Năm 2015, thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, các xã ở H.Thống Nhất (Đồng Nai) đều được cấp kinh phí xây dựng văn phòng ấp kết hợp nhà văn hóa ấp (gọi tắt là NHV ấp) làm nơi cho người dân tổ chức hội họp, học tập cộng đồng và các sinh hoạt khác. Toàn huyện có 32 NVH ấp được xây mới và 5 cái được cải tạo, sửa chữa đều do UBND các xã làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư được duyệt theo báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây mới từ 800 triệu - 1 tỉ đồng/căn; cải tạo, sửa chữa khoảng 400 - 500 triệu đồng/căn.
Cửa chốt then cài
Về tình trạng hoạt động của các NVH, ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai, khẳng định: “Không có tình trạng NVH ấp đóng cửa im ỉm suốt ngày, lâu lâu mới sử dụng đến; các NVH vẫn hoạt động bình thường theo chương trình, kế hoạch của địa phương như tổ chức hội họp, sinh hoạt chuyên đề”.
Thế nhưng, thực tế khi đến nhiều NVH ấp trên địa bàn H.Thống Nhất, chúng tôi ghi nhận hầu hết đều trong tình trạng “cửa chốt then cài”. Cụ thể, NVH ấp Đức Long 3 (xã Gia Tân 2) gần 1,2 tỉ đồng được xây dựng bên cạnh một hố rác rộng gần 100 m2, sâu 20 m. Hằng ngày, mùi rác bốc lên hôi thối, ruồi nhặng bu đầy. Ông Bình, một người dân ấp Đức Long 3, cho hay: “NVH xây ở xa quá, chúng tôi chỉ họp tổ ở nhà của tổ trưởng chứ ít khi đi ra ngoài đó”.
Nhà văn hóa ấp Lập Thành (xã Xuân Thạnh)
|
Ông Phạm Văn Châu, Trưởng ấp Đức Long 3, cũng thừa nhận: “Bao giờ có sinh hoạt chi hội, chi bộ thì mới dùng tới NVH, còn ban ngày có làm gì đâu mà không đóng cửa. Kỳ bầu cử vừa rồi NVH cũng không sử dụng được đành phải ra trường học để bầu. Lúc trước, địa phương kiếm đất xây NVH ấp nhưng không có. Mà chính quyền yêu cầu xây thì phải xây, xây dựng nông thôn mới thì phải cho nhanh cho kịp thời gian”.
|
|
|
Bao giờ có sinh hoạt chi hội, chi bộ thì mới dùng tới nhà văn hóa, còn ban ngày có làm gì đâu mà không đóng cửa. Kỳ bầu cử vừa rồi nhà văn hóa cũng không sử dụng được đành phải ra trường học để bầu
|
|
|
Ông Phạm Văn Châu, Trưởng ấp Đức Long 3 (xã Gia Tân 2, H.Thống Nhất, Đồng Nai)
|
|
|
Cũng trong tình trạng tương tự, NVH ấp Đức Long 1 (xã Gia Tân 2) được xây ở vị trí tách biệt ra khỏi khu dân cư khiến người dân không mặn mà tới tham dự các cuộc họp. Anh Nguyễn Thái Nguyên Chương, Trưởng ấp Đức Long 1, cho hay NVH dùng để sinh hoạt chi bộ, các đoàn thể. Mỗi tháng sử dụng khoảng 8 lần, còn lại là đóng cửa. “Vừa rồi bầu cử cũng phải tập trung tại NVH của xã chứ không tổ chức ở NVH ấp vì người dân không quen”, anh Chương nói. Anh Nguyễn Văn An (37 tuổi, sống bên cạnh NVH ấp lộ 25, xã Bàu Hàm 2) bức xúc: “Công trình to đẹp, làm xong rồi cứ bỏ hoang như vậy thì trong thời gian ngắn sẽ xuống cấp thôi”.
Mới đưa vào sử dụng đã bị nứt
Dẫn chúng tôi đi xem NVH ấp Lập Thành (xã Xuân Thạnh), ông Nguyễn Ngọc Ánh (trưởng ấp) ngao ngán: “Không biết đơn vị thi công làm kiểu gì mà mới đưa vào sử dụng vài tháng tường đã bị nứt hàng loạt chỗ”. Theo quan sát của PV, các vết nứt rải đều khắp nơi, cả bên trong lẫn ngoài các bức tường. Nhiều vết nứt chạy dọc từ dưới nền nhà lên trên tường, dài từ 2 - 3 m. Ông Ánh nói: “Họ chỉ lấy hồ tô trét lên bên ngoài vết nứt, đến nay những chỗ đó đã nứt trở lại. Nhiều mảng tường phía trong nhà cũng bị nước thấm loang lổ. Tôi làm tờ trình lần này là lần thứ 2, yêu cầu sửa chữa nhưng vẫn chưa thấy họ xử lý”.
Tương tự, NVH ấp Trần Cao Vân (xã Bàu Hàm) cũng xuất hiện một loạt vết nứt dọc dài trên các bức tường. Ông Voòng A Sy (trưởng ấp) nói: “Khi đưa vào sử dụng được 2 tháng thấy tường rạn nứt. Thiết kế phần sắt ở cửa ô gió bị nhỏ, lan can bằng inox thì đơn vị thi công làm bằng sắt”.
Thế nhưng, theo Phòng Tài chính - Kế hoạch H.Thống Nhất, hiện hầu hết các NVH ấp đã được nghiệm thu. Chủ đầu tư và nhà thầu đang làm hồ sơ quyết toán. Khối lượng bố trí vốn đã chuyển cho chủ đầu tư để trả cho đơn vị thi công đạt từ 90 - 95%, chỉ giữ lại khoảng 5% số tiền để bảo hành công trình.
Nhà cấp 4 giá tiền tỉ
Tại xã nông thôn mới Xuân Thạnh (H.Thống Nhất) được cấp kinh phí xây mới 3 NVH ấp. Cụ thể, NVH ấp 94 là công trình dân dụng cấp 3, nhà một tầng, diện tích văn phòng 101 m2, vốn đầu tư được duyệt gần 879 triệu đồng (chi phí xây lắp chiếm 650 triệu đồng). NVH ấp Lập Thành có diện tích là 168 m2, tổng vốn đầu tư trình duyệt trên 1,1 tỉ đồng (chi phí xây lắp 860 triệu đồng). Ông Phạm Hồng Đông, Chủ tịch UBND xã Xuân Thạnh (chủ đầu tư), lý giải nghi vấn về giá xây dựng quá cao: “Theo tôi, NVH giá cao hơn người dân xây dựng do có 50% gạch không nung; có phòng hội họp, phòng riêng. Trong đó hạng mục trang thiết bị như: phông màn, ti vi, bàn bục... đã có giá tới 95 triệu đồng”.
|
Bình luận (0)