|
Thanh Niên vừa có dịp trao đổi với nhà văn cựu binh Mỹ Wayne Karlin (ảnh, sinh ngày 13.6.1945 tại Los Angeles, Carlifornia, Mỹ). Từng là lính thủy đánh bộ tham gia chiến tranh Việt Nam (1966 - 1967), suốt 50 năm qua, với tinh thần “hàn gắn vết thương chiến tranh”, ông đã miệt mài viết tới 10 tiểu thuyết lên án chính phủ Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, tham gia biên tập, xuất bản nhiều sách của các nhà văn là cựu binh Mỹ; tuyển chọn, biên tập nhiều sách văn học Việt được dịch ra tiếng Anh như: The Stars, The Earth, The River (Những ngôi sao, trái đất và dòng sông, Lê Minh Khuê, 1997); Behind the Red Mist (Trong sương hồng hiện ra, Hồ Anh Thái, 1998); Against the flood (Ngược dòng nước lũ, Ma Văn Kháng, 2000); Past continuous (Thời gian của người, Nguyễn Khải, 2001); The cemetery of Chua village (Nghĩa địa xóm Chùa, Đoàn Lê, 2005), An insignificant family (Gia đình bé mọn, Dạ Ngân, 2009)...
Ông đã bắt đầu dịch, biên tập các tác phẩm văn học Việt như thế nào?
Qua William Joiner Center, tôi là một trong số những nhà văn Mỹ đã gặp gỡ các nhà văn Việt Nam từng đến Mỹ như Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Lê Lựu (1988), Lê Minh Khuê (1993). Chúng tôi đã sống và làm việc cùng nhau. Đó là những trải nghiệm làm thay đổi cuộc sống. Tôi, Lê Minh Khuê và Hồ Anh Thái thường bàn về một tuyển tập các câu chuyện nói về những ảnh hưởng của chiến tranh do cả nhà văn Mỹ và Việt viết. Lần đầu tôi quay lại Việt Nam vào cuối năm 1994, đầu 1995 để ký hợp đồng với các nhà văn Việt và Hội Nhà văn Việt Nam. Kết quả là cuốn The other side of heaven: Postwar fiction (Phía bên kia góc trời: Câu chuyện hậu chiến) đã ra đời, do cả nhà văn Mỹ - Việt đều viết. Tôi, Lê Minh Khuê, Trương Vũ biên tập cùng sự trợ giúp to lớn của Hồ Anh Thái. Năm 1995, Lê Minh Khuê và Hồ Anh Thái sang Mỹ và chúng tôi đã thực hiện một tour giới thiệu cuốn sách này khắp nước Mỹ. Cuốn sách nhanh chóng ăn khách và đoạt giải thưởng Paterson năm 1998. Suốt 10 năm qua, mỗi năm tôi giới thiệu một tác phẩm văn học Việt cho Curbsone Press để dịch và xuất bản tại Mỹ. Tôi và Hồ Anh Thái đồng chủ biên cuốn Love after war (Tình yêu sau chiến tranh) xoay quanh đề tài này, đã xuất bản ở cả hai nước. Chúng tôi cũng cùng biên tập một số tiểu thuyết Mỹ đương đại.
|
Ông thích tác phẩm của nhà văn Việt nào nhất?
Có lẽ là của Hồ Anh Thái. Tôi đã giới thiệu 3 tác phẩm của anh ấy cho 3 đơn vị xuất bản của Mỹ: Behind the Red Mist (tập truyện ngắn Trong sương hồng hiện ra, Curbstone Press), The women on the island (Người đàn bà trên đảo, NXB Đại học Washington), Apocalypse hotel (Cõi người rung chuông tận thế, NXB Đại học kỹ thuật Texas). Ngoài ra, tác phẩm của Lê Minh Khuê và Bảo Ninh cũng tác động mạnh mẽ tới tôi. Tôi yêu thích tất cả tác phẩm văn học Việt mà tôi đã giới thiệu nhưng phần lớn khá cổ điển như Truyện Kiều, Spring Essence (thơ Hồ Xuân Hương, John Balaban dịch)... Việc biên tập tác phẩm văn học Việt rất khó, dễ nhất may ra chỉ có tác phẩm của Lê Minh Khuê, Đoàn Lê. Tôi yêu thích sự dũng cảm, chân thật của các nhà văn Việt và những câu chuyện của họ.
