Nhà văn Hoàng My buồn vui cùng 'Nhà lúc đông lúc vắng'

04/03/2023 11:40 GMT+7

Nhà lúc đông lúc vắng là tập tản văn mới của Hoàng My vừa ra mắt, sau các tập sách vốn quen thuộc với bạn đọc yêu thích giọng văn đầy chất nữ của chị: Sau chủ nhật là thứ hai (2013), Chỉ tình yêu là đủ (2015) Sài Gòn thương còn hổng hết (2019), Đàn bà vui buồn bé mọn (2021)…

Nhà lúc đông lúc vắng (Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM) được Hoàng My viết trong và sau những ngày đại dịch Covid-19, đọc trong những ngày tháng ba Sài Gòn, khi không còn nơm nớp nỗi lo dịch giã, dường như người ta có thể cho phép mình sống chậm, thong thả và tận hưởng những gì an lành đang có, cũng như đào sâu vào tâm thế của người phụ nữ trong muôn mối quan hệ thời hiện đại.

Cùng với các tác giả nữ: Phạm Thị Ngọc Liên, Hồ Yến Thục, Cao Bảo Vy, nhà văn Hoàng My vừa có buổi trò chuyện về chủ đề Để yêu thương cất lời, do NXB Tổng hợp TP.HCM tổ chức tại Đường sách TP.HCM sáng ngày 4.3, nhân dịp chào mừng Quốc tế Phụ nữ 8.3 sắp tới.

Nhà văn Hoàng My buồn vui cùng 'Nhà lúc đông lúc vắng' - Ảnh 1.

Bìa cuốn sách Nhà lúc đông lúc vắng của tác giả Hoàng My

Hạ Minh

Mỗi bài viết trong tập sách Nhà lúc đông lúc vắng như những lát cắt cuộc sống sinh động, tỉ mỉ, thực tế, mang đến cho người đọc những sẻ chia thấm thía, những nghĩ suy: ta đã sống thế nào, đang sống thế nào, và nên sống như thế nào, bằng một cách giản dị chẳng hề đao to búa lớn, mà chỉ từ những câu chuyện rất nhỏ, li ti trong đời thường được tác giả chắt lọc tinh tế viết nên, đủ sức chạm vào trái tim. Cái cách quan sát một người đàn ông "cũng không còn trẻ lắm, đi cà phê với một… cái xe nôi em bé", để rồi loay hoay với đứa trẻ khóc gào vật vã (Ngoan nào, để bố địu con!); hay cảnh người chồng cố gắng đút muỗng cơm cho ba bị ốm ăn để rồi bất lực và "khóc hu hu như một đứa trẻ" (Chúng ta cùng một mái nhà); hay chỉ là ánh mắt ban đầu thành kiến khi "thi thoảng bắt gặp trong quán một hai phụ nữ không còn quá trẻ" ngồi cà phê thảnh thơi trong khi ắt hẳn họ đang có một gia đình phải lo toan (Cuối tuần, vào bếp hay ra quán?)… là những quan sát tỉ mỉ của Hoàng My, để mang đến cho bạn đọc một điều gì đó sâu sắc hơn trong nhận thức với cuộc sống.

Nhẹ nhàng mà thấm thía, Hoàng My khiến bạn đọc hút vào cuốn sách của mình từ những cái tựa dung dị. Ngày của nhau thế nào? là một bài viết như thế. Người đọc như sực tỉnh: ừ nhỉ, có bao giờ ta dừng lại bước chân vội vã đua chen, ta chỉ biết đến bản thân ta đang tất bật, đang vui đang buồn, cái tâm trạng ấy "phình to" hết cỡ trong con người ta, mà quên rằng: ngày của hai đứa con ta trong trường học thế nào, ngày của chồng ta thế nào, mẹ ta đang sống cùng vợ chồng em trai và cháu nội thì ra sao… "Có tốt lành ấm áp? Có hạnh phúc và niềm vui? Có thanh thản nhẹ nhàng? Có nhớ đến việc nhìn lại xung quanh và thầm hỏi, ngày của người bên ta thế nào?". Để rồi tự hỏi mình: Chúng ta có đang thờ ơ với nhau quá chăng, khi chỉ nghĩ đến "nhu cầu tự thể hiện" và chúi mũi vào điện thoại thông minh của mình…

Nhà văn Hoàng My buồn vui cùng 'Nhà lúc đông lúc vắng' - Ảnh 2.

