Nhà văn, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp và những dòng ký ức xúc động về quê hương

22/02/2023 10:03 GMT+7

Xa trần thế đã 17 năm nhưng những tác phẩm mà Nhà giáo Nhân dân, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp để lại cho cuộc đời vẫn nguyên vẹn giá trị, mà nói như nhà văn Bích Ngân, "luôn hiện diện với chúng ta, trò chuyện với chúng ta bằng cốt cách văn hóa của một thầy thuốc cách mạng".

Sáng 21.2 tại Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM, Hội Nhà văn TP.HCM đã tổ chức buổi Tọa đàm và ra mắt hồi ký Thời gian trong mắt tôi của bác sĩ, Nhà giáo Nhân dân Trần Hữu Nghiệp vừa được NXB Tổng hợp TP.HCM tái bản (có bổ sung thêm nhiều tư liệu, hình ảnh so với lần xuất bản đầu tiên năm 1993 của NXB Văn nghệ).

Nhà văn, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp và những dòng ký ức  xúc động về quê - Ảnh 1.

Nhà văn, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp và những dòng ký ức  xúc động về quê - Ảnh 2.

Sáng 21.2 tại Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM, Hội Nhà văn TP.HCM đã tổ chức buổi Tọa đàm và tái bản hồi ký Thời gian trong mắt tôi của bác sĩ, Nhà giáo Nhân dân Trần Hữu Nghiệp

HỘI NHÀ VĂN TP.HCM

Tham dự tọa đàm và lễ giới thiệu sách của nhà văn, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp về phía khách mời và đồng nghiệp của tác giả có ông Nguyễn Tâm Dũng, nguyên Chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM - Trưởng ban liên lạc Hội đồng hương tỉnh Bến Tre tại TP.HCM; bác sĩ - AHLĐ Tạ Thị Chung, nguyên Phó GĐ BV Từ Dũ; bác sĩ Đào Đại Cường, nguyên Phó phòng nghiên cứu khoa học trường ĐHYD TP.HCM; bác sĩ Phan Khánh, nguyên Phó trưởng khoa Y - trường ĐHYD TP.HCM. Về phía tỉnh Bến Tre có nhà thơ Kim Ba - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bến Tre.

Tác phẩm vừa giàu chất tư liệu vừa giàu chất văn chương

Phát biểu tại buổi lễ, nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM xúc động nhớ về người anh lớn, một bác sĩ giỏi hết lòng với bệnh nhân. "Cuộc đời đầy lý tưởng và nhiều trải nghiệm của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã là một cuốn sách thực sự lôi cuốn và hấp dẫn cho công chúng. Thế nhưng, đáng quý hơn, chính ông đã cầm bút và để lại cho hậu thế nhiều trang viết có giá trị về lịch sử và văn chương, mà tác phẩm Thời gian trong mắt tôi là một ví dụ tiêu biểu. Xưa nay, thầy thuốc cầm bút không phải là hiếm hoi. Ý thức viết của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp thể hiện qua bút danh Hằng Ngôn mà ông thường sử dụng. Từ cuốn sách Phép nuôi con ra mắt năm 1943, đến khi từ giã dương gian, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp có gần chục tác phẩm được công chúng đón nhận. Trong đó, Thời gian trong mắt tôi được xem là tác phẩm quan trọng nhất của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, vì bao gồm cả những trang hồi ký, tùy bút, biên khảo mà ông tâm đắc", Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM chia sẻ.

Nhà văn, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp và những dòng ký ức  xúc động về quê - Ảnh 3.

Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM xúc động: ""Cuộc đời đầy lý tưởng và nhiều trải nghiệm của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã là một cuốn sách thực sự lôi cuốn và hấp dẫn cho công chúng. Thế nhưng, đáng quý hơn, chính ông đã cầm bút và để lại cho hậu thế nhiều trang viết có giá trị về lịch sử và văn chương, mà tác phẩm 'Thời gian trong mắt tôi' là một ví dụ tiêu biểu"

Thanh Trần

Nhà văn, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp và những dòng ký ức  xúc động về quê - Ảnh 4.

Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Bích Ngân và Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Trầm Hương (thứ 2 từ trái qua) tặng hoa cho đại diện gia đình nhà văn

NVCC

Nói về nội dung cuốn sách Thời gian trong mắt tôi của nhà văn, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, bà Nguyễn Ánh Tuyết - Phó giám đốc NXB Tổng hợp TP.HCM tâm đắc: "Tác phẩm là những dòng ký ức của ông về quê nhà, về một thời kháng chiến nhiều hy sinh, thiếu thốn, gian khổ, về những đồng chí, đồng nghiệp… Thời gian trong mắt tôi khi ra mắt bạn đọc lần đầu đã được đánh giá vừa giàu chất tư liệu vừa giàu chất văn chương. Những câu chuyện của ông như những thước phim tài liệu lịch sử quý giá, chân thực. Toát lên trong từng câu chữ tấm lòng của một chí sĩ yêu nước, một lương y nhân hậu, yêu thương con người – Một nhân cách lớn lưu dấu ấn trong lòng độc giả bằng những câu chuyện đời, chuyện nghề sâu sắc, tinh tế của mình trong tác phẩm Thời gian trong mắt tôi".

Nhà văn, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp và những dòng ký ức  xúc động về quê - Ảnh 5.

Tác phẩm vừa được NXB Tổng hợp TP.HCM xuất bản (có bổ sung thêm nhiều tư liệu, hình ảnh so với lần xuất bản đầu tiên năm 1993 của NXB Văn nghệ)

Nhà văn, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp và những dòng ký ức  xúc động về quê - Ảnh 6.

Bà Trần Kiều Miên, con gái của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp kể về những kỷ niệm không quên với cha mình

Thanh Trần

Được biết, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp sinh năm 1911 tại Tân Thủy, H.Ba Tri, Bến Tre. Sau khi tốt nghiệp Trường Y khoa Đông Dương ở Hà Nội, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã sang Pháp tu nghiệp rồi về lại Mỹ Tho mở phòng mạch. Khi kháng chiến Nam bộ bùng nổ, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đi theo tiếng gọi non sông, và trở thành Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cán bộ Y tế trung ương.

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cùng với những tên tuổi Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Hưởng, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Thiện Thành... tạo nên một thế hệ đặc biệt ưu tú trong đội ngũ thầy thuốc cách mạng Việt Nam. Ông được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 1988.

Với tấm lòng của một trí thức yêu nước giàu khát vọng dấn thân, cống hiến cho dân tộc, cho Tổ quốc, ông tham gia Cách mạng Tháng Tám và được tôi luyện trong chiến tranh nhân dân suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Có thể nói rằng, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã dành trọn cuộc đời mình cống hiến cho ngành y, chăm lo đào tạo các thế hệ cán bộ y tế và nhân viên y tế.

Giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp vừa là thầy giáo, vừa là thầy thuốc, đồng thời lại là nhà văn, nhà báo tài năng. Ông đã viết rất nhiều, rất chuyên sâu về ngành y, về con người và thời cuộc.

Cũng theo nhà văn Bích Ngân: "Bằng ngôn từ giản dị và kiến giải sâu sắc, những trang viết Thời gian trong mắt tôi cho thấy chân dung bác sĩ Trần Hữu Nghiệp được hun đúc từ một tâm hồn phóng khoáng và một tinh thần văn hóa. Qua lối kể chuyện chân thật, nhẹ nhàng, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp gợi mở nhiều suy tư về những ân tình cần được gìn giữ và nâng niu. Nhiều trang văn của ông có ý nghĩa như những trang sử của ngành y tế. Chẳng hạn, hoạt động y tế những năm tháng ở vùng Đồng Tháp Mười 'đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng', được ông ghi lại tỉ mỉ".

Nhà văn, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp và những dòng ký ức  xúc động về quê - Ảnh 7.

Quang cảnh buổi tọa đàm và giới thiệu sách

NVCC

Buổi tọa đàm và giới thiệu Thời gian trong mắt tôi của nhà văn, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp còn là dịp hội ngộ cảm động của bao thế hệ học trò, những người đồng nghiệp và độc giả yêu quý tên tuổi của tác giả cuốn sách.

"Từ cuốn sách Phép nuôi con ra mắt năm 1943, đến khi từ giã dương gian, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp có gần chục tác phẩm được công chúng đón nhận. Trong đó, Thời gian trong mắt tôi được xem là tác phẩm quan trọng nhất của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, vì bao gồm cả những trang hồi ký, tùy bút, biên khảo mà ông tâm đắc. Chúng tôi tin, Thời gian trong mắt tôi sẽ tiếp tục đồng hành với độc giả trong suốt thế kỷ 21 và nhiều năm sau nữa, như một sự chia sẻ tử tế, như một sự gửi gắm trong sáng, như một sự khuyên nhủ ân cần, bao dung", Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM khẳng định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.