Nhà văn Bích Ngân: “Vương quyền sáng tỏ những góc khuất của một triều đại”

14/09/2022 07:12 GMT+7

Tối 16.9, kịch bản kịch nói Vương quyền của nhà văn Bích Ngân (Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, ảnh) được tác giả Hoàng Song Việt chuyển thể cải lương, đạo diễn - NSƯT Lê Nguyên Đạt dàn dựng, với sự diễn xuất của nhiều nghệ sĩ tên tuổi, sẽ có suất diễn đầu tiên.

Dịp này, nhà văn Bích Ngân có cuộc trò chuyện dành cho Thanh Niên.

Viết kịch luôn là thử thách đầy cám dỗ

Được biết, dù bận rộn trên cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, chị vẫn miệt mài viết văn và hoàn thiện các kịch bản sân khấu. Từ viết văn sang viết kịch, chị có gặp những thuận lợi và trở ngại gì không?

Viết kịch, tức là viết kịch bản văn học. Mà kịch bản văn học là một thể loại của văn chương. VN ta không nhiều nhà văn viết kịch, nhưng phương Tây và một số nước châu Á như Nhật, Trung Quốc… rất nhiều nhà văn tên tuổi đồng thời là kịch tác gia nổi tiếng.

Kịch đối với nhà văn, thực ra là dùng một hình thức khác, cấu trúc khác để dẫn dắt câu chuyện. Câu chuyện đó không kéo dài thành quyển sách có thể thong dong đọc nhiều ngày. Cuộc đời, phận đời của nhân vật, của thế hệ, của nhiều thế hệ hay của cả thời đại… chỉ diễn ra trong một không gian mấy mét vuông của sân khấu với thời gian dài không quá 3 giờ. Phải nén. Kịch tính nhiều, hành động nhiều (hành động bằng tình huống, bằng hành vi, bằng nội tâm, bằng lời thoại…), đây vừa là thế mạnh của người viết văn, làm cho nhân vật phong phú trong suy tưởng và hành động của mình; nhưng vừa là hạn chế khi nhà văn thiếu chọn lọc tình tiết, hành động và thiếu tiết chế ngôn từ, tiết chế biểu cảm bằng chữ nghĩa…

Cái khó của kịch là viết như thế nào để cả một tập thể sáng tạo cùng tạo ra được những nhân vật với tính cách, số phận với lý tưởng thẩm mỹ không chỉ riêng tác giả mong muốn. Viết kịch luôn là sự thử thách, thứ thử thách đầy cám dỗ.

Vương quyền, kịch bản sân khấu đoạt giải B (không có giải A) của Hội Nghệ sĩ sân khấu VN đầu năm 2021, là kịch bản đầu tiên viết về đề tài lịch sử của chị? Chị có định tiếp tục viết kịch bản đề tài này?

Trước Vương quyền, tôi dành nhiều tháng để hoàn tất một kịch bản cũng về đề tài lịch sử, mang tên Lời thề trước Đền Hùng, với nhân vật chính là nhà cách mạng Nguyễn Thái Học, kịch bản hiện vẫn còn tạm nằm trong ngăn tủ. Sau kịch bản Vương quyền, tôi viết tiếp kịch bản dã sử Phiên xử Nhà Thái miếu, đoạt giải C của Hội Nghệ sĩ sân khấu VN cuối năm 2021, rồi cũng vừa hoàn thành kịch bản Vương thành mà nhân vật chính là vị hoàng đế sáng lập nhà Tiền Lê nước Đại Cồ Việt.

Từ phải sang: NSƯT - đạo diễn Lê Nguyên Đạt, nhà văn Bích Ngân, NSND Thoại Miêu và trợ lý đạo diễn Nguyên Phương viếng mộ Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt vào ngày giỗ lần thứ 190 của ông

NVCC

Bi kịch vụ án Thái tử phi Tống Thị Quyên

Nội dung và thông điệp gửi gắm vào vở Vương quyền này là gì, thưa chị?

