Nhà văn Guillaume Musso, một tác giả không hề được thế giới "giải thưởng văn chương" ngó ngàng gì tới cả, nhưng theo bảng xếp hạng do tổ chức GfK, công bố hôm 17.1 trên tờ báo Le Figaro, tác giả của Cuộc đời là một cuốn tiểu thuyết - La vie est un Roman, năm nay 48 tuổi, đã bán được 1,383 triệu bản sách trong năm 2022, bỏ xa các đối thủ cạnh tranh.
Theo sau ông là Joël Dicker, 37 tuổi người Thụy Sĩ (988.000 bản), một cây bút không nằm trong Top 10 năm 2021; và Mélissa Da Costa, 32 tuổi (845.000 bản), đã leo lên được năm bậc.
Tuy nhiên, nhà văn Guillaume Musso đã chiếm vị trí số một của bảng xếp hạng này vào năm 2011, mà nhà văn Marc Levy (hồi cuối năm ngoái từng tới Việt Nam) đã chiếm giữ từ năm 2004 đến năm 2010. Thành công của nhà văn Musso, ban đầu có tác phẩm do Nhà xuất bản XO phát hành, được giải thích như sau: ông chuyên viết về những âm mưu ly kỳ, bám sát không khí thời đại, tương tự như phim truyền hình dài tập.
Ngoài ra, cách viết của ông được cho là "khá hiệu quả", theo tờ Figaro. Sau khi chuyển sang Nhà xuất bản Calmann-Lévy vào năm 2018, nhà văn Guillaume Musso dần đổi mới chủ đề mình viết. Nhưng ông và giới phê bình văn học vẫn tiếp tục phớt lờ nhau. Tác phẩm mới nhất của ông - Angélique, đang là tiểu thuyết đúng hàng thứ tư trong số các tiểu thuyết được đọc nhiều nhất ở Pháp, tuy chỉ mới được xuất hiện vào tháng 9.2022.
Nhà văn Guillaume Musso quả thật quá tương phản với nhà văn nữ Annie Ernaux, được nhiều nhà phê bình yêu mến và đã được trao giải Nobel Văn học vào tháng 10.2022.
Xuất hiện ở vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng (633.000 bản) là một kỳ tích đối với Ernaux, tác giả được cho là không dễ đọc này. Đây là một nhà văn luôn trưng ra một hình ảnh khá trí thức và dấn thân chính trị.
Nhà xuất bản của bà là Gallimard, nhờ giải thưởng của bà mà đã có thể phục hồi được vị trí khá nhanh sau khi có thông báo về giải Nobel này. Và những cuốn sách của bà như Nơi chốn - La Place hay Chàng trai trẻ - Le Jeune Homme đã được hưởng lợi rất nhiều do việc quảng cáo quá xá cỡ của những tiệm sách, thường ngưỡng mộ tác phẩm của bà.
Các nhà văn mất vị trí trên bảng xếp hạng GfK này là Virginie Grimaldi, tụt hai bậc (thứ 4, 820.000 bản). Tiếp theo sau là Pierre Lemaitre (thứ 5, 780.000 bản) và Franck Thilliez (thứ 6, 757.000 bản), Valérie Perrin (thứ 8, 632.000 bản), Marc Levy (thứ 9, 630.000 bản ) và Marie-Bernadette Dupuy (thứ 10, 554.000 bản). Tụt hạng, nhưng họ đều ở trong top 10.
Dù nhà văn Guillaume Musso, giữ 'ngôi vương' 12 năm liền có sách bán chạy nhất nước Pháp thì ngược lại, cũng theo GfK, doanh số bán sách ở Pháp giảm 4%, xuống còn 4,3 tỉ euro vào năm 2022, do so với một năm đặc biệt là 2021. Văn học chiếm 27% thị trường, đứng trước truyện tranh (23%) và sách thiếu nhi (16%).
Bình luận (0)