Nhà văn Hoàng My (trái) trong buổi giao lưu trò chuyện cùng độc giả tại Đường sách TP.HCM sáng 4.3

NVCC


Tựa đề bài viết và là tựa chung tập sách Nhà lúc đông lúc vắng cũng là một mệnh đề gợi lên bao suy nghĩ. Những gia đình hiện đại, đã bao giờ chúng ta để ý nhà mình lúc đông lúc vắng: lúc chỉ hai vợ chồng có được cái "tổ cúc cu riêng" tha hồ cầu toàn tươm tất, lúc thêm ở đâu lũ cháu đông đúc, ồn ào, tự dưng nảy sinh sự để ý hẹp hòi; rồi khi "phải" nhận nuôi ba chồng ốm, ba ruột mình nghỉ hưu… Mỗi lúc cái tổ ấm hiện đại ấy lại phát sinh thêm những mối quan hệ mà ta không tính trước, nhưng chính "lúc đông lúc vắng" ấy cho ta biết sống không thể ích kỷ riêng mình. Bởi điều ta nhận lại luôn từ điều ta cho đi. Bởi khi ta biết buông những chấp nhặt đời thường, tự thoải mái với chính mình thì mới có được sự bình yên, quan trọng "Nhà rộng hay chật, đông hay vắng, miễn vui là được".

Những câu chuyện về các mối quan hệ gia đình trong cuốn sách của Hoàng My luôn khiến người đọc dừng lại, tự vận vào mình, để mà nhìn rõ mình hơn trong mối quan hệ gia đình của chính mình, để mang đến cho mình một hướng suy nghĩ khác, từ đó tự giải tỏa những khúc mắc, tìm giải pháp nào đó để có được sự ấm áp sẻ chia. Nhà có người già, Đưa má đi xem phim, Con ghét cơm nhà, Chạm tuổi hưu, Người già đi du lịch, Phòng khách có còn đón khách?, Bố mẹ sẽ sống cùng ai?... mỗi câu chuyện có khi khiến ta giật mình, cười rồi rưng rưng, chạnh lòng, mà, cách nào thì có lẽ cũng là cách tự thân ta: hãy biết gần gụi người thân nhiều hơn, biết "trân trọng hơn hiện tại, sống trọn vẹn hơn khi còn ở bên nhau vui vầy"…

Cuốn sách có những bài viết vẫn là thế mạnh của Hoàng My khi thể hiện cái thế giới quan của một phụ nữ trẻ hiện đại sắc sảo, nhạy cảm, tinh tế, giàu yêu thương; đàn bà thời @ theo thời cuộc nhưng vẫn giữ nguyên những giá trị truyền thống. Tết, mười năm, Những nút thắt trong lòng nhau, Nhà cần một nữ chủ nhân, Ta đi với nhau một đoạn đường… Những bài viết cho thấy nhiều góc khuất trong suy nghĩ của người đàn bà, nhưng dù là câu chuyện của một phụ nữ đơn thân, hay một người đang trong bổn phận làm dâu, làm vợ với bộn bề các mối lo toan, người phụ nữ trong các mối quan hệ xã hội... Hoàng My luôn có những quan sát nhìn nhận đồng cảm, vị tha.

Đọc Nhà lúc đông lúc vắng, có thể nhận thấy, phụ nữ - nữ quyền mà tác giả đề cập đến có lẽ chính ở sự độc lập, vén khéo, biết tự trân trọng bản thân mình; và tình yêu - tình mẫu tử luôn là điều đẹp đẽ nhất, "cứu rỗi" trái tim người mẹ. Hẳn nhiều người phụ nữ cũng như tác giả, yêu thiên chức của mình như yêu một buổi sáng thức dậy có đôi mắt rợp bóng mi của con nhìn mẹ, có đôi má bầu bĩnh của con áp vào: "Đời tôi bây giờ chỉ cần bấy nhiêu thôi là đủ. Mọi bon chen hơn thua đẹp xấu sang giàu ngoài kia thật chẳng ý nghĩa gì" (Bản sao của tình yêu).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.