Nhà văn Ma Văn Kháng đã nhận xét ngắn gọn về Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu (do NXB Trẻ vừa ấn hành) của nhà văn Hồ Anh Thái: "Bút pháp linh hoạt, tinh tế, hóm hỉnh, giàu khám phá bất ngờ và gần như phi cổ điển, đã khiến người đọc khó rời mỗi trang viết của Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu".
Còn nhà nghiên cứu Võ Anh Minh thì cho rằng: "Đã không ít lần viết về Hà Nội, truyện ngắn có, tiểu luận có, nhưng xem ra Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu là một cách độc đáo để Hồ Anh Thái phác họa những chân dung đa chiều của Hà Nội thời chiến, gửi đến để chia sẻ với người đọc".
Với thế hệ của Hồ Anh Thái, ám ảnh về "những năm bom Mỹ trút trên mái nhà" hẳn không bao giờ phai nhạt. Ông cũng từng có vài tác phẩm viết về chiến tranh: Người đàn bà trên đảo, Trong sương hồng hiện ra nhưng ở thể loại tiểu thuyết, nhà văn đã thể hiện rõ thái độ khước từ lối trần hiện một thứ "hiện thực giản đơn".
"Bên ngoài khu vực dãy chuồng thú là một hố bom. Quả bom năm nghìn bảng Anh thổi bay bức tường xi măng cao hơn hai mét và phạt gẫy hai cây sấu cổ thụ bên cạnh tường. Mấy chuồng bồ câu làm ảo thuật cũng bay đi đâu mất. Thu lao qua cái chuồng thú còn nguyên vẹn thấy hai con khỉ nằm sóng sượt bên cạnh máng ăn. Chị phóng xe đạp từ nhà đến đây, quẳng cái xe trước khu nhà bạt rồi chạy vội vào khu chuồng thú. Từ xa đã thấy chuồng hổ cong queo. Cái chuồng không bị trúng bom nhưng sức ép đã xô lệch những chấn song sắt mà bình thường không kìm búa nào có thể bẻ gẫy được. Những chấn song méo mó tạo thành khoảng trống mà lũ hổ có thể chui lọt. Không còn một con hổ nào trong chuồng.
Mừng. Chui ra được chứng tỏ là chúng còn sống", trích từ sách.
Cứ như vậy, đằng sau "mưa ngâu"… là một chiến sĩ trẻ có khả năng nhìn xuyên qua những bức tường và khả năng này của anh được khai thác nhằm phát hiện những hoạt động chống phá ngầm khi máy bay địch đang dội bom xuống thủ đô.
Một phi công chiến đấu trên bầu trời có một tình yêu giữ kín khi ở trên mặt đất.
Một nữ nghệ sĩ chăm sóc bốn con hổ xiếc xổng chuồng chạy ra đường phố sau trận bom.
Câu chuyện hiện thực và huyền ảo mở rộng dần ra, tái dựng không khí ở thủ đô Hà Nội những ngày tháng chống cuộc tấn công từ trên không của pháo đài bay. Những con người bình thường, giản dị và kỳ lạ, tất thảy tạo nên gương mặt thủ đô trong những năm tháng bi hùng và trong những khoảnh khắc lãng mạn giữa bom đạn khốc liệt.
Hồ Anh Thái (sinh năm 1960) là một nhà văn đương đại của Việt Nam. Ông được xem như một hiện tượng văn chương của thế hệ văn nhân thời hậu chiến, sau 1975. Ông còn là một nhà ngoại giao, là Phó Đại sứ Việt Nam tại Iran (2011- 2015).
Ông đã tốt nghiệp đại học ngành Quan hệ quốc tế. Sau khi tốt nghiệp, ông tham gia viết báo và làm công tác ngoại giao ở nhiều quốc gia Âu - Mỹ, đặc biệt là Ấn Độ, Iran. Giỏi ngoại ngữ, ông là một nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu Ấn Độ, giảng viên.
Hồ Anh Thái là một hiện tượng trong giới văn chương với giọng văn trẻ trung, tươi mới. Đầu những năm 1990, sau nhiều năm nghiên cứu và làm việc ở nhiều nước Âu - Mỹ, đặc biệt là 6 năm tại Ấn Độ, ông trở lại văn đàn với những chùm truyện ngắn độc đáo, hài hước mà thâm trầm về Ấn Độ. Sách của ông thường được phát hành với số lượng lớn và đã được dịch ra hơn 10 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Thụy Điển...
Năm 2000, Hồ Anh Thái được bầu là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho đến năm 2010. Ông từng nhận nhiều giải thưởng văn chương lớn.
Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu của nhà văn Hồ Anh Thái là câu chuyện về nhiều cuộc đời trong một cuộc đời chung, một "hoàn cảnh lớn", song tác giả không ngần ngại lồng vào đó để diễn tả những "chuyện đời có thật" mang nỗi niềm riêng khác. Các tuyến nhân vật - hay nói cách khác các "số phận" - hiện lên mạch lạc, sáng rõ, không hề mang vẻ chìm khuất trong cái "đặc biệt" cố hữu của hoàn cảnh lịch sử. Họ đặc biệt theo cách của mình: sống trọn vẹn với vẻ đẹp tâm hồn mình, với những đam mê hay những trăn trở của chính mình.
Bình luận (0)