Vương quyền được lấy cảm hứng khi tôi đọc tiểu thuyết Từ Dụ Thái hậu của nhà văn Trần Thùy Mai. Vở kịch xoay quanh những nhân vật có quyền định đoạt sự tồn tại hay tiêu vong một vương triều, cụ thể là triều nhà Nguyễn với sự trị vì của vua Minh Mạng, cùng những nhân vật có công lớn với vương triều đồng thời là chứng nhân và cũng là nạn nhân của vương triều đó.

Nhân vật chính của vở kịch là Lê Văn Duyệt, vị đại thần của triều Nguyễn, dưới triều Gia Long và Minh Mạng. Ông làm Tổng trấn Gia Định thành hai lần (lần 1: 1812 - 1816, lần 2: 1820 - 1832), thực hiện chính sách trị an tốt, có công lớn trong việc an dân cho cả vùng đất rộng lớn phương Nam.

Vở cải lương Vương quyền (Vụ án Tống Thị Quyên) sẽ công diễn lúc 20 giờ ngày 16.9 tại Trung tâm giải trí Hồng Liên (số 259 Hậu Giang, P.5, Q.6, TP.HCM) với sự tham gia diễn xuất của nhiều nghệ sĩ tên tuổi: NSND Thoại Miêu, NSƯT Kim Tiểu Long, NSƯT Mỹ Vân, nghệ sĩ Bình Tinh, Hoàng Quốc Thanh…

Tuy nhiên, do Lê Văn Duyệt không ủng hộ việc Minh Mạng lên ngôi mà ủng hộ hoàng tôn Đán, con của thái tử Cảnh khi Gia Long sắp mất; nên sau khi Gia Long băng hà, do tham vọng giữ vững vương quyền, thái hậu và vua Minh Mạng ép Lê Văn Duyệt dìm chết Tống Thị Quyên (theo ghi chép trong Đại Nam thực lục, bộ chính sử triều Nguyễn), là mẹ của hoàng tôn Đán và là vợ của thái tử Cảnh, người đã tử trận, nhằm trừ hậu họa có thể có âm mưu soán ngôi vua.

Đại thần Lê Văn Duyệt không thể làm trái lệnh vua, đã xuống tay sát hại thái tử phi Tống Thị Quyên. Hành động bất khả kháng trên đã khiến Lê Văn Duyệt đau đớn, giày vò dẫn đến hành động kết liễu đời mình nếu không có vợ nài nỉ lạy lục, van xin. Lê Văn Duyệt phải tiếp tục sống vì ông cần cho dân, cần cho Gia Định thành, cho phương Nam và cần cho cả Đại Nam. Và ông sống, sống bằng phẩm cách can trường, trung thực của một vị đại thần vì dân, vì nước...

Số phận Lê Văn Duyệt còn cho thấy rõ hơn những góc khuất của một triều đại đặt lợi ích của vương triều lên trên tất cả. Và những bi kịch, những hệ lụy cũng xuất phát từ đó…

Thông điệp của vở diễn còn được thể hiện trong câu thoại của Lê Văn Duyệt với Phạm Đăng Hưng, người chép sử “Quá khứ không minh bạch thì tương lai không thể nào sáng tỏ được” và “Đã làm người, tức là phải có trách nhiệm. Làm một đại quan, càng phải biết chịu trách nhiệm…”. Đó là trách nhiệm trước bá tánh và trước hậu thế.

Hơn nữa, bản thân chữ Vương quyền đã định danh quyền lực: đó là quyền của một vương triều, có lúc thuận với quyền của xứ sở thì quốc gia thịnh trị; có lúc chỉ vì quyền lợi của triều đại mình, tức sẽ nghịch với cái chung, thì quốc gia sẽ suy vi. Triều Nguyễn suy tàn là một điển cố cho loại quyền lực này.

Cuộc chơi với quyền lực thời nào cũng có, nhưng suy gẫm từ những điển cố để học cách sử dụng quyền lực sạch, quyền lực vì cái chung, một loại quyền lực của quốc gia dân tộc là điều vô cùng trọng yếu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.