Nhà trường và doanh nghiệp chưa 'gặp nhau'

14/05/2019 09:05 GMT+7

Mô hình đào tạo kép với thời lượng 30% lý thuyết tại trường nghề, 70% thực hành tại doanh nghiệp (DN) đang được tổ chức thí điểm tại TP.HCM, rất có lợi cho người học nhưng đang gặp nhiều vướng mắc.

Năm 2018, UBND TP.HCM ban hành kế hoạch thực hiện chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp của thành phố mà một trong những nội dung quan trọng là thí điểm tổ chức thực hiện mô hình “đào tạo kép” ở 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu. Theo đó, các trường cao đẳng (CĐ), trung cấp phối hợp với DN tổ chức đào tạo cho học sinh, sinh viên theo phương thức 30% thời gian học tại trường (lý thuyết và thực hành căn bản) và 70% thời gian thực hành kỹ năng nghề chuyên sâu tại DN.
Đây là mô hình đã thực hiện rất thành công ở Đức với những ưu điểm mà VN nên áp dụng. Chương trình đào tạo được xây dựng thống nhất và bổ trợ cho nhau, có mối quan hệ chặt chẽ gần gũi giữa nhà trường với DN, tốt nghiệp người học có thể làm việc được ngay.
Trường CĐ Kỹ nghệ II đến nay đã có một khóa thí điểm đào tạo kép ở ngành kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải. Ông Bùi Văn Hưng, Phó hiệu trưởng, cho biết: “Chúng tôi đã ký hợp đồng với 5 - 7 DN về cấp thoát nước ở Cần Thơ, Khánh Hòa, TP.HCM… Đến nay đã có 21 em tốt nghiệp, trong đó 17 em có chứng chỉ của Đức. Tuy nhiên, nếu có tham vọng thực hiện mô hình này cho nhiều ngành thì rất khó, vì giữa các công ty và nhà trường không dễ dàng để có tiếng nói chung. Hiện DN chưa thấy được lợi ích của việc tham gia đào tạo vì chưa có cơ chế nào cho họ quyền lợi nhất định. Đó là chưa kể DN phải lo sản xuất nên không phải ai cũng sẵn sàng phối hợp với nhà trường. Nếu đồng ý, họ cũng không bao giờ chia sẻ hết “bí mật nghề nghiệp” cho người học”.
Trong khi đó, Trường CĐ Lý Tự Trọng chỉ đưa 30% thực hành chuyên sâu vào để DN đào tạo. Ông Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng, lý giải: “Nguồn ngân sách chưa phân bổ cho DN thì DN nào chấp nhận đào tạo? Năng suất lao động của họ cũng sẽ bị giảm vì phải phân công người đứng lớp lâu dài. Nhất là khi trường nào cũng ký kết với DN, thì lấy chỗ đâu để học, người đâu để dạy và thời gian đâu để họ sản xuất kinh doanh?”.
Lãnh đạo nhiều trường CĐ cho biết nếu căn cứ theo quy định về chuẩn chuyên môn nghiệp vụ giáo dục nghề nghiệp thì hiện rất khó để các DN có thể đáp ứng dù tay nghề, trình độ nghề của họ rất cao. Theo quy định của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, người dạy lý thuyết trình độ CĐ phải có trình độ ĐH hoặc ĐH sư phạm chuyên ngành trở lên, dạy thực hành phải có một trong các chứng chỉ kỹ năng nghề phù hợp với ngành nghề giảng dạy; phải có chứng chỉ sư phạm dạy nghề hoặc chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên ĐH, CĐ hoặc bằng tốt nghiệp ĐH chuyên ngành sư phạm. Đó là chưa kể có trình độ ngoại ngữ 2 trong khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc.
Thạc sĩ Phạm Quang Tuấn, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, nhận định: “Chắc chắn DN sẽ khó đáp ứng được những quy định này. Công việc của họ là sản xuất, kinh doanh, liệu người của DN có đồng ý bổ sung các chứng chỉ nghiệp vụ để tham gia đào tạo khi chưa thấy được quyền lợi trong việc này?”.
Theo ông Tuấn, để giải quyết những vướng mắc trên, nhà nước cần có cơ chế cụ thể, rõ ràng để có thể thực hiện mô hình rất có lợi cho người học này. “Cần có quy định cụ thể về quyền lợi và trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức tham gia hệ thống đào tạo kép. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có một đơn vị - tổ chức chủ trì để triển khai quá trình đào tạo này (trung gian giữa nhà trường và DN). Ví dụ, ở Đức là Phòng Công nghiệp - Thương mại đảm trách việc tư vấn, kiểm tra và chứng nhận cho các công ty đào tạo; giám sát đánh giá về thiết bị, giáo viên; sắp xếp, điều phối chuyên môn và thời gian… Hiện chưa có đơn vị - tổ chức thẩm định, đánh giá các DN tham gia đào tạo kép để xem có thỏa mãn các điều kiện tổ chức đào tạo như con người, cơ sở vật chất, chương trình, giáo trình... hay không”, ông Tuấn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.