xảy ra trong trường học, lạm thu đầu năm,... Tất cả những vấn đề đều xuất phát từ nguyên nhân, nhà trường chưa thực sự tôn trọng, dân chủ và văn minh.
Vì vậy, cha mẹ và thầy cô cần giảng giải cho trẻ biết rằng, với thầy cô giáo ở trường con phải giữ tôn trọng, kính yêu. Bởi vì thầy cô, không chỉ là người dạy mà còn hướng dẫn con, giúp con biết ước mơ và vươn lên trong học tập và rèn luyện để thành người sau này. Tuy nhiên, quan hệ thầy trò ngày nay cần dân chủ hơn, học trò tôn trọng thầy cô và thầy cô tôn trọng học trò. HS có thể phát biểu ý kiến của mình, dù khác thầy nhưng vẫn được tôn trọng và cũng có quyền phản đối thầy cô, nếu cho hành động thầy cô chưa đúng, chưa công bằng. Nhưng HS vẫn giữ được thái độ đúng mực, lễ phép và tôn trọng. Thầy cô và học trò không có gì là bí mật, mọi chuyện phải được công khai rõ ràng. Nếu giữa thầy cô và các HS có chuyện bí mật, hoặc thầy cô làm điều không đúng quy định của nhà trường thì HS có thể cho cha mẹ biết.
Xác định rõ, đầy đủ trách nhiệm của nhà trường với HS, bổn phận của HS đối với nhà trường và xây dựng một môi trường an toàn, lành mạnh, dân chủ, tôn trọng thầy trò trong tình yêu thương là ba vấn đề quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Nói về trách nhiệm của trường bằng... thơ
Mới đây, trong một nghiên cứu về giáo dục phòng chống xâm hại tình dục cho HS, nhà giáo Hồ Sỹ Anh, Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), đã chuyển tải những điều này thành những bài thơ ngắn, giúp cho thầy cô, học trò dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng và thực hành hằng ngày. Chẳng hạn: Không chỉ nơi dạy của thầy/Mà nơi học tập ngày ngày học sinh (học là chính) /Giúp trò ứng xử thấu tình (phát triển phẩm chất)/Hoạt động phát triển thông minh của mình (phát triển năng lực)/Tiếp thu ý kiến học sinh/Giải quyết thỏa đáng hoặc trình cấp trên/Giúp trò hạnh phúc, vươn lên/Hiểu mình, xã hội, mới nên con người/Dạy người, dạy chữ, hướng nghề/Trải nghiệm cuộc sống, hướng về tương lai.
|
Bình luận (0)