Từng viết kịch bản và cố vấn cho một bộ phim liên quan tới Việt Nam, ông có muốn tiếp tục công việc này và xin chia sẻ về kế hoạch sáng tác sắp tới?
Tôi đã rất vui khi tham gia vào đoàn phim The song of the stork (Vũ khúc con cò) và đã viết một kịch bản khác về Việt Nam cho một nhà sản xuất không phải là người Việt Nam. Nhưng anh ấy chưa tìm được đủ tiền sản xuất. Tôi hiện rất muốn chuyển thể cuốn Wandering souls (Những linh hồn phiêu bạt) của tôi lên phim truyện. Tôi vừa viết xong một cuốn tiểu thuyết mới, xoay quanh những tác động vào một thành phố nhỏ của Mỹ bởi các cuộc chiến tranh gần đây ở Iraq và Afganistan. Và tôi cũng đang nghiên cứu hướng đi cho tác phẩm tiếp theo. Ngoài ra, tôi cũng vừa biên tập xong một tác phẩm văn học Việt khác mà tôi chưa thể công bố.
Ông muốn nói gì với Việt Nam?
Tôi đã quay lại Việt Nam chừng 10 lần, đã quay lại Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị. Tôi luôn có cảm giác được sinh ra lần nữa. Lần đầu tiên tôi được nhìn đất nước các bạn qua con mắt của một anh lính thủy đánh bộ mới 19 tuổi, và con người trẻ trung này vẫn luôn ở trong tôi. Tôi cảm nhận được những điều kỳ diệu về trái tim VN. Một trái tim từng bị che lấp bởi sự hiện diện của chúng tôi ở đó, với vũ khí trong tay. Tôi ước mình sớm được quay lại Việt Nam.
Xin cám ơn ông !
Sức quyến rũ bí ẩn 50 nhà nghiên cứu văn học, ngôn ngữ học, phê bình điện ảnh và dịch giả đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Việt Nam, Pháp, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Thái Lan... đã quy tụ tại Hội thảo Việt Nam đương đại: văn chương, điện ảnh, ngôn ngữ, diễn ra từ 17 - 19.3, tại hội trường Học viện Inalco, Paris (Pháp). Hội thảo được đồng tổ chức bởi Học viện Inalco (Học viện Ngôn ngữ và văn minh phương Đông), ĐH Paris-Diderot, ĐH Paris-Est Créteil, ĐH Aix-Marseille, ĐH San Francisco, ĐH Ngoại ngữ Tokyo, ĐH Chulalongkorn, nhằm khảo sát tình hình nghiên cứu và giới thiệu văn chương, điện ảnh, ngôn ngữ Việt Nam đương đại trên thế giới. Hội thảo đặc biệt có sự tham gia của các nhà văn, đạo diễn, nghệ sĩ như Kim Lefèvre, Việt Linh, Clément Baloup, Trương Quế Chi, Phong Điệp, Đỗ Khiêm, Thuận, Aimee Phan, Việt Lê, Nguyễn Hoài Hương... Ông Benoit Paumier, Tổng phụ trách các hoạt động Năm giao lưu Pháp - Việt Nam, đánh giá hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng trong khuôn khổ Năm Việt Nam tại Pháp 2014. Ông cũng nhận xét rằng văn học Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của công chúng và các nhà xuất bản Pháp, gặt hái được một số thành công. Bằng chứng là chỉ mấy ngày sau hội thảo trên, 4 tiểu thuyết mới trong tủ sách Văn học Việt Nam đương đại ấn bản tiếng Pháp của NXB Riveneuve: Saigon samedi của Đỗ Khiêm, Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương (Danh - Thành Dô - Hurinville dịch), Blogger của Phong Điệp (Nguyễn Phương Ngọc dịch)... đã được giới thiệu tại Hội chợ sách quốc tế tại Paris, được độc giả Pháp vui mừng đón nhận. |
Ngọc Bi
>> Ra mắt tủ sách Văn học Việt Nam đương đại tại Pháp
>> Ra mắt Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt - Nga
>> 20 năm Diễn đàn văn học Việt - Mỹ
>> Nét mới của văn học Việt
>> Nhật Bản chưa biết nhiều đến văn học Việt Nam
>> Văn học Việt trong mắt các nhà văn nước ngoài
Bình luận